Tin tức Đời sống 8/3: Những bộ phận của gà ngon mấy cũng không nên ăn

Cập nhật tin tức đời sống ngày 8/3: Những bộ phận bẩn nhất của gà không nên ăn; Phải cắt bỏ thận chỉ vì chủ quan...

Những bộ phận bẩn nhất của gà không nên ăn

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, thịt gà có nhiều giá trị dinh dưỡng. Theo y học hiện đại, trong 100g thịt gà chứa 20,3g protein, 4,3g chất béo và nhiều vitamin A, E, C, B1, B2, PP. Đây cũng là loại thịt chứa nhiều khoáng chất canxi, phốt pho, sắt có lợi cho sức khỏe. Trong thịt gà chứa hàm lượng beta-carotene, lycopene, retinol, alpha cao, đều bắt nguồn từ vitamin A.

Còn trong y học cổ truyền, thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc. Có nhiều loại gà khác nhau theo màu lông nhưng nói chung thịt gà có tác dụng bổ tỳ, điều hòa khí huyết chữa thận yếu, phong thấp, dùng rất tốt cho phụ nữ sau sinh.

Người dân dùng thịt gà tần với tam thất, nấm linh chi hoặc đông trùng hạ thảo để bồi dưỡng và cầm máu. Thịt gà hầm với hạt sen chữa suy dinh dưỡng. Cháo thịt gà mái ăn thường xuyên còn là bài thuốc hỗ trợ chữa liệt dương. Trong các phần thịt gà có thịt ức, lườn, đùi thì ức gà có giá trị dinh dưỡng cao nhất, chứa nhiều protein nhưng hàm lương calo thấp.

Khi sơ chế gà, bạn cần lưu ý các bộ phận của thịt gà không nên ăn:

Thứ nhất: Nội tạng gà, các gia đình có thói quen mổ gà giữ lại bộ lòng gà. Về mặt giá trị dinh dưỡng lòng gà nhiều chất đạm, chất béo nhưng đây là bộ phận có nhiều nguy cơ tồn dư lượng thuốc trong quá trình chăn nuôi, giun sán, vi khuẩn, virus gây hại.

Thứ hai: Phao câu giống như kho chứa vi khuẩn, nơi tập trung của tuyến dịch bạch huyết, nơi chứa đại thực bào. Phao câu cũng là nơi chứa lượng mỡ và cholesterol có thể gây hại cho sức khỏe, tuyệt đối không tốt với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, rối loạn máu mỡ.

Thứ ba: Phần dưới da cổ gà chứa nhiều tuyến dịch bạch huyết, không nên ăn.

Thứ tư: Đầu gà là nơi tập trung nhiều chất độc hại, không nên ăn thường xuyên. Đầu gà chứa nhiều cholesterol, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đầu gà còn chứa nhiều vi khuẩn, virus, không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý, đùi và cánh gà hai vị trí hay được chọn để tiêm phòng trong quá trình nuôi nên không thể loại trừ việc tồn dư thuốc trong thịt. Theo quan niệm dân gian "thứ nhất phao câu, nhì đầu cánh" đây chỉ là câu nói truyền miệng. Ngày xưa, thực phẩm hiếm nên ăn phao câu béo ngậy bổ sung thêm chất béo. Nhưng hiện nay, quan niệm này không còn đúng. Vì vậy, bạn nên cân nhắc khi ăn những bộ phận này.

Phải cắt bỏ thận chỉ vì chủ quan

Những viên sỏi nhỏ trong niệu quản thường khiến người bệnh chủ quan, cho rằng “uống thuốc Nam sẽ tự trôi ra ngoài”. Song, trường hợp mới đây được điều trị tại Bệnh viện 19-8 là một lời cảnh báo.

Bệnh nhân Đ. 33 tuổi hiện đang điều trị tại Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện 19-8 cho biết, cách đây 5 - 6 năm, qua siêu âm, anh biết bản thân có sỏi trong đường tiết niệu. Song, kích thước sỏi nhỏ nên bác sĩ khuyên chỉ cần uống nước đầy đủ.

2 tháng trước, bệnh nhân thấy đau ở bụng bên phải. Lo sợ ruột thừa nên đi khám thì phát hiện viên sỏi nhỏ kẹt lại trong niệu quản phải. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nhập viện để làm 1 số chụp chiếu thăm dò. Tuy nhiên, bệnh nhân tự ý về nhà, dùng thuốc Nam. Tuy nhiên, cơn đau ngày càng tăng. Sau gần 2 tháng, người bệnh quay lại Bệnh viện 19-8 để tái khám.

Theo kết quả chụp cắt lớp vi tính, thận bên phải của anh Đ. bị giãn ứ nước độ IV. Nguyên nhân đến từ chính viên sỏi “nhỏ” mà anh đã bỏ qua cách đây 2 tháng.

Kết quả xạ hình thận cho thấy, thận phải của bệnh nhân đã hoàn toàn mất chức năng. Bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ quả thận. BS Mai Tiến Dũng là phẫu thuật viên thực hiện ca mổ chia sẻ: “Sau khi tiếp cận quả thận phải căng giãn to, chúng tôi đã hút ra được khoảng 3 lisít nước tiểu đục ứ đọng từ lâu trong quả thận. Nếu để lâu thêm, có nguy cơ sẽ chuyển thành ứ mủ, gây nên một bệnh cảnh rất nặng nề cho bệnh nhân”.

Cuộc phẫu thuật kết thúc thuận lợi. Bệnh nhân ổn định, được chuyển về hậu phẫu và điều trị tại Khoa Ngoại Tiết niệu chỉ với 3 vết mổ khoảng 0,5 - 1cm. Sau 3 ngày bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.

BS Nguyễn Trần Thành, người điều trị cho anh Đ., cho biết, nếu không chủ quan chỉ vì coi thường viên sỏi kích thước nhỏ, bệnh nhân sẽ được nhập viện tại Khoa Ngoại Tiết niệu, được chỉ định chụp chiếu thăm dò, đánh giá và tiên lượng diễn biến của viên sỏi.

Nếu nhận thấy viên sỏi không thể bị tống xuất ra ngoài một cách tự nhiên, các bác sĩ sẽ chỉ định Nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản bằng laser, vừa giải quyết triệt để viên sỏi trước khi quả thận bị căng giãn, vừa không có sẹo mổ mà hồi phục lại nhanh chóng.

Sỏi kẹt trong niệu quản có thể được điều trị bằng các thuốc giãn cơ trơn, hoặc tăng lưu lượng dòng nước tiểu. Song, nếu những biện pháp trên không hiệu quả, người bệnh cần được can thiệp phẫu thuật.

Cà phê và sữa đẩy lùi loại ung thư phổ biến thứ 5 thế giới

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Nutrition, một số nhóm thực phẩm có tác dụng đặc biệt lớn với nguy cơ ung thư dạ dày. Trong đó, những người uống nhiều cà phê và sữa hưởng lợi nhiều nhất.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến hàng thứ 5 và cũng gây tử vong cao thứ 5 trong số các bệnh ung thư.

Nhóm tác giả đến từ Đại học Y khoa Thiên Tân, Đại học Y khoa Nội Mông, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh mãn tĩnh và bệnh không lây nhiễm quốc gia, Phòng thí nghiệm trọng điểm về chuyển hóa lâm sàng khối u Liêu Ninh (Trung Quốc) đã nghiên cứu trên 2.468 tình nguyện viên.

Những người này nhận được bảng hỏi chi tiết về các món họ thường xuyên ăn, sau đó xem xét dữ liệu theo 6 mô hình khác nhau.

Mô hình 1 đặc trưng bởi sự tiêu thụ gia vị, trứng, tỏi, rau và thịt đỏ, được gọi tắt là mô hình gia vị - tỏi - protein. Mô hình 2 đặc trưng bởi việc ăn nhiều thực phẩm nước, đồ chiên, thịt đỏ, hải sản, gọi tắt là mô hình thức ăn nhanh.

Mô hình 3 là mô hình rau - trái cây, mô hình 4 là mô hình thực phẩm ngâm chua - đậu nành, đặc trưng bởi việc tiêu thụ nhiều các món rau, dưa ngâm, thịt chế biến và sản phẩm đậu nành.

Mô hình 5 đặc trưng bởi lượng đồ ăn vặt và đồ uống có gas cao, gọi là mô hình thực phẩm không thiết yếu. Mô hình 6 đặc trưng bởi mức tiêu thụ cao cà phê và sữa.

Khi so sánh những người ăn nhiều nhất và ít nhất loại thực phẩm được đề cập đến trong mô hình, sự khác biệt đối với nguy cơ ung thư dạ dày thể hiện rõ rệt đối với mô hình 1, 2, 4, 5 và 6.

Trong đó, mô hình thức ăn nhanh đem đến tác động cực kỳ bất lợi, với nguy cơ ung thư dạ dày tăng hơn gấp đôi so với nhóm ăn ít nhất. Mô hình thức ăn không thiết yếu cũng đem đến cho nhóm ăn nhiều nhất mức tăng nguy cơ khoảng 60%.

Tác dụng có lợi ghi nhận ở mô hình 1, 4 và 6: Những người ăn/uống nhiều loại thực phẩm đặc trưng của mỗi mô hình giảm nguy cơ ung thư dạ dày lần lượt khoảng 21,4%, 19,6% và 31%.

Trong mô hình 4, tuy có bằng chứng cho thấy một số dạng thực phẩm ngâm chua có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhưng đậu nành lại có rất nhiều lợi ích, lấn át được tác động tiêu cực từ các thực phẩm khác.

Mô hình "thần kỳ nhất" - cà phê và sữa - bảo vệ mạnh mẽ khỏi ung thư dạ dày do một loạt hợp chất có lợi.

Cà phê chứ nhiều hợp chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là nhóm phenolic, vốn có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư thông qua tác dụng chống oxy hóa, chống độc tính gene, độc tính ti thể và chống viêm.

Trong khi đó sữa có vitamin D, khoáng chất, canxi và axit linoleic liên hợp, mang tác dụng chống ung thư nói chung. Các sản phẩm sữa lên men như phô mai và sữa chua có thể ngăn chặn vi khuẩn HP, thứ có thể thúc đẩy ung thư dạ dày trong một số trường hợp.

T.M (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-8-3-nhung-bo-phan-cua-ga-ngon-may-cung-khong-nen-an-a653065.html