Tình cảm kính trọng, tri ân sâu sắc của nhân dân ta và nhân dân thế giới đối với Bác Hồ kính yêu

Đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha kính yêu bởi cuộc đời Người đã dành trọn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam độc lập - tự do - hạnh phúc. Đối với thế giới, Người là tấm gương sáng ngời về phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả.

Dòng người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà thơ Bảo Định Giang đã ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Trong tâm thức của nhà thơ Bảo Định Giang và của nhân dân Việt Nam, Người là đại diện những gì cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Người là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam đã soi đường dẫn lối cho nhân dân Việt Nam làm cách mạng chống thực dân phong kiến và vươn lên xây dựng cuộc đời mới tươi đẹp trong chế độ mới của dân, do dân, vì dân.

Ngay trong tháng 9/1969, sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam qua đời, 5 tộc người dân tộc thiểu số bao gồm Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Bru - Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế đã đổi sang họ Bác Hồ.

Tháng 4/1976, khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn, nhà thơ Viễn Phương ra thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cảm xúc dâng trào: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim/ Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/ Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” (Viếng lăng Bác).s

Ông Max Clainvill Bloncourt - người có thời gian hoạt động với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (được thành lập năm 1921) đã từng có những nhận xét về Bác như sau: “Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế… Đó là một đồng chí rất tốt, rất trung hậu, rất dũng cảm với một lý tưởng đấu tranh vô cùng cao quý và đẹp đẽ”[1].

Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cho “hòa bình, hữu nghị và tình bạn”[2]. Năm 1947, trong một cuộc viếng thăm Ấn Ðộ theo lời mời của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các nhà lãnh đạo và đông đảo các tầng lớp nhân dân nước này dành cho sự yêu mến và kính trọng đặc biệt. Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma trong một phát biểu năm 2015 đã nhớ lại: “Sẽ khó tìm thấy người Ấn Độ nào không biết vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của Việt Nam - Hồ Chí Minh... Chúng tôi ở Ấn Độ ngưỡng mộ Người, kính trọng Người và học theo Người”[3].

Ngay khi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào đầu tháng 9/1969, Chính phủ các nước trên thế giới, nhân dân tiến bộ các nước trên thế giới, các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, các đoàn thể và tổ chức dân chủ trên thế giới… đã gửi lời chia buồn sâu sắc với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô vào ngày 4/9/1969 đã khẳng định: “Nghị lực lớn lao, ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và kiên cường, đức tính giản dị và nhân đạo của đồng chí Hồ Chí Minh làm cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Liên Xô, những người cộng sản và tiến bộ trên thế giới hết sức yêu mến và kính trọng đồng chí”[4].

Ngày 4/9/1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “cố gắng không mệt mỏi nhằm tăng cường và phát triển tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Trung Quốc - Việt Nam”[5].

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước Souphanouvong vào ngày 5/9/1969 đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân Lào nên cách mạng Lào đã giành được những thắng lợi to lớn và vẻ vang. Đồng chí Souphanouvong khẳng định: “Để tỏ lòng thương nhớ và biết ơn của chúng tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi nguyện luôn luôn tích cực tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết chiến đấu bền vững với nhân dân Việt Nam anh em”[6].

Ngày 4/9/1969, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành khẳng định: “Do những công lao chói lọi của mình, đồng chí Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam, nhân dân Triều Tiên và nhân dân tiến bộ toàn thế giới rất tin tưởng và kính trọng”[7].

Tuyên bố của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp vào ngày 4/9/1969 đã viết: “Với sự đau thương và lòng tôn kính, Đảng Cộng sản Pháp nghiêng mình trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo kính mến của nhân dân Việt Nam anh hùng, người bạn rất quý mến của nhân dân Pháp, người đồng chí của chúng ta, tượng trưng cho cuộc đấu tranh thắng lợi của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc”[8].

Ngày 5/9/1969, Tổ chức những người bạn Mỹ tuyên bố: “Người là một nhân vật xuất chúng, đã quên mình hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng xã hội. Đức độ liêm khiết và lòng trung thành tận tụy của Người được nhân dân thế giới khâm phục và kính trọng”[9].

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”. Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, Tiến sĩ Modagat Ahmet, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương đã nhận định: Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này.

Tính đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...). Có nhiều đường phố, đại lộ (riêng ở Pháp có 7 đường phố, Italia có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Người ở nước ngoài.

Nguyễn Văn Toàn

-----------------------------------------

[1] Hồng Hà, “Bác Hồ ở Pháp”, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 48-56.

[2] Võ Nguyên Giáp, “Một số vấn đề nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 240.

[3] Việt Trung, “Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Ấn Độ”, Báo Sài Gòn giải phóng điện tử, ngày 19/5/2015.

[4] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 15.

[5] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 44.

[6] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 168.

[7] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 152.

[8] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 570-571.

[9] UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 37.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tinh-cam-kinh-trong-tri-an-sau-sac-cua-nhan-dan-ta-va-nhan-dan-the-gioi-doi-voi-bac-ho-kinh-yeu-post461251.html