Tình bạn xuyên biên giới

Nói đến quá trình hình thành và phát triển của đấu kiếm Việt Nam từ năm 2001 đến nay, không thể không nhắc đến sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, huấn luyện viên (HLV) và cộng sự người Trung Quốc.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh tâm huyết giúp đỡ của các chuyên gia: Dương Thắng Lợi (đội tuyển đấu kiếm tỉnh An Huy), Vạn Huệ Bình (đội tuyển trẻ đấu kiếm TP Thượng Hải), Rao Bin (đội tuyển đấu kiếm TP Quảng Châu). Chính những chuyên gia này đã trực tiếp tuyển chọn 15 vận động viên (VĐV) đầu tiên cho đội tuyển đấu kiếm Việt Nam và đưa các em sang Trung Quốc tập huấn. Nhờ đó, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã gây dựng được nền móng vững chắc, khẳng định được vị thế ở sân chơi quốc tế, như: Huy chương Đồng châu Á 2012, Huy chương Đồng Á vận hội 2014, 4 VĐV tham dự Olympic 2016, nhiều năm liền đứng trong tốp đầu Đông Nam Á...

Thế hệ vận động viên đầu tiên của đấu kiếm Việt Nam được tập huấn bài bản ở Trung Quốc.

Không chỉ giúp đỡ về chuyên môn, một số thầy còn biểu đạt tình cảm thực sự cảm động dành cho VĐV của chúng ta từ những việc nhỏ nhất như dạy cách sửa chữa trang thiết bị, tặng dụng cụ thi đấu. Cách tặng của họ cũng rất tinh tế. Mỗi tuần, các thầy tổ chức tổng kết, khen thưởng sự chăm chỉ, nỗ lực của các VĐV Việt Nam và Trung Quốc với phần quà là những dụng cụ tập luyện đấu kiếm. Tôi biết đó là sự quan tâm và ưu ái đặc biệt của các chuyên gia Trung Quốc dành cho tuyển thủ Việt Nam, bởi bình thường đội bạn chỉ tổ chức khen thưởng sau các giải đấu.

Nhận phần thưởng từ các chuyên gia Trung Quốc khiến VĐV Việt Nam phấn khích và quyết tâm tập luyện hơn. Khi mới sang Trung Quốc, thường các VĐV đấu kiếm Việt Nam nằm ngoài tốp 10 xếp hạng nơi tập huấn. Nhưng chỉ sau khoảng 3 tháng thì tất cả VĐV Việt Nam luôn nằm trong tốp 8. Những gương mặt nổi trội mang tính biểu tượng của đấu kiếm Việt Nam như Nguyễn Thị Lệ Dung, Vũ Thành An, Nguyễn Lê Bá Quang, Nguyễn Thị Tươi, Nguyễn Thị Như Hoa đều trưởng thành từ những môi trường như vậy.

Những năm xảy ra dịch SARS và Covid-19, điều kiện sinh hoạt tại Trung Quốc rất ngặt nghèo, đi lại gặp nhiều khó khăn khiến kinh phí từ Việt Nam không chuyển sang kịp. Thời điểm đó, các HLV, VĐV của chúng ta gần như bị mắc kẹt tại các khu tập huấn. Vậy mà các HLV, chuyên gia Trung Quốc thương học trò, tự tay nấu những món ăn mang đến để bồi dưỡng cho VĐV Việt Nam, rồi mang tặng bánh kẹo, đồ ăn khô... Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô Yang Li bưng nồi gà hầm nấm bốc khói nghi ngút từ khu ký túc xá thể thao Thượng Hải tặng các VĐV đấu kiếm Việt Nam. Thầy Lu Jian Ming (Thượng Hải) vài lần lo liệu kinh phí ổn thỏa khi chi phí tập luyện của chúng ta chưa chuyển sang kịp. Cuối tháng 11-2023, đội tuyển đấu kiếm Quảng Đông tập luyện tại Trung tâm Thể thao Nhị Sa đã mời 9 VĐV, 2 HLV của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam sang tập huấn. Phía bạn chỉ thu tiền sinh hoạt phí theo thực tế và miễn cho đội tuyển đấu kiếm của chúng ta chi phí huấn luyện và cơ sở vật chất.

Có lần, biết cơ quan tôi chưa giải ngân được kinh phí cho VĐV đi tập huấn, một người bạn ở Trung Quốc đã gọi cho tôi và nói: “Bạn cứ đưa quân sang đây, mọi thứ để tôi lo”. Để có được những ưu đãi đó, chúng tôi được thừa hưởng thành quả từ truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc mà các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp trong nhiều năm qua. Và với đấu kiếm Việt Nam, chúng tôi may mắn có được những người bạn thân thiết ở Trung Quốc.

Bài và ảnh: PHẠM ANH TUẤN (Huấn luyện viên đội tuyển đấu kiếm Việt Nam)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/tinh-ban-xuyen-bien-gioi-753540