Tình cảnh của Lazada Việt Nam trước đợt sa thải diện rộng

Lazada được xem là sàn thương mại điện tử ngoại đầu tiên bước vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp từng có thời kỳ 'hoàng kim' trước khi bị các đối thủ cùng ngành gây sức ép.

Những ngày đầu năm mới, một trang tin tại Singapore bất ngờ tiết lộ về đợt sa thải diện rộng của Lazada. Không chỉ nhân viên, nhiều giám đốc bộ phận làm việc tại gã khổng lồ thương mại điện tử (TMĐT) cũng có tên trong danh sách bị thanh lọc.

Tính riêng tại Malaysia, đã có khoảng 1/5 nhân viên bị Lazada cho thôi việc. Làn sóng sa thải cũng lan sang nhiều thị trường khác như Singapore, Indonesia, Thái Lan hay Philippines. Trang tin trên không đề cập đến tình hình nhân sự tại Việt Nam, nhưng cho biết Lazada đang có kế hoạch đóng cửa trung tâm mua sắm LazMall.

Trao đổi với Tri thức - Znews, đại diện truyền thông Lazada Việt Nam bác bỏ thông tin LazMall dừng hoạt động tại Việt Nam.

Một thời “xưng vương”

Hoạt động TMĐT manh nha tại thị trường Việt Nam từ khá sớm với những cái tên “vang bóng một thời” như vatgia, muaban hay 5giay. Dẫu vậy, phải đến khi Lazada bắt đầu đặt chân vào Việt Nam năm 2012, người dùng mới có thể tiếp cận hoạt động mua sắm trực tuyến một cách đầy đủ nhất với những dịch vụ còn lạ lẫm như thanh toán khi nhận hàng (COD), đổi trả hàng hóa.

Việc trở thành sàn TMĐT ngoại đầu tiên tại Việt Nam giúp Lazada sở hữu nhiều lợi thế. Tới năm 2016, Lazada mới đụng độ đối thủ cùng ngành đầu tiên là Shopee. Thời điểm này, Lazada Việt Nam đã có trong tay 3.000 nhà cung cấp và đưa ra thị trường 500.000 sản phẩm thuộc các ngành hàng khác nhau.

Giai đoạn 2016-2019, Lazada tập trung củng cố nguồn lực và mở rộng mạng lưới đối tác kinh doanh. Sàn cũng cho ra mắt nhiều mô hình mới hỗ trợ thương hiệu lẫn người bán, đơn cử như Học viện Lazada (năm 2016) hay LazMall (năm 2018).

Trong thời gian này, vị trí của Lazada trên bản đồ TMĐT Việt Nam liên tục bị Shopee đe dọa. Thực tế, một năm trước khi LazMall xuất hiện, đối thủ của Lazada đã cho ra mắt ShopeeMall với mô hình mua sắm tương tự.

Đối với Shopee, sàn này chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng nhờ chịu chi cho các hoạt động khuyến mại, quảng cáo. Việc tập đoàn mẹ có trụ sở tại Singapore là Sea Limited niêm yết thành công trên sàn Nasdaq vào năm 2017 cũng giúp Shopee nhận về nguồn vốn khổng lồ phục vụ tham vọng chinh phục thị trường.

Lazada cũng nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Alibaba sau khi bị thâu tóm vào năm 2016. Song càng cạnh tranh, Lazada Việt Nam lại càng tỏ ra hụt hơi trước đối thủ.

Lazada hụt hơi trước các đối thủ. Ảnh: Minh Khánh.

Theo thống kê của iPrice, từ đầu năm 2019, lượng truy cập website của Lazada đã suy giảm đáng kể so với đối thủ. Điển hình như trong quý I/2019, Shopee nhận về 40,5 triệu lượt truy cập vào website mỗi tháng, cao hơn Lazada Việt Nam hơn 10 triệu lượt.

Ngay cả trong thời kỳ Covid-19 hoành hành, Lazada cũng không thể tận dụng cơ hội để bứt phá bất chấp hoạt động mua sắm trực tuyến bùng nổ. Thay vào đó, lưu lượng truy cập website mỗi tháng trong suốt 2 năm dịch bệnh liên tục "giậm chân tại chỗ" và chỉ phát sinh trên dưới 20 triệu lượt/tháng.

Quý I/2022, kỳ thống kê cuối cùng của iPrice, Shopee chứng kiến 84,5 triệu lượt truy cập/tháng, cao gấp 5 lần đối thủ cùng ngành. Khi đó, tổng lưu lượng truy cập của 3 sàn lớn là Lazada, Tiki, Sendo mới đạt 35,2 triệu lượt, chưa bằng một nửa của Shopee.

Tuy nhiên, ngay cả những tay chơi có vai trò thống lĩnh thị trường như Shopee cũng từng phải cắt giảm nhân sự tại trụ sở Việt Nam khi ngành công nghệ gặp khó khăn từ sau đại dịch. Nhưng điều đáng nói, một số nguồn tin tiết lộ Lazada thậm chí còn tuyển dụng thêm nhân sự trong thời gian này.

Lỗ lũy kế hàng trăm triệu USD

Theo DealStreetAsia, tính tới năm 2021, pháp nhân của Lazada Việt Nam là Công ty TNHH Recess ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 373,4 triệu USD, trong khi Shopee lỗ lũy kế khoảng 320 triệu USD. Hai đối thủ nội địa là Tiki và Sendo có cùng mức lỗ lũy kế gần 200 triệu USD.

PwC, đơn vị kiểm toán các con số từ Recess, cho biết khoản lỗ lũy kế của Lazada tính đến ngày 21/3/2021 đã vượt quá giá trị vốn chủ sở hữu (ở mức 7.600 tỷ đồng). Điều này dấy lên những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Tuy nhiên, PwC cũng nói thêm rằng với tư cách là chủ sở hữu cuối cùng của Recess, tập đoàn Alibaba đã cam kết hỗ trợ tài chính cho công ty để thanh toán các khoản nợ và tiếp tục hoạt động kinh doanh. Kể từ năm 2016 đến nay, Alibaba đã rót gần 7 tỷ USD vào Lazada, trong đó khoản đầu tư gần nhất trị giá 634 triệu USD được công bố vào tháng 12 năm ngoái.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu hàng năm tại Lazada giai đoạn 2020-2022 đều tăng trưởng đột biến. Điển hình như năm 2022, sàn TMĐT này thu về 256 triệu USD, tăng 76% so với con số 145 triệu USD của năm 2021.

Đáng chú ý, Lazada là sàn TMĐT hiếm hoi phát sinh lợi nhuận trong giai đoạn này. Mức lãi 7,3 triệu USD được ghi nhận trong năm 2021. Dù năm 2022 kinh doanh không có lãi, khoản lỗ của sàn vẫn được thu hẹp đáng kể xuống còn 1,3 triệu USD.

Dĩ nhiên, chiến lược "đốt tiền" không chỉ được Lazada áp dụng. Ngay cả với Shopee, khoản lỗ lũy kế tính đến hết năm 2021 cũng ở mức gần 7.500 tỷ đồng.

Dù vậy, sau đợt cắt giảm nhân sự năm 2022, Shopee đã lần đầu báo lãi trong cùng năm với lợi nhuận 3.000 tỷ đồng. Doanh thu năm đó của ông lớn này tăng vọt lên 11.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2021.

Những áp lực từ cả đối thủ mới

Nhưng trên thực tế, Lazada đang có nhiều hơn một nỗi lo tại thị trường Việt Nam. Ngoài đối thủ lâu năm Shopee, sự nổi lên của hiện tượng TikTok Shop cũng đe dọa “miếng bánh” của Lazada.

Số liệu từ nền tảng Metric cho thấy dù mới gia nhập Việt Nam từ tháng 4/2022, TikTok Shop đã chứng kiến 13 triệu sản phẩm được bán ra, doanh thu bán hàng đạt 1.698 tỷ đồng trong tháng 11/2022.

Cùng giai đoạn này, Shopee thu về 8.761 tỷ đồng, Lazada thu 2.603 tỷ đồng, còn Tiki thu về 396 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu trong một tháng của TikTok Shop đã tương đương 80% doanh thu của Lazada và gấp 4 lần Tiki.

Đó là lần đầu tiên những số liệu liên quan đến TikTok Shop được Metric cập nhật. Trong lần cập nhật gần nhất vào quý III/2023, Metric cho biết doanh thu bán hàng trên TikTok Shop đã lên đến 10.122 tỷ đồng, cao hơn 15,4% so với Lazada.

Trong khi đó, thống kê của YouNet ECI trong tháng 11/2023 (tháng diễn ra đợt sale 11/11) cũng chỉ ra rằng tổng giá trị giao dịch trên 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay gồm Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop đã đạt 31.195 tỷ đồng.

Trong đó, Shopee tiếp tục độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu với 72,7%, tương đương 22.674 tỷ đồng. Theo sau là TikTok Shop với 17,2% thị phần và Lazada với 9% thị phần, tương đương giá trị giao dịch đạt lần lượt 5.375 tỷ đồng và 2.802 tỷ đồng.

Shopee ghi nhận 201.230 gian hàng có doanh thu trong tháng, bỏ xa sàn đứng sau là Lazada với 98.192 gian hàng. TikTok Shop áp sát Lazada với 96.000 nhà bán phát sinh doanh thu.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinh-canh-cua-lazada-viet-nam-truoc-dot-sa-thai-dien-rong-post1454592.html