Tin tưởng Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ

Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trung ương đánh giá cao sự vươn lên của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời tin tưởng Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Thủ đô, trở thành 'điểm sáng' để các địa phương trong cả nước học tập.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển:
Thủ đô có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện

Với việc đánh giá đầy đủ, sâu sắc kết quả 14 lĩnh vực trong nhiệm kỳ 2015-2020, tôi cho rằng trong 5 năm qua, Thủ đô Hà Nội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện; có nhiều đổi mới và tư duy đột phá, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý đô thị và an ninh, trật tự.

Thời gian tới, với bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến khó lường, việc cạnh tranh giữa Hà Nội và các thành phố lớn trong khu vực được dự báo sẽ quyết liệt hơn, do đó thành phố phải nỗ lực, cố gắng hơn, trước hết là tự vượt lên chính mình.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tôi cho rằng Hà Nội cần quan tâm đến 4 vấn đề, gồm: Hạ tầng Thủ đô, con người Thủ đô, môi trường Thủ đô và quản trị Thủ đô.

Đây là những vấn đề riêng biệt của Hà Nội so với các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng phúc lợi của Thủ đô phải bảo đảm tính kết nối, liên thông, đồng bộ và hiện đại, tránh xảy ra quá tải, ùn tắc.

Đối với việc xây dựng con người Thủ đô, bên cạnh việc giải quyết vấn đề đãi ngộ, chính sách đối với nhân tài, cần xây dựng người dân thành phố trở thành đại diện, biểu tượng của con người Việt Nam. Đồng thời, xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rác thải… Thành phố cũng cần bảo đảm thực hiện chặt chẽ các khâu hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đô thị…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:
Hà Nội là đầu tàu của cả nước trong phát triển “tam nông”

Hà Nội đã nhận thức rất đúng vai trò, tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) trong chiến lược phát triển Thủ đô. Từ đó, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy khóa XVI, trong đó có Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Qua đó, Hà Nội đã huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực, giúp diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống nông dân được nâng cao.

Đối với phát triển nông nghiệp, Hà Nội đang có sự chuyển dịch đúng hướng, phản ánh đúng lợi thế của nền nông nghiệp đô thị.

Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng được 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố; 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp... Các mô hình này đã mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị.

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội cũng đạt hiệu quả rất cao với số xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng đầu cả nước. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn Hà Nội đến nay ước đạt 55 triệu đồng/người/năm, đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Kết quả đạt được đã tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục có những đột phá trong phát triển “tam nông” giai đoạn tới.

Tới đây, khi triển khai các nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, tôi mong muốn Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu của cả nước. Hà Nội cần tiếp tục khai thác lợi thế ven đô để phát triển nông nghiệp theo hướng trồng cây, nuôi con đặc sản; kết hợp với du lịch sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường, làng nghề ở khu vực nông thôn.

Là Thủ đô, nơi tập trung rất đông các trường đại học, viện nghiên cứu, có rất nhiều nhà khoa học..., Hà Nội cần tận dụng lợi thế này trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là nơi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các địa phương khác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:
Đưa Hà Nội trở thành thành phố công nghiệp, thương mại phát triển hiện đại

Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của Hà Nội trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và khu vực phía Bắc, đồng thời bằng tinh thần trách nhiệm và tình cảm đặc biệt với Thủ đô, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động cùng thành phố Hà Nội thực hiện hiệu quả công tác quản lý, phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn.

Bộ Công Thương vui mừng nhận thấy những thành tựu trong phát triển công nghiệp, thương mại của Thủ đô thời gian qua. Đó là, kết quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chuyển dịch theo hướng tích cực; dự kiến 5 năm 2016-2020 giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 8,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng khoảng 91%. Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… Thương mại nội địa đạt mức tăng trưởng khá. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ, ứng dụng thương mại điện tử… ngày càng phát triển, giữ vai trò quan trọng dẫn dắt và bình ổn thị trường.

Nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác, ngày 13-8-2020, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ để thúc đẩy và triển khai 22 nhóm nội dung trọng tâm. Trong đó, mục tiêu Hà Nội phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức; là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại của khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghệ thông tin của cả nước. Về thương mại, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á…

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai Biên bản ghi nhớ giữa Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội.

Với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với sự quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, Bộ Công Thương tin tưởng và kỳ vọng rằng, ngành Công Thương Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.

Thành Mai Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/980569/tin-tuong-ha-noi-tiep-tuc-co-nhung-buoc-phat-trien-manh-me