Tình cảm gia đình trong sáng tác của Võ Hồng

Gia đình là một đề tài quan trọng trong sáng tác của nhà văn Võ Hồng. Với lối viết khi hài hước, khi trữ tình, mỗi câu chuyện của nhà văn này là một cái nhìn nhân hậu về những con người trong gia đình, về những buồn vui nhỏ bé trong không gian ngôi nhà nhỏ và đặc biệt nhấn mạnh đến sự thiêng liêng, quan trọng của nghĩa nặng tình thâm.

Những tác phẩm thuộc đề tài này của Võ Hồng có thể kể đến Trận đòn hòa giải, Xuất hành năm mới, Từ giã tuổi thơ, Lạnh tuổi thơ, Lời sám hối của cha, Một ngày cho mẹ, Người anh vắng mặt… Đọc những tác phẩm này người đọc chắc hẳn sẽ vừa cảm thấy thân thương, gần gũi, vừa tỉnh thức để biết trân quý hơn gia đình của chính mình.

Đi qua nỗi đau

Nhà văn Võ Hồng. Ảnh tư liệu

Gia đình trong truyện ngắn Võ Hồng được xây dựng xuyên suốt và thống nhất về không gian, nhân vật, hoàn cảnh. Đó là ngôi nhà mẹ mất sớm vì bạo bệnh, cha trong cảnh gà trống nuôi con, ba đứa con một trai hai gái, một người ở khi tháo vát, khi vụng về.

Không có những biến cố lớn lao do thời cuộc mang đến, không có những xung đột ghê gớm giữa các thế hệ, cũng không có những đấu tranh hay lọc lừa giữa chủ và tớ, những câu chuyện được kể trong mảng sáng tác này của Võ Hồng xoay quanh những sinh hoạt thường nhật của một gia đình nhỏ với những tình huống rất đời thường, chân thật và gần gũi.

Đó đơn giản là một vài xích mích giữa ba chị em (Trận đòn hòa giải), việc thăm mộ mẹ ngày đầu năm (Xuất hành năm mới), những đứa trẻ và mấy con vật (Người bạn nhỏ tên Tô), một trận đòn vô cớ của người cha (Lời sám hối của cha)…

Truyện ngắn viết về gia đình của Võ Hồng thường mang dấu ấn của những nỗi buồn, niềm đau mà dù hiển lộ hay ẩn giấu, đều gợi lên những ám ảnh về sự mất mát của những gì thân thiết nhất, về mặc cảm thiếu khuyết của những người còn lại.

Tác phẩm Người anh vắng mặt là chuỗi ký ức của nhân vật người chị về cuộc đời ngắn ngủi và cái chết đột ngột của đứa em trai nhỏ tên Lu. Trong tác phẩm, tác giả đã khắc họa hình ảnh một em bé Lu vất vả ngay từ lúc lọt lòng bởi thể trạng yếu ớt, những cơn đau về thể xác mà một em bé phải chịu đựng vì những chứng bệnh lạ lùng, và cả những nét đáng yêu của một bé thơ.

Sự tương phản của sự nhỏ bé và nỗi đau mà em phải chịu, sự tương phản giữa ký ức đáng yêu và cái chết nhanh chóng càng đẩy nỗi đau đến một chiều kích khôn cùng. Dẫu những thuật kể của tác giả vẫn giữ được sự tỉnh táo, không cố ý đẩy cảnh ngộ đến mức độ bi thương, song người đọc hoàn toàn có thể cảm nhận được sự nghẹn ngào quặn thắt qua từng trang viết.

Trong sáng tác của Võ Hồng, hình ảnh người mẹ chiếm một vị trí đặc biệt. Không một truyện ngắn nào về đề tài gia đình thiếu vắng hình ảnh người mẹ, ngay cả khi người mẹ đã mất. Một người mẹ mất sớm, để lại ba đứa con còn nhỏ dại là chi tiết thường xuất hiện nhất.

Tuy thế, cái chết của người mẹ chỉ được kể thoáng qua một lần trong Người anh vắng mặt. Lu nhọc nhằn trong hành trình sống ngắn ngủi bao nhiêu, thì mẹ Lu gian nan, vất vả bấy nhiêu trong hành trình chăm sóc Lu. Người mẹ ấy không quản bao khó khăn, vắt kiệt sức chăm sóc cho đứa con bé bỏng tội nghiệp để rồi cuối cùng cũng phải đối diện với nỗi đau mất con.

Và cũng không lâu sau đó, người mẹ lại phải đối diện với cái chết đang dần đến với mình. Người mẹ đã viết nối vào nhật ký người cha viết về Lu, và từ đó, người đọc thấy được những đớn đau quặn thắt, những mâu thuẫn giằng xé của trái tim một người mẹ trước dự cảm về cái chết đang đến rất gần.

Mặc dù không tập trung vào thêm một sự mất mát nữa, song sự ra đi của người mẹ đến sau cái chết của Lu không lâu thật sự khiến nỗi đau một lần nữa lại chồng lấy nỗi đau.

Mất đi những người thân yêu đã trở thành nỗi ám ảnh mất mát, chi phối cảm hứng sáng tác của Võ Hồng trong những câu chuyện về gia đình. Ngay cả trong một số sáng tác ở mảng đề tài khác, cái chết và sự sợ hãi cái chết của những người thân vẫn hay được nhắc đến trong tự sự của các nhân vật “tôi”.

Đó là một “tôi” luôn ngóng chờ bóng dáng mẹ mỗi khi mẹ đi vắng, không phải trong sự háo hức mà là sự âu lo mẹ không trở về. Đó là một “tôi” che giấu nỗi buồn sâu thẳm khi mất đi người vợ không ai có thể thay thế trong Trầm mặc cây rừng.

Thế nên, cái chết, sự mất mát và những dự cảm về tử biệt cứ ẩn hiện luôn khiến truyện viết về gia đình của ông âm thầm một nỗi buồn, một niềm đau ngay cả trong những tình huống, những chi tiết có vẻ như rất hài hước hoặc có vẻ như vô cùng đầm ấm và hạnh phúc.

Yêu thương và hạnh phúc vẫn ở lại

Các tác phẩm thuộc đề tài gia đình của nhà văn Võ Hồng được in trong Tuyển tập Võ Hồng (Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Internet

Khoảng trống của sự vĩnh biệt bao giờ cũng khó khỏa lấp, nhất là với những người giàu tình cảm, nhân hậu và chân thật như những nhân vật trong truyện ngắn của Võ Hồng. Nỗi đau của người ở lại, là sự nhớ thương mãi mãi về hình ảnh của người đã mất, là cảm giác thiệt thòi khi thiếu vắng sự hiện hữu của người đã xa. Và đó cũng chính là minh chứng mạnh mẽ nhất về thương yêu mà những người trong gia đình dành cho nhau.

Người anh vắng mặt không chỉ trần thuật về Lu mà còn kể lại cảm giác của những người ở lại sau cái chết của Lu. Lu mất đi, nhưng em lại nối dài sự hiện hữu của mình trong tâm tưởng của những người ở lại.

Trong những Trận đòn hòa giải, Lạnh tuổi thơ, Giã từ tuổi thơ, Xuất hành đầu năm…, người mẹ xuất hiện với tư cách là người vắng mặt song lại mang đến cảm giác luôn hiện hữu theo nhiều cách khác nhau. Chính tình yêu thương và cả nỗi đau của mọi người đã thật sự kháng cự lại sự hư vô hóa do cái chết gây ra. Tình yêu và nỗi đau trong trường hợp này thật đáng giá biết bao!

Dẫu không còn mẹ, nhưng những đứa con trong gia đình trong sáng tác của Võ Hồng vẫn luôn được sống trong tình yêu thương ấm áp của người cha. Người cha trong sáng tác của Võ Hồng thường là người đàn ông mất vợ, chọn cảnh “gà trống nuôi con”, thương yêu các con vừa bằng tình thương của một người cha, vừa bằng nỗi xót xa khi cảm nhận và thấu hiểu sự thiệt thòi khi không còn mẹ của các con.

Nhà văn dường như không ngần ngại trình hiện ra trước mắt độc giả một người cha nhiều thiếu khuyết trong quá trình nuôi dạy con, một người cha giàu tình cảm và dịu dàng không kém một người mẹ. Với Người anh vắng mặt, những trang nhật ký của người cha được viết nên bởi lòng yêu thương, trìu mến vô hạn khi mọi khoảnh khắc, mọi giai đoạn của đứa con trai bé nhỏ đều được khắc ghi thật chi tiết và giàu cảm xúc. Với Lạnh tuổi thơ, hình ảnh bốn cha con trong giờ ngủ trưa trò chuyện rộn ràng, vui vẻ thật sự gợi nhiều xúc động.

Không chỉ có người cha, người mẹ hết lòng vì các con, những đứa trẻ cũng ý thức được nỗi vất vả của mẹ, sự hy sinh của cha nên chúng cũng sớm trưởng thành. Dẫu đôi khi, với bản tính trẻ con, các anh chị em vẫn có những xích mích, song chúng sớm hòa giải vì tình yêu với cha, với mẹ (Trận đòn hòa giải).

Những đứa trẻ tự cắt đặt công việc, tự quán xuyến và chăm sóc, bảo ban nhau để cha yên lòng công tác. Cứ như thế, với yêu thương dành cho nhau, người cha và những đứa con đã cùng đi qua nỗi đau để tiếp tục sống bằng những niềm hạnh phúc bình dị mà quý giá vô cùng như thế.

BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/300318/tinh-cam-gia-dinh-trong-sang-tac-cua-vo-hong.html