Tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy

Từ ngày 1/1 đến 31/12/2019, 10 tỉnh, TP, bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình, TP.HCM, Tây Ninh và Tiền Giang sẽ tiến hành thí điểm hợp nhất 3 văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND theo Đề án của Ủy ban Thường vụ QH. Việc hợp nhất này được cho là phù hợp xu thế cải cách hành chính để xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân.

Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều cải cách, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng.

Theo Đề án, việc hợp nhất 3 văn phòng sẽ được thí điểm trong năm 2019. Vì sao phải tiến hành hợp nhất các văn phòng này? Như chúng ta đã biết, từ khi có Luật Chính quyền địa phương 1946, ở mỗi tỉnh, thành chỉ có 1 văn phòng UBND phục vụ cho 2 cơ quan UBND và HĐND. Trong nhiều năm, chỉ 1 văn phòng này vẫn hoạt động hiệu quả theo 2 chức năng chính: Bảo đảm hậu cần phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo; thực hiện tham mưu tổng hợp. Thế nhưng, từ những năm 1990, theo gợi ý của VPQH có 17 tỉnh, thành thí điểm tách riêng 2 văn phòng HĐND và UBND. Dù thí điểm chưa tổng kết nhưng sau đó, việc tách 2 văn phòng áp dụng cho cả nước.

Nhớ lại lúc thí điểm, một trong những địa phương nhất quyết không tách 2 văn phòng là TP HCM. Thường vụ Thành ủy TP thống nhất vẫn để chung văn phòng HĐND-UBND TP. Trong nhiều năm liền, một văn phòng chung này vẫn bảo đảm cho hoạt động của HĐND và UBND thông suốt. Tuy nhiên, về sau, với nhiều sức ép, TP HCM cũng phải tách ra thành 2 văn phòng. Những năm gần đây, theo Nghị quyết của QH, có thêm văn phòng ĐBQH.

Những sự tách ra này đã khiến số lượng biên chế cứ thế tăng lên chóng mặt. Theo tính toán, văn phòng đoàn ĐBQH của cả nước có tổng số biên chế hành chính là 377 người, trong đó có 50 chánh văn phòng, 57 phó, 270 chuyên viên, 190 người là hợp đồng lao động.

Còn văn phòng HĐND cấp tỉnh có 1.552 biên chế, trong đó 63 chánh văn phòng, 118 phó chánh văn phòng, 137 phòng, 125 trưởng phòng, 186 phó trưởng phòng, 605 chuyên viên và 444 hợp đồng lao động. Văn phòng UBND cấp tỉnh có 6.368 biên chế, trong đó 62 chánh văn phòng, 199 phó chánh văn phòng, 719 phòng, 667 trưởng phòng, 1.025 phó trưởng phòng, 4569 chuyên viên, viên chức và 1.549 hợp đồng lao động. Đây là lượng biên chế không hề nhỏ.

Không chỉ có vậy, 3 văn phòng này cũng hình thành nhiều đơn vị trung gian cấp phòng. Hiện tại, chỉ có văn phòng đoàn ĐBQH không thành lập phòng, còn văn phòng HĐND và văn phòng UBND cấp tỉnh đều thành lập phòng với tổng số 856 phòng. Trong đó, văn phòng HĐND có 137 phòng, văn phòng UBND có 719 phòng.

Rõ ràng, việc hình thành 3 văn phòng riêng làm cho bộ máy cồng kềnh, nhiều phòng, nhiều cấp phó, khó tập trung nguồn lực và phát sinh tăng trụ sở. Việc này dẫn đến tình trạng các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, nhiều tầng nấc trung gian…

Hiệu quả rõ nhất của việc hợp nhất 3 văn phòng này chính là góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương.

Bởi khi thực hiện hợp nhất 3 văn phòng, sẽ giảm được 2 đầu mối cơ quan tương đương cấp sở ở mỗi địa phương, tương ứng với đó giảm được 2 cấp trưởng và 3 cấp phó, nhiều đầu mối cấp phòng và trưởng, phó phòng.

Theo tính toán sơ bộ, với 3 cơ quan độc lập như hiện nay, có 189 chánh văn phòng, ít nhất 378 phó chánh văn phòng, nếu thành lập văn phòng chung sẽ giảm được 126 chánh văn phòng và ít nhất 126 phó chánh văn phòng.

Tất nhiên, hợp nhất các văn phòng làm 1 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, còn những sự băn khoăn nhất định. Như ý kiến của Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu rằng, việc sắp xếp nhân sự chánh văn phòng như thế nào cho “êm thấm” khi có 3 ông trưởng hợp nhất lại còn 1 ông? “3 ông trưởng trộn lại, có khi chọn ông trưởng khác thì những ông này đương nhiên xuống làm cấp phó thì làm thế nào?”. Do vậy, chính sách nhân sự nên công bằng và xem xét thận trọng vì đụng đến con người, bởi nếu làm không khéo sẽ gặp một làn sóng phản ứng.

Thế nhưng rõ ràng nhất thể hóa các cơ quan theo 6 mô hình thí điểm theo yêu cầu của Bộ Chính trị, trong đó có hợp nhất văn phòng Đoàn ĐBQH, văn phòng HÐND và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung là một bước đột phá mới trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Trọng Phúc.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Hợp nhất để tinh gọn, hiệu quả

Ưu điểm dễ thấy nhất khi gộp chung một văn phòng là tiết kiệm. Thứ nhất, tiết kiệm được biên chế khi sử dụng chung bộ phận phục vụ hậu cần. Thứ hai, tiết kiệm về cơ sở vật chất, đặc biệt là trụ sở. Thứ ba, tiết kiệm được kinh phí.

Xuất phát từ chất lượng của công việc, rõ ràng khi để chung văn phòng, các tổ công tác tham mưu công tác điều hành sẽ cùng với bộ phận tham mưu công tác giám sát hỗ trợ nhau. Để khắc phục tính khác biệt của chức năng giám sát và điều hành, cần bố trí thêm chức danh phó văn phòng chuyên trách công tác HĐND. Chức danh này có một số thẩm quyền đặc biệt hơn so với các phó văn phòng khác.

Trở ngại lớn nhất là nhiệm vụ của chánh văn phòng, làm sao để điều hòa công tác phục vụ hậu cần cũng như tham mưu rạch ròi hợp lý cho 2 nhiệm vụ khác nhau. Cần phải xác định rõ 2 nhiệm vụ này hoàn toàn chỉ là 2 khâu của quá trình quản lý. Chức năng giám sát và chức năng điều hành hoàn toàn không đối lập, như nhiều ý kiến nhầm lẫn, chúng hỗ trợ bổ sung cho nhau, dưới sự lãnh đạo thống nhất duy nhất của cấp ủy Đảng.

Khi nhất thể hóa chức danh, một người kiêm nhiệm 2 vị trí nên những lo ngại về việc lạm quyền sẽ không tránh khỏi. Quyền lực được giao mà thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền; từ đó sẽ đưa tới nhiều hệ lụy khó lường.

Do đó, kiểm soát quyền lực, giám sát cán bộ phải được chú trọng. Để tránh lạm quyền, người giữ chức danh kiêm nhiệm phải luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

Theo tôi, phải siết chặt kỷ luật Đảng, bởi kỷ luật Đảng là công cụ quan trọng để kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của đảng viên. Bên cạnh đó, nội bộ các cơ quan có người giữ chức danh kiêm nhiệm phải tăng cường giám sát lẫn nhau. Trong thực thi công vụ, cấp trên giám sát cấp dưới và ngược lại.

Ông Phạm Văn Hòa.

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Tháp: Khắc phục tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý

Khi ba văn phòng về “ở chung” có thể sẽ dẫn tới tình trạng dĩ hòa vi quý. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải khắc phục cho được tình trạng nể nang nhau để thực hiện cho đúng nhiệm vụ một cách khách quan, công tâm. Để làm được như vậy, sau khi hợp nhất, từng cơ quan văn phòng phải có nhiệm vụ riêng biệt, độc lập với nhau mới mang lại hiệu quả.

Chẳng hạn với nhiệm vụ giám sát, phải giao cho phòng công tác đại biểu chịu trách nhiệm với người phụ trách, đề ra chương trình giám sát thực sự khách quan. Bộ phận đề ra chương trình giám sát cũng cần chủ động. Thậm chí, từng cá nhân, từng đại biểu cũng phải đề ra chương trình và giám sát có trách nhiệm.

Việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng nhằm giảm đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thiết lập bộ máy giúp việc chung cho HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả của việc thí điểm hợp nhất các văn phòng tại một số địa phương trong cả nước sẽ là cơ sở để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

* Quảng Ninh giảm gần 2.000 biên chế nhờ hợp nhất

Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ninh, sau gần 3 năm triển khai Đề án tinh giản bộ máy, biên chế (Đề án 25), địa phương này đã giảm được 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể. Nhờ thế đã giảm được 519 biên chế công chức và 1.314 biên chế viên chức.

Về việc nhất thể hóa các chức danh, Quảng Ninh đã thực hiện mô hình bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch HĐND tại 7/14 huyện, thị (50% số đơn vị cấp huyện), 76/186 xã (40,3%).

Việc hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra đã thực hiện tại 11/14 huyện (78,6%); hợp nhất cơ quan ban tổ chức - phòng nội vụ tại 100% số huyện, thị. Hiện tại, Quảng Ninh cũng đã tổ chức mô hình chánh văn phòng 3 bên: Văn phòng cấp ủy - HĐND - UBND ở 2/14 huyện.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/tinh-gon-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-cua-bo-may-tintuc417835