Tỉnh Cao Bằng sẽ giảm 3 huyện, 38 xã sau sắp xếp

Tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện sắp xếp 6 huyện, 52 xã; sắp xếp theo diện khuyến khích 5 xã, thị trấn. Sau khi tiến hành sắp xếp, tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện (còn 9 huyện và 1 thành phố) và 38 xã (còn 8 phường; 14 thị trấn và 139 xã).

Bộ Nội vụ vừa tổ chức thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng Đồng Thị Kiều Oanh cho biết, tỉnh Cao Bằng có 12 huyện và 1 thành phố; 177 xã, 8 phường và 14 thị trấn. Trong đó có 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 52 xã chưa đạt 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Do đó, tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện sắp xếp 6 huyện, 52 xã; sắp xếp theo diện khuyến khích 5 xã, thị trấn. Sau khi tiến hành sắp xếp, tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện (còn 9 huyện và 1 thành phố) và 38 xã (còn 8 phường; 14 thị trấn và 139 xã).

Về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, bà Đồng Thị Kiều Oanh cho biết, đối với tổ chức Đảng, Đoàn thể chính trị - xã hội, Đảng bộ của ĐVHC cấp xã mới sắp xếp tương ứng với ĐVHC mới, Ban Thường vụ cấp trên chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tổ chức Đảng, Đoàn thể chính trị - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định

Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện có liên quan đến phương án sắp xếp là 691 người thuộc 6 ĐVHC cấp huyện và 1.533 người thuộc 76 ĐVHC cấp xã. Tỉnh Cao Bằng dự kiến sẽ giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ chế độ tinh giản biên chế, điều động, luân chuyển...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn đánh giá tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Đề án thể hiện rõ hiện trạng, phương án sắp xếp các ĐVHC; phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và kế hoạch, lộ trình giải quyết đối với những người dôi dư.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì hội đồng thẩm định

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Phan Trung Tuấn đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng giải trình rõ lý do không nhập nguyên trạng mà chỉ nhập một phần của một số xã. Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, trong Đề án đã có phương án cụ thể, chi tiết và lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, về mốc thời gian thực hiện, ông Phan Trung Tuấn đề nghị thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong vòng 5 năm, chậm nhất đến năm 2024.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ càng, công phu trong việc xây dựng hồ sơ, Đề án của tỉnh Cao Bằng; đồng thời, đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong việc sắp xếp, sáp nhập để giảm 3 huyện và 38 xã.

Tuy nhiên, sau khi sắp xếp thì tỉnh Cao Bằng còn 10 ĐVHC cấp huyện, như vậy lại chưa đủ tiêu chí của ĐVHC cấp tỉnh và đối với cấp huyện thì có những huyện ít xã. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng cần bổ sung giải pháp về việc chuyển đổi các loại giấy tờ đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người dân và doanh nghiệp có liên quan…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Bích Ngọc đã tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và khẳng định, quan điểm của tỉnh Cao Bằng là thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, đảm bảo tinh gọn, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung, giải trình theo yêu cầu.

Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức đối với các tổ chức Đảng, đoàn thể và các cơ quan tư pháp; đặc biệt, có giải pháp sắp xếp đối với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng và đảm bảo số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp.

Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Đề án của tỉnh Cao Bằng và yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện Đề án trước khi trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tinh-cao-bang-se-giam-3-huyen-38-xa-sau-sap-xep-165164.html