Tin vào đại gia Việt, ông lớn ngoại sẵn sàng dồn vốn hàng tỷ USD

CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố phát hành đợt 1 năm 2022, với quy mô 525 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế. Giá chào bán mỗi trái phiếu là 1 triệu USD, dự kiến được thực hiện trong tháng 5.

Kế hoạch này được HĐQT của Vingroup đặt ra từ cuối năm 2021. Theo dự định, tập đoàn này sẽ phát hành tối đa 1,5 tỷ USD, chia làm 2 đợt. Toàn bộ trái phiếu có thể được quyền chọn lựa quy đổi thành cổ phần của VinFast sau khi công ty này chuyển thành công ty cổ phần, thuộc sở hữu của tập đoàn Vingroup.

Theo Vingroup, số tiền huy động bằng trái phiếu được tập đoàn sử dụng để thanh toán phí, chi phí cho việc phát hành; ngoài ra là bổ sung, tăng quy mô vốn hoạt động của tập đoàn thông qua góp vốn đầu tư trực tiếp vào VinFast để thực hiện dự án phát triển tổ hợp sản xuất ô tô VinFast.

Năm 2021, CTCP Vinpearl (công ty con của Vingroup) đã chào bán thành công 425 triệu USD trên thị trường quốc tế. Đây là trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup, đồng thời cũng là trái phiếu bền vững đầu tiên trên thế giới có quyền lựa chọn cổ phiếu. Trái phiếu này sẽ đáo hạn vào năm 2026 với lãi suất 3,25%/năm.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã có những đợt phát hành trái phiếu quốc tế thành công.

CTCP Bất động sản BIM (BIM Land), thành viên Tập đoàn BIM Group, hồi giữa 2021 đã phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) với lãi suất 7,375% và thời hạn 5 năm.

Trái phiếu của BIM Land nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với khối lượng đăng ký mua gấp 3 lần khối lượng chào bán. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Trung Quốc, cả châu Phi và Mỹ.

BIM Land huy động 200 triệu USD trái phiếu nhằm mục đích phát triển các dự án BĐS của công ty đang triển khai, trong đó có nhiều dự án xanh, bảo vệ môi trường

Năm 2019, VPBank huy động 300 triệu USD trái phiếu quốc với lãi suất 6,25%, kỳ hạn 3 năm. Cùng năm, Công ty Điện lực AES-TKV Mông Dương cũng phát hành 687,5 triệu USD.

Đầu 2020, Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) được Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam hỗ trợ phát hành thành công 1.150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6,95%/năm. Đợt phát hành được bảo lãnh thanh toán bởi Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (Credit Guarantee and Investment Facility - CGIF), một quỹ đầu tư tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được S&P đánh giá tín nhiệm hạng AA trên toàn cầu.

Trước Gelex, một số doanh nghiệp Việt cũng được CGIF bảo lãnh phát hành trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng như REE, Hoàn Mỹ, The PAN Group, Thế giới Di động… Trong năm 2012, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Việc nhiều doanh nghiệp Việt huy động thành công trái phiếu quốc tế là một tín hiệu tích cực. Nó cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường vốn toàn cầu sôi động và có sự tín nhiệm nhất định.

Huy động vốn quốc tế không chỉ giúp các doanh nghiệp có thêm vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh mà còn nâng cao sự nhận diện trên trường quốc tế. Nó cũng cho thấy giới đầu tư quốc tế ngày càng quan tâm tới doanh nghiệp Việt.

Trong nhiều năm qua, dòng vốn ngoại cũng đã đổ mạnh vào Việt Nam thông qua kênh đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII). Kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong cả thập kỷ qua và được đánh giá tiếp tục tăng trưởng nhanh trong các năm tới.

Ngọc Cương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tin-vao-dai-gia-viet-ong-lon-ngoai-san-sang-don-von-hang-ty-usd-2016984.html