Tĩnh Gia - Đại Lộc 60 năm nghĩa tình sâu nặng

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trên vùng đất huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang bước vào thời điểm nguy nan, khi đây đang là địa bàn 'tố cộng, diệt cộng' vô cùng dã man, thì huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã tổ chức kết nghĩa và phát động phong trào thi đua lao động, học tập công tác và chiến đấu với tinh thần 'Tất cả vì miền Nam ruột thịt'.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Thọ, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia bên những kỷ niệm về một thời gian khó, tại mặt trận Thượng Đức, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Sỹ Thành

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1960 đến 1975, huyện Đại Lộc luôn đón nhận được sự đóng góp sức người, sức của của Đảng bộ và nhân dân huyện Tĩnh Gia. Nhiều cán bộ và chiến sĩ của quê hương tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Tĩnh Gia nói riêng đã chiến đấu và hy sinh trên chiến trường huyện Đại Lộc, rồi nhiều cán bộ, chiến sĩ của huyện Đại Lộc ra tập kết, chữa bệnh ở miền Bắc cũng đã được Đảng bộ và nhân dân huyện Tĩnh Gia đón tiếp, chăm sóc nhiệt tình, chu đáo. Những sự hy sinh, giúp đỡ trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ đã minh chứng cho tình đoàn kết dân tộc, tình cảm thủy chung, son sắt giữa huyện Tĩnh Gia và huyện Đại Lộc.

Nhớ lại những ngày sinh tử trên vùng quê kết nghĩa Đại Lộc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Thọ, thôn Hồng Thái, xã Định Hải (Tĩnh Gia), hồi tưởng: Từ năm 1968 đến năm 1970, tại căn cứ địa Trại Lù thuộc địa phận thôn An Định, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, ông đã cùng đồng đội quyết chiến một mất, một còn với kẻ thù. Tại đây, ông đã tham gia chiến đấu hơn 60 trận, trực tiếp diệt 60 tên địch, thu 50 súng các loại, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay bằng súng bộ binh, mở đầu phong trào bắn máy bay cho toàn trung đoàn. Để làm nên được những chiến thắng vang dội, đã có không ít đồng đội của ông là người Thanh Hóa đã ngã xuống trên quê hương Đại Lộc, rồi những bà mẹ Đại Lộc đã miệt mài đào hầm làm nơi che chở cho chiến sĩ cách mạng. Ký ức về sự hy sinh, sự che chở, đùm bọc, vì nhau trong gian khó giữa Tĩnh Gia - Đại Lộc dường như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bước ra khỏi cuộc kháng chiến, huyện Đại Lộc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế và trong thời gian này, luôn có sự đồng hành của huyện Tĩnh Gia. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tình nghĩa son sắt, keo sơn giữa Đảng bộ và nhân dân Tĩnh Gia - Đại Lộc tiếp tục được bồi đắp. Hàng năm, nhân các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, như: Kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn huyện Đại Lộc, ngày thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc, ngày thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Tĩnh Gia, khánh thành Đền Tưởng niệm Trường An, khánh thành nhà lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc... đều được lãnh đạo hai huyện gặp gỡ, giao lưu, bày tỏ sự quan tâm thiết thực thông qua các hoạt động mang đậm tính nhân văn nhằm thắt chặt nghĩa tình. Nhiều phần quà thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được trao tặng cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của hai huyện. Bằng những nghĩa cử cao đẹp ấy, hai huyện đã kịp thời cổ vũ, động viên nhau vượt qua mọi thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tạo nên những bước tiến vững chắc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Năm 2020, đánh dấu mốc 60 năm gắn bó, đồng hành cùng nhau đi qua gian khó, chia ngọt sẻ bùi, nghĩa tình giữa Tĩnh Gia - Đại Lộc càng thêm sâu nặng. Phát huy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai huyện Tĩnh Gia và Đại Lộc, đồng thời, tiếp tục khẳng định, vun đắp những giá trị bền vững, keo sơn giữa cán bộ và nhân dân hai huyện, nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Đại Lộc và 60 năm kết nghĩa giữa hai huyện, để thắt chặt tình đoàn kết, huyện Tĩnh Gia sẽ tặng quà cho các gia đình chính sách huyện Đại Lộc, với số tiền dự kiến là 200 triệu đồng và khởi công xây dựng 1 trường mầm non. Đáp lại tình cảm của huyện Tĩnh Gia, được biết huyện Đại Lộc cũng thăm, tặng quà các gia đình chính sách, có công đối với huyện Đại Lộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và đầu tư xây dựng công trình Trường Tiểu học Hải Thượng, tại xã Hải Thượng.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tinh-gia-dai-loc-60-nam-nghia-tinh-sau-nang/115366.htm