Tin văn hóa

Được Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức tại rạp Galaxy, 478 Điện Biên Phủ và rạp Cinestar, Tuần phim Đan Mạch 2019 sẽ diễn ra từ ngày 4 - 11/7 tại Đà Nẵng và Huế.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tuần phim Đan Mạch 2019

Với vé vào cửa miễn phí được phát tại hai cụm rạp trên, tuần phim sẽ giới thiệu đến khán giả Việt 6 bộ phim truyện của Đan Mạch được sản xuất trong thời gian gần đây và đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế.

Hoạt động nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa người dân hai nước Việt Nam và Đan Mạch, đặc biệt giữa người dân Huế, Đà Nẵng và đất nước Đan Mạch.

Lễ khai mạc tại Đà Nẵng có sự tham dự của ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và các vị lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng.

“Cuộc săn lùng”, bộ phim đã từng đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes sẽ được chọn để trình chiếu khai mạc sự kiện này.

Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể

Diễn ra từ ngày 14 - 16/6, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa. Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là dịp để công chúng thưởng thức những tinh túy của nghệ thuật dân tộc.

Đó là Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một nghệ thuật đạt đến đẳng cấp cao của diễn xướng, âm nhạc và lời ca; Ca trù - được xem là sự kết hợp đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc, là hình thức nhạc thính phòng đạt đến mức thượng thừa; Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đậm chất Nam Bộ…

Các nghệ nhân, nghệ sĩ của 15 tỉnh thành sở hữu các di sản văn hóa phi vật thể sẽ tham gia biểu diễn tại Quảng trường 2/4 TP Nha Trang, Vùng 4 Hải quân và một số địa phương khác ở tỉnh Khánh Hòa. Liên hoan này nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2019 tại Khánh Hòa.

Gia Lai phục dựng lễ mừng lúa mới

Với mong muốn bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Jrai tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai vừa tổ chức phục dựng lễ mừng lúa mới.

Mừng lúa mới là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Yàng ban cho dân làng và tập tục cúng các vị thần trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm… với mong ước mùa màng tươi tốt, bội thu mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.

Trình tự tái hiện nghi lễ gồm: Giữ hồn lúa tại rẫy; đưa hồn lúa về chòi; nhập hồn lúa vào bồ trong đó có thực hành lễ ăn cơm mới. Địa điểm diễn ra lễ là từ nương rẫy - kho lúa - hộ gia đình - làng, thông thường dân làng tổ chức lễ khi mùa thu hoạch đã hoàn tất.

KP (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tin-van-hoa-4010430-b.html