Tinh giản biên chế, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế ưu ái người nhà?

Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế Nguyễn Việt Đức né tránh báo chí khi bị phản ánh ưu ái cho người nhà, không minh bạch trong thực hiện tinh giản biên chế, cùng với việc được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư bất thường.

Ưu ái em trai?

Thời gian qua, nhiều cán bộ công tác tại Học viện Âm nhạc Huế (HVAN Huế) gửi đơn thư đến nhiều cơ quan báo chí phản ánh những việc làm khuất tất của ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc học viện này.

Trong đơn gửi đến phóng viên (PV) Dân Việt, ông Hồ Hữu Tuyến, hiện đang công tác tại Viện Dân tộc nhạc học thuộc HVAN Huế, cho biết: Ngày 24.8.2018, ông nhận được thông báo nằm trong diện tinh giản biên chế cùng với 3 người khác. Bản thân ông không đồng tình về việc này do danh sách những người bị tinh giản không được tổ tư vấn thống nhất và không được thông qua tập thể lãnh đạo. Bên cạnh đó, việc lấy lí do ông không hoàn thành nhiệm vụ là không hợp lý.

Học viện Âm nhạc Huế.

Ông Tuyến cho hay, năm 2011, ông được HVAN Huế tiếp nhận vào công tác tại Phòng Công tác học sinh - sinh viên, sau khi điều chuyển từ một trường học ở tỉnh Quảng Trị. Đến năm 2012, ông tiếp tục được điều động về công tác tại Viện Nghiên cứu âm nhạc, nay là Viện Dân tộc nhạc học. Năm 2017, ông lại được điều chuyển về công tác tại Phòng Công tác học sinh - sinh viên với nhiệm vụ tổ chức hoạt động phong trào.

Đến cuối năm 2017, ông Tuyến lại được chuyển về công tác tại phòng Nghiên cứu khoa học và đối ngoại. Trong quá trình 6 tháng công tác ở đây, ông Tuyến cho biết, mặc dù nhiều lần trình bày và kiến nghị lên cấp trên nhưng ông vẫn không được phân công nhiệm vụ cụ thể. Đầu năm 2018, ông tiếp tục bị chuyển về lại Viện Dân tộc nhạc học và cuối tháng 8.2018 nhận được thông báo nằm trong danh sách tinh giản biên chế.

Theo ông Tuyến, từ khi vào làm việc tại HVAN Huế đến nay, dù liên tục bị điều chuyển công tác nhưng ông vẫn luôn phát huy các khả năng để làm tốt công việc được giao. Do đó, ông nhiều lần được nhiều bằng khen, được công nhận là lao động tiên tiến…

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, hiện đang công tác tại Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của HVAN Huế cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc mình nằm trong diện tinh giản biên chế. Theo bà Nhung, vị trí công việc của bà hiện rất quan trọng và nhiều việc nên bị tinh giản là trái với Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Đó là chưa kể trong quá trình công tác tại HVAN Huế từ năm 2012 đến nay bà luôn làm tốt công vệc của mình.

Không chỉ bức xúc về việc mình bị tinh giản biên chế một cách bất thường, ông Tuyến và bà Nhung còn cho rằng, cùng ở hoàn cảnh giống mình nhưng trường hợp ông Nguyễn Việt An - em trai của Giám đốc Nguyễn Việt Đức lại được ưu ái một cách bất thường.

Theo ông Tuyến và bà Nhung, năm 2013, ông An được tiếp nhận công tác ở học viện cũng từ một trường trung học cơ sở. Sau đó, ông Nguyễn Việt Đức thành lập hội đồng cho em trai thi chuyển sang ngạch giảng viên. Việc làm này của ông Đức không công khai, minh bạch đến cán bộ trong học viện mà được làm "âm thầm".

“Dính” nhiều sai phạm vẫn được bổ nhiệm phó giáo sư

Cùng bức xúc về việc ông Đức ưu ái cho em trai, ngoài ông Tuyến và bà Nhung còn có nhiều cán bộ của HVAN Huế không nằm trong diện bị tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, người lao động tại HVAN Huếu còn phản ánh ông Nguyễn Việt Đức mặc dù “dính” rất nhiều sai phạm trong quá trình công tác nhưng vẫn được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư.

Ông Nguyễn Việt Đức phát biểu khi được trao quyết định bổ nhiệm chức danh phó giáo sư.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, vào ngày 27.7.2015, ông Đức bị Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế kỷ luật về mặt Đảng với hình thức khiển trách vì vi phạm trong chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bổ nhiệm, kỷ luật viên chức. Trước đó, vào tháng 6.2015, ông Đức cũng bị cơ quan chủ quản là Bộ VHTTDL kỷ luật với hình thức cảnh cáo cũng vì lý do trên. Vậy nhưng, vào tháng 4.2018, ông Đức vẫn được trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư năm 2017.

Theo nhiều cán bộ tại HVAN Huế, Luật Giáo dục quy định về nhiệm vụ của nhà giáo là phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật… Do vậy, nhà giáo vi phạm các quy định của pháp luật thì chưa thể đủ tiêu chuẩn nhà giáo và nếu đã không đủ tiêu chuẩn nhà giáo có nghĩa là chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận chức danh Phó giáo sư. Vì vậy, những người này cho rằng, việc ông Đức được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư là không đúng quy định.

Sau khi nhận được phản ánh của nhiều cán bộ tại HVAN Huế, từ ngày 30.8, nhiều PV đã trực tiếp đến học viện này đăng ký làm việc với ông Nguyễn Việt Đức để nắm thông tin nhiều chiều. Tại đây, các PV được bộ phận hành chính của học viện thông báo là ông Đức trả lời rằng ông bận việc, khi nào sắp xếp được thời gian ông sẽ chủ động liên lạc lại với PV.

Hơn 1 tuần sau, vào sáng 5.9, các PV tiếp tục đến liên hệ với bộ phận hành chính của HVAN Huế, nhưng cán bộ ở đây sau khi đi báo cho ông Đức thì quay lại trả lời là rằng ông Đức chưa sắp xếp được thời gian.

Sáng 13.9, PV tiếp tục liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Việt Đức nhưng không nhận được phản hồi.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Trần Hòe

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/tinh-gian-bien-che-giam-doc-hoc-vien-am-nhac-hue-uu-ai-nguoi-nha-912161.html