Tin tức kinh tế ngày 3/8: Phát hiện 2 chất quý hơn vàng trong gạo Quảng Trị

Truy thu hơn 6.700 tỉ đồng từ doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phát hiện hai chất quý hơn vàng trong gạo Quảng Trị, doanh nghiệp ngoại chen nhau đầu tư vào dệt may tại Việt Nam... là những tin tức kinh tế nổi bật trong ngày 3/8/2019.

Kiến nghị truy thu trên 6.700 tỷ đồng từ doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Tổng cục Thuế thanh tra, kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết.

Theo Tổng cục Thuế, trong 7 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Thuế đã thanh tra 214 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra trên 6.748 tỷ đồng.

Trong đó truy thu, truy hoàn và phạt gần 838 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 2.774 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 11,8 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 3.124 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế đã truy thu hơn 236 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.088 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.942 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, sau 2 năm thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về tăng cường thanh tra, kiểm soát doanh nghiệp, chống thất thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp tự nguyện kê khai giao dịch liên kết đã tăng lên qua các năm. Tổng cục Thuế đã truy thu trên 1.400 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra xác định lại giá giao dịch liên kết trong 2 năm 2017 – 2018.

Doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội vẫn tiếp tục tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2019 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt hơn 415 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,74%.

"Siêu ủy ban" xin ưu đãi, ưu tiên cho một số dự án thua lỗ

Nhà máy Đạm Ninh Bình vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) vừa xin ưu đãi cho một số dự án thua lỗ thuộc quản lý của Ủy ban.

Trong một loạt kiến nghị mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) gửi tới Thủ tướng Chính phủ, nổi lên các đề xuất xin ưu đãi, ưu tiên cho một số dự án khó khăn trong danh sách 12 dự án thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là các dự án Nhà máy Đạm Binh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai, đồng thời có dự án Muối mỏ kali tại Lào hiện đã tạm dừng hoạt động.

Phát hiện 2 chất quý hơn vàng có trong gạo hữu cơ Quảng Trị

Gạo hữu cơ Quảng Trị.

PGS Trần Đăng Xuân - Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima (Nhật Bản) - phát hiện hai hợp chất có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, cũng như bệnh gút trong gạo hữu cơ Quảng Trị

Sáng 3/8, tại Hà Nội, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức họp báo công bố hai hợp chất Momilactone A (MA) và Momilactone B (MB) có trong gạo canh tác theo quy trình công nghệ phân bón Ong Biển.

Tại buổi họp báo, PGS Trần Đăng Xuân - Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) cho biết ông đã làm xét nghiệm các chỉ tiêu và phát hiện gạo hữu cơ Ong Biển Quảng Trị và nhận thấy không những gạo sạch mà còn đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng. Không chỉ vậy, hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, cũng như bệnh gút còn được tìm thấy trong gạo hữu cơ Quảng Trị.

Điều đặc biệt, theo PGS Trần Đăng Xuân, 2 hợp chất Hợp chất Momilactone A và Momilactone B có trong gạo hữu cơ Quảng Trị này còn quý và đắt hơn vàng gấp 30.000 lần. Bởi, theo kết quả bước đầu, hợp chất Momilactone A bằng 100, hợp chất Momilactone B bằng 50. Trong khi đó các loại lúa gạo đặc sản mà trường đại học Hiroshima đã từng kiểm chứng của 2 hợp chất trên chỉ được 1%.

2 hợp chất Hợp chất Momilactone A và Momilactone B trước đó từng được trang điện tử Carbosynth.com, một công ty chuyên về các sản phẩm hóa sinh nổi tiếng của Anh, bán với giá 1.25 triệu USD cho 1g (đắt gấp 30.000 lần giá trị 1g vàng).

Các nhà đầu tư nước ngoài "chen chân" vào thị trường dệt may Việt Nam

Ngành Dệt May Việt Nam đang là ngành đầu tư đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp quốc tế

Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang "chen chân" vào thị trường dệt may Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp lớn từ châu Âu và Mỹ đã đầu tư dự án kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, hay các dự án dệt ở Bình Định, Nam Định...

Là ngành hàng được hưởng lợi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, tuy nhiên ngành dệt may đã thực sự sẵn sàng để đón bắt cơ hội hay chưa là vấn đề được đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế đặt ra tại buổi tọa đàm “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2-8.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết thuế quan đối với gần như tất cả mặt hàng dệt may được giảm về 0. Trong đó 77% dòng thuế được giảm về 0 ngang. Bên cạnh đó, thị trường EU là thị trường lớn về dệt may.

Mặc dù EU là thị trường tiềm năng, nhưng ngành dệt may của Việt Nam vẫn chưa thể tiến sâu vào thị trường này khi con số thống kê vào năm 2018 cho thấy chúng ta chỉ xuất khẩu hơn 5,6 tỉ USD (chiếm 2,02% tổng nhập khẩu hàng dệt may vào EU). Rõ ràng đây là con số còn rất khiêm tốn và cho thấy dư địa tại thị trường EU còn rất lớn đối với dệt may Việt Nam.

Tùng Dương (TH)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-38-phat-hien-2-chat-quy-hon-vang-trong-gao-quang-tri-545050.html