Tính hài hước, phê phán trong tranh của các họa sĩ trẻ

ND-Cuộc triển lãm mỹ thuật (tranh vẽ kèm sắp đặt) mang tên "Khói và Nước" của hai họa sĩ trẻ Nguyễn Hồng Phương và Lê Nguyên Mạnh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu với người xem một loạt sáng tác mới với thể loại hội họa mang tính chất "Kit", một loại hội họa có vẻ rất lạ tai với số đông khán giả yêu thích mỹ thuật...

"Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận...", câu nói của Bác Hồ trong buổi nói chuyện với giới văn nghệ sĩ kháng chiến đã trở thành một phương châm cho nghệ thuật cách mạng. Trên góc độ hội họa, thái độ đối đầu trực diện với cái xấu, cái ác trong xã hội cũng như trong chính bản thân con người là một cách thể hiện rất đáng khuyến khích của các họa sĩ trẻ. Đó chính là "nguyên cớ" sinh ra thể loại hội họa "Kit". "Kit" là một từ mới trong báo chí lý luận nghệ thuật của thế giới, chỉ về loại nghệ thuật dùng tất cả những phương tiện thể hiện để phê phán những cái xấu, ác, giả dối, phù phiếm, phi lý... trong xã hội và trong từng con người. Loại hình nghệ thuật này mang tính châm biếm rất cao (kể cả sự giễu nhại và châm biếm ngay chính bản thân người sáng tác). Trong hội họa, để phản ánh và đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái bất hợp lý... thì khó có phương tiện nào có thể tốt hơn là đưa ra những hình ảnh phi lý, phóng đại, gây cảm xúc trực tiếp đến người xem. Các họa sĩ trẻ dùng hội họa siêu thực để làm việc này. Họ đưa ra những hình ảnh giống như trong giấc mơ (siêu thực) hoặc là "chắp ghép" những thứ rất vô lý với nhau. Hoặc có thể dùng những tác phẩm kinh điển đã có trước đó, vẽ "chép" lại nhưng với tính chất châm biếm hài hước. Đại diện cho hội họa "Kit" hiện nay ở Hà Nội có ba họa sĩ trẻ, và rất ngạc nhiên họ đều sinh ra cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là họa sĩ Đỗ Tuấn Anh (sinh năm 1978). Họa sĩ Lê Nguyên Mạnh (sinh năm 1979) và họa sĩ Phạm Huy Thông (sinh năm 1981). Về vấn đề xác định tại sao những họa sĩ ở lứa tuổi, thế hệ này lại cùng có một tâm lý sáng tác như vậy, thì chắc phải cần những nghiên cứu dài hơn. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói riêng về đặc điểm nghệ thuật. Họa sĩ Đỗ Tuấn Anh và Phạm Huy Thông cùng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Họ cùng có hướng sáng tác là vẽ lại bố cục của các tác phẩm kinh điển hoặc dân gian. Như bức Ảo thuật gia của Đỗ Tuấn Anh trong triển lãm Ôi! thành phố (4-2009), anh đã dùng bố cục của bức Chúa truyền sức sống cho Ađam của danh họa Mi-sen Ăng-giơ vẽ trên trần nhà nguyện Xi-xtin tại Rô-ma (I-ta-li-a). Nhưng trong tranh, thì thay vào Chúa là hình ảnh của gã "tư bản cá mập" đang chạm tay vào anh nông dân (A-đam) quần bộ đội, mũ cối với mảnh ruộng màu mỡ... Họa sĩ Phạm Huy Thông thì dùng ngay bố cục tranh dân gian Đông Hồ để giễu nhại, như hình ảnh nông dân bán trâu vì đã mất ruộng vẽ lại từ bức Nông phu đi bừa của tranh Đông Hồ. (Triển lãm Cập nhật, 6-2009). Họa sĩ Lê Nguyên Mạnh thì chọn cách thể hiện khác hơn một chút, với hình ảnh bản thân bị tự châm biếm. Họa sĩ tưởng tượng ra các hình ảnh siêu thực, nhiều bức tranh trong đó anh chính là nhân vật đi lang thang thảm hại như bị đè bẹp trước nhà cửa, xe cộ, phụ nữ... những thứ "vật chất dục lạc" được phóng rất to. Có bức anh vẽ hình ảnh của mình đeo mặt nạ đang giẫm chân mắng mỏ... chính mình. Hội họa "Kit" cần những tay cọ giỏi khả năng tưởng tượng, với kỹ thuật dựng hình và dùng chất liệu hội họa sơn dầu vững vàng. Ý nghĩa của thể loại này mang trong mình bản chất kép, vừa có tính giễu nhại hài hước, vừa có tính tố cáo đấu tranh rất cao. Bởi vậy, có thể coi đây là một "vũ khí nghệ thuật" có nhiều tác dụng đa dạng ở thời kỳ xã hội có nhiều biến chuyển. Cũng cần nói thêm, trước khi nó trở nên rầm rộ với một loạt ba triển lãm liên tiếp trong năm 2009 này, "Kit" đã từng được các họa sĩ Lê Quảng Hà (sinh năm 1966), Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1976), Hà Mạnh Thắng (sinh năm 1980), Nguyễn Sơn (họa sĩ TP Hồ Chí Minh với triển lãm Kỷ nguyên vàng tháng 5-2009 vừa qua)... thể hiện với các sáng tác theo loạt hoặc riêng lẻ của họ. Trong tương lai gần, có lẽ nó sẽ trở thành một hướng hội họa quy tập được nhiều họa sĩ theo đuổi, với đặc trưng nổi trội là mang nhiều tính hài hước, phê phán.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=155036&sub=134&top=43