Tin tức Đời sống 23/2: Đề phòng dịch tay chân miệng mùa nồm ẩm

Cập nhật tin tức đời sống ngày 23/2: WHO kêu gọi 'mạnh tay' hơn với chất béo chuyển hóa gây hại; Đề phòng dịch tay chân miệng gia tăng trong mùa nồm ẩm...

WHO kêu gọi “mạnh tay” hơn với chất béo chuyển hóa gây hại

Năm 2018, WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới vào năm 2023, do có nhiều bằng chứng cho thấy đây là nguyên nhân gây ra 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Mục tiêu này không đạt được và được lùi lại đến năm 2025.

Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 53 quốc gia, chiếm 46% dân số thế giới, đang thực hiện các chính sách tối ưu để hạn chế chất béo độc hại này, tăng từ 11 quốc gia và tỷ lệ 6% vào năm 2018.

WHO ước tính khoảng 183.000 người được cứu sống mỗi năm nhờ các chính sách này.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh chất béo chuyển hóa mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe con người. Ông ca ngợi nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách cấm hoặc hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác tham gia và tăng cường đối thoại với ngành công nghiệp thực phẩm.

Đề phòng dịch tay chân miệng gia tăng trong mùa nồm ẩm

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần đầu tiên sau Tết nguyên đán, trên địa bàn thành phố ghi nhận 8 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ổ dịch mới. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 432 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Các chuyên gia y tế cho biết, cao điểm của bệnh tay chân miệng thường là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Lúc này đang là giai đoạn chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, có mưa phùn kèm theo nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm. Do đó, người dân cần chú ý phòng bệnh tay chân miệng khi dịch sắp “vào mùa”.

Về các bệnh dịch truyền nhiễm khác, tuần qua tại Hà Nội vừa ghi nhận một bé gái 4 tuần tuổi (ở huyện Quốc Oai) mắc ho gà. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 3 trường hợp mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh nào…

Ngoài yếu tố thời tiết thì hiện nay cũng đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại, tập trung đông người của người dân gia tăng kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Vì thế, CDC Hà Nội khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng bệnh như đeo khẩu trang ở nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…

Thời tiết nồm ẩm, người cao tuổi cần lưu ý điều gì?

Theo TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện virus và vi khuẩn phát triển. Đây cũng là mùa đáng ngại nhất với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, đột quỵ, tim mạch. Thời tiết thay đổi liên tục trong ngày như sáng, tối sương mù, đôi khi kèm mưa phùn, trưa hửng nắng, khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh. Lạnh nồm ẩm là yếu tố nguy cơ dẫn đến khởi phát các đợt phổi cấp, suy hô hấp... nhất là người có bệnh lý nền.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, cơ thể người cao tuổi theo tuổi tác suy giảm các chức năng, dễ bị vi khuẩn xâm nhiễm, gây bệnh.

BS Hà Thị Vân Anh, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết sau Tết, bệnh nhân nhập viện thường tăng, chủ yếu là các bệnh huyết áp, dị ứng, khởi phát những cơn gout cấp, bên cạnh các bệnh lý tim mạch.

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân cao tuổi nhập viện sau Tết thường tăng cao, trong đó có một số bệnh nhân trước Tết tạm ổn định, nên cho ra viện thì sau Tết nhập lại. Ngoài ra có bệnh nhân không kiểm soát tốt điều trị, quên thuốc khi đi du lịch, đi chơi, không duy trì điều trị, ăn nhiều đồ mỡ, tinh bột… khiến bệnh trở nặng. Yếu tố thời tiết cũng tác động đến tình trạng bệnh lý và sức khỏe của bệnh nhân.

"Thời tiết lạnh và nồm ẩm nhiều nên người cao tuổi cũng chú ý mặc ấm nhưng quần áo đảm bảo thoáng, không mặc đồ bó quá, tránh cho việc ra mồ hôi rồi ngấm trở lại dễ gây ho và viêm phế quản. Nhiều người già có thói quen khi ra đường hay dùng khăn bịt kín mặt, làm như vậy dễ ra mồ hôi, khi hít vào thì đồng thời cũng dễ bị nhiễm lạnh. Do vậy, cần lưu ý đeo khẩu trang thoáng, không nên dùng khăn vắt qua mặt mũi", BS Vân Anh lưu ý.

Để bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài và luôn đảm bảo cơ thể được giữ ấm. Gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm để không khí được khô thoáng, thường xuyên vệ sinh họng và môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.

Nếu phải ra đường, người già nên sử dụng khẩu trang, hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực ô nhiễm.

Ngoài đảm bảo dinh dưỡng, người cao tuổi cần duy trì tập luyện thể dục phù hợp, tuy nhiên hạn chế tập lúc sáng sớm hay tập luyện quá sức để tránh nguy cơ nhiễm lạnh hoặc đột quỵ.

"Các gia đình cần chú ý và nhắc nhở người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tâm lý chủ quan dùng thuốc không điều độ, tự ý bỏ thuốc hoặc trì hoãn. Nếu trong gia đình có người cao tuổi xuất hiện các dấu hiệu như ho, khạc tăng, sốt cần đi khám, can thiệp sớm, hiệu quả điều trị cao hơn", BS Vân Anh nhấn mạnh.

T.M (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-23-2-de-phong-dich-tay-chan-mieng-mua-nom-am-a650935.html