Tinh giản tổ chức, biên chế - nhìn từ Quảng Ninh

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân là do 'tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả'. Đi đầu trong thực hiện tinh giản tổ chức, biên chế, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cùng với đó, nhiều vướng mắc nảy sinh cần sự phối hợp giải quyết của các bộ, ban, ngành Trung ương.

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân là do “tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả”. Đi đầu trong thực hiện tinh giản tổ chức, biên chế, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cùng với đó, nhiều vướng mắc nảy sinh cần sự phối hợp giải quyết của các bộ, ban, ngành Trung ương.

Hướng đi đúng

Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Đề án 25 về đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản tổ chức, biên chế. Một loạt giải pháp được thực hiện như sắp xếp lại hệ thống trường học, trạm y tế; tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị… Kết quả sau gần bốn năm, tỉnh đã giảm bốn đơn vị sự nghiệp; 107 phòng, ban; 686 biên chế công chức, viên chức. Trong đó, hai giải pháp được quan tâm nhất là nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý và sáp nhập các cơ quan đảng, chính quyền có chung chức năng, nhiệm vụ.

Cụ thể ở cấp xã, Quảng Ninh đã tiến hành nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 76 trong số 186 địa phương. Đối với cấp huyện, hai huyện Cô Tô và Tiên Yên nhất thể hóa chức danh này. Ở khu vực thôn bản, khu phố, tỉnh tiến hành nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu, thôn. Hiện có 1.435 trong số 1.565 trưởng thôn bản, khu phố là đảng viên (đạt 98,2%). Theo kế hoạch, các đảng viên là trưởng thôn bản, khu phố sẽ được giới thiệu bầu vào vị trí bí thư chi bộ trong đại hội chi bộ thôn bản, khu phố diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8-2017.

Việc hợp nhất các cơ quan đảng và chính quyền có chung chức năng, nhiệm vụ cũng đang được thực hiện ở cấp huyện và cơ sở. Mười hai huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh đã sáp nhập MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội vào một cơ quan với tên gọi ở cấp huyện là “Cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị”. Cấp xã, phường, thị trấn cũng thành lập mô hình này nhưng tên gọi là “Bộ phận phối hợp thống nhất hành động”. Để chuẩn bị hợp nhất các cơ quan Đảng và chính quyền ở cấp huyện, Quảng Ninh đang hợp nhất một số chức danh như trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra…

Thực tế đã khẳng định hướng đi đúng của Đề án 25 trong tinh giản biên chế tổ chức, bộ máy của tỉnh Quảng Ninh. Số lượng tổ chức, biên chế giảm rõ rệt, đồng thời phương thức lãnh đạo của Đảng đã có sự đổi mới rõ nét. Sau hơn một năm đảm nhận cương vị Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoành Bồ, đồng chí Khổng Minh Thành cho biết, công tác nắm tình hình đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã sâu sát hơn. Việc tham mưu giúp Huyện ủy về quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chính xác hơn, giúp ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp. Công tác quản lý chặt chẽ hơn cho nên lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ cũng kịp thời hơn. Mới đây, qua kiểm tra ở cấp xã, thấy nhiều cán bộ địa bàn vùng cao kiến thức pháp luật còn yếu, đồng chí đã tham mưu, đề xuất Huyện ủy phối hợp mở lớp tại chức đại học Luật tại địa phương. Đã có hơn 100 cán bộ đăng ký và đang theo học.

Theo đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Thị ủy Đông Triều, khi hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra với thanh tra, quy trình xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật nhanh gọn hơn. Đáng chú ý, việc phát hiện các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức kịp thời. Do vậy, có tác dụng tích cực trong ngăn chặn các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực hay bổ nhiệm người thân, người nhà không đủ tiêu chuẩn...

Theo Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ Nguyễn Thị Hạnh, mô hình hợp nhất MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đã khắc phục được tình trạng “một việc nhiều người làm”. Chẳng hạn như việc tổ chức hoạt động vui chơi cho thiếu nhi ngày hè, trước đây tất cả các đoàn thể đều triển khai dẫn đến chồng chéo, thì nay, Cơ quan tham mưu giúp việc sẽ căn cứ vào nội dung để giao nhiệm vụ cụ thể cho Đoàn Thanh niên. Ngược lại, có những việc phức tạp cần nhiều người tham gia như vận động giải phóng mặt bằng thì Cơ quan tham mưu giúp việc sẽ huy động tất cả đoàn thể vào cuộc.

Qua đây, có thể đánh giá chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân. Từ đó, chọn được cán bộ tốt, loại bỏ được những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Như vậy, việc tinh giản, sắp xếp tổ chức, bộ máy ở Quảng Ninh không những nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy mà còn góp phần phát hiện, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những đánh giá tích cực cũng còn những vướng mắc nảy sinh chung quanh việc tinh giản tổ chức, biên chế ở Quảng Ninh. Trước hết là vướng mắc nảy sinh trong nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, quản lý. Tiên Yên là huyện đi đầu trong tinh giản tổ chức, biên chế, trong đó đã hợp nhất chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND ở cả hai cấp huyện và xã. Năm 2016, một loạt cán bộ chủ chốt của xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) bị kỷ luật vì lạm quyền, bớt xén tiền bảo hiểm của dân. Trước đó, xã Đồng Rui được Huyện ủy đánh giá nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị với mô hình bí thư đảng ủy xã đồng thời là chủ tịch UBND.

Từ vụ việc lạm quyền xảy ra năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế kiểm soát quyền lực chỉ thông qua quy chế mà thiếu công cụ giám sát chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến người đứng đầu đã sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất như Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã chỉ ra. Có lẽ vì thế, mới chỉ có hai địa phương cấp huyện trong tỉnh Quảng Ninh nhất thể hóa hai chức danh này. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Uông Bí Nguyễn Chiến Thắng bổ sung: Việc lựa chọn nhân sự đáp ứng các chức danh nhất thể hóa hoặc kiêm nhiệm vẫn là vấn đề khó. Nhân sự được chọn phải đủ trình độ, năng lực và cả kinh nghiệm công tác. Vừa qua, ở TP Uông Bí, một trường hợp bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phường đã bị xem xét xử lý kỷ luật mà nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm lãnh đạo dẫn đến sai sót trong thu chi tài chính.

Việc Tỉnh ủy Quảng Ninh thực hiện Đề án tinh giản tổ chức, biên chế theo quy trình từ dưới lên cũng có vướng mắc nảy sinh. Đó là ở cấp xã và huyện đã thành lập Cơ quan tham mưu giúp việc Khối MTTQ và các đoàn thể nhưng cấp tỉnh lại chưa thành lập, dẫn đến tình trạng “một nhà hai cửa”. Nghĩa là, các ban dân vận, hội phụ nữ… chịu sự lãnh đạo của cả Cơ quan tham mưu giúp việc lẫn ngành dọc cấp trên.

Theo đồng chí Vũ Thị Dung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc sáp nhập các cơ quan là vấn đề mới, liên quan đến Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Trung ương, cho nên rất cần sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành ở Trung ương. Do chưa có sự thống nhất ý kiến giữa các ban, ngành ở Trung ương, vì thế đến nay, ở cấp huyện, Quảng Ninh chỉ mới thí điểm hợp nhất tổ chức của ban tổ chức với phòng nội vụ; của ủy ban kiểm tra với thanh tra ở năm địa phương. Riêng hai huyện Tiên Yên và Cô Tô thực hiện thêm việc hợp nhất văn phòng của ba bên (UBND, HĐND và Huyện ủy). Tất cả đều đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, hoàn thiện.

Trong quá trình sắp xếp, tinh giản, công tác thực hiện chính sách cán bộ đang là vấn đề khó. Từ cơ sở, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Bí thư Đảng ủy phường Giếng Đáy, TP Hạ Long phản ánh: Sau khi tinh giản, phường có những cán bộ kiêm nhiệm hai đến ba chức danh nhưng chỉ được hưởng thêm phụ cấp của một chức danh, trong khi ở cơ sở công việc nhiều, sức ép lớn, cán bộ thường xuyên làm việc quá 12 giờ/ngày, là chưa thỏa đáng. Hơn nữa, về vấn đề tài chính, theo Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh, số tiền tiết kiệm từ tinh giản bộ máy, biên chế được dành đầu tư trở lại cho cơ sở, nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho nên cấp phường, xã và cả cấp huyện chưa được thụ hưởng nguồn kinh phí này, vì thế chưa tạo động lực cho cán bộ làm việc.

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang lúng túng trong sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế. Theo báo cáo của Chính phủ, sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về sắp xếp, tinh giản biên chế, tổng biên chế cả nước chẳng những không giảm mà có chiều hướng tăng lên. Nếu ngày 31-12-2015, cả nước có 3.563.903 biên chế thì đến ngày 1-2-2017 tăng lên 3.574.303 người (tăng 0,57%).

Nhìn từ thực tế của tỉnh Quảng Ninh có thể thấy, để thực hiện tốt việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, các cấp ủy cần có quyết tâm chính trị, có giải pháp đúng, phù hợp điều kiện thực tiễn và kiên trì với giải pháp đó; đồng thời cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Có vậy mới thực hiện tốt một trong những giải pháp mà Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã đề ra là “kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”...

VĂN TOÁN và QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33285602-tinh-gian-to-chuc-bien-che-nhin-tu-quang-ninh.html