Tình hình dịch COVID-19 ở ASEAN: Malaysia số ca mắc bệnh tiếp tục tăng, Lào và Myanmar vẫn an toàn

Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục nỗ lực hết sức để kiềm chế dịch bệnh COVID-19 lây lan trong nước và ngăn chặn nguồn bệnh từ nước ngoài.

Malaysia có thể huy động quân đội chống dịch

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 14/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 14/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới ngày 19/3, Malaysia vẫn là nước ASEAN có ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất với 900 ca, trong đó 2 ca tử vong, buộc nước này phải phong tỏa toàn quốc.

Dù virus lây lan nhanh nhưng trong ngày đầu tiên thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO), mới chỉ có khoảng 60% người dân Malaysia chấp hành. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nếu tình hình không chuyển biến, kể cả khi số người chấp hành tăng lên đến 70%, khả năng lớn là sẽ huy động quân đội nhập cuộc.

Malaysia bắt đầu áp dụng lệnh hạn chế đi lại, đóng cửa các cơ sở kinh doanh trừ những nơi cung cấp nhu yếu phầm, đồng thời tạm hoãn tất cả các cuộc tụ tập đông người từ ngày 18 cho đến hết ngày 31/3.

Ngày 18/3, Thủ tướng nước này Muhyiddin Yassin đã kêu gọi người dân tích cực hợp tác, thực hiện các chỉ thị liên quan mệnh lệnh nói trên. Ông Muhyiddin cũng cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện, Malaysia có thể kéo dài thời gian thực hiện mệnh lệnh này.

Tại các sân bay của Malaysia, như sân bay quốc tế Kuala Lumpur, nhiều người dân Malaysia đang trở về nước. Họ được đưa đến các khu cách ly trong 14 ngày theo quy định. Nhiều người nước ngoài vẫn đáp máy bay xuống sân bay này, mặc dù trước đó Malaysia đã thông báo cấm người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian từ ngày 18-31/3. Bất chấp các lý do mà những người nước ngoài đưa ra, cơ quan chức năng Malaysia vẫn kiên quyết không cho họ nhập cảnh.

Thái Lan: Số ca nhiễm mới cao kỷ lục

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 19/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 19/3, Thái Lan xác nhận thêm 60 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 272. Đây cũng là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này.

Tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan tại một cuộc họp báo cho biết số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 19/3 chia làm hai nhóm, gồm nhóm 43 ca có liên quan tới các ca nhiễm đã được xác nhận trước đó và nhóm còn lại 17 ca là những người đến từ các quốc gia Italy, Malaysia, Nhật Bản, Iran và Đài Loan (Trung Quốc). Tới nay, quốc gia này ghi nhận một ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19.

Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) đã yêu cầu tất cả các hành khách, kể cả người dân nước này lẫn người nước ngoài, phải trình giấy chứng nhận không mắc COVID-19 và bảo hiểm COVID-19 trước khi lên máy bay tới Thái Lan.

Singapore có thêm 32 ca mới

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một tòa nhà ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Singapore ngày 19/3 xác nhận có 32 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca trên toàn quốc lên 345. Trong đó, có 24 ca từ bên ngoài vào và 8 ca trong nước.

Giới chức Singapore cho biết mọi học sinh và giáo viên trở lại sau khi du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ tháng 3 sẽ phải nghỉ 14 ngày từ khi trở về. Trước đó, Singapore đã yêu cầu các đối tượng khác phải ở nhà trong 14 ngày sau khi từ nước ngoài vào Singapore.

Singapore cũng đã khuyến cáo công dân tránh ra nước ngoài.

Indonesia có tỷ lệ tử vong cao ở thủ đô

Nhân viên phun thuốc khử trùng tại nhà ga tàu hỏa ở Bandung, Tây Java, Indonesia ngày 15/3. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, tại Indonesia, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở thủ đô Jakarta chiếm tới 68% trên cả nước.

Phát biểu với báo giới ngày 19/3, Cục trưởng Cục Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh của Bộ Y tế Indonesia - ông Achmad Yurianto - cho biết số trường hợp mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 309 người, trong đó tại thủ đô Jakarta có 210 người. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng lên 25 người, trong đó có tới 68% số ca tử vong được ghi nhận tại thủ đô Jakarta.

Hầu hết trường hợp tử vong là những người trong độ tuổi từ 45 - 65 và mắc nhiều bệnh lý nền, như huyết áp cao, tiểu đường và suy tim, chỉ có một trường hợp 37 tuổi tử vong không có tiền sử bệnh.

Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Mahfud Mohamad khẳng định nước này vẫn tổ chức các cuộc bầu cử khu vực năm 2020 theo đúng kế hoạch, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19.

Lào và Myanmar chưa có ca nhiễm virus

Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith (trái) cùng đại diện Bộ Y tế Lào chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Phạm Kiên (P/v TTXVN tại Lào)

Tại cuộc họp báo quốc tế chiều 19/3 ở thủ đô Viêng Chăn, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith khẳng định tới thời điểm này, Lào vẫn chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Saleumxay Kommasith cho biết tất cả các ca nghi mắc COVID-19 tại Lào đều đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Những thông tin trên các mạng xã hội về việc Lào đã có người mắc COVID-19 trong những ngày qua đều là tin giả.

Kể từ ngày 19/3, Lào đã nâng mức cảnh báo phòng ngừa COVID-19 lên cấp cao nhất. Một loạt biện pháp đã và sẽ được triển khai như cho học sinh từ mầm non đến đại học được nghỉ học trong một tháng; tạm ngừng cấp thị thực cho du khách quốc tế trong 30 ngày bắt đầu từ ngày 20/3/2020, đồng thời dừng chính sách miễn thị thực với tất cả các nước trừ những người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ. Ngoài ra, Lào cũng đóng cửa tất cả các cửa khẩu phụ với các nước có chung đường biên giới, đồng thời sẽ cân nhắc đóng các cửa khẩu quốc tế trong trường hợp cần thiết.

Tương tự Lào, Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi xác nhận nước này chưa ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-dich-covid19-o-asean-malaysia-so-ca-mac-benh-tiep-tuc-tang-lao-va-myanmar-van-an-toan-20200319213712991.htm