Tình hình Israel-Hamas: Xung đột chưa hồi kết

Ngày 14/1 đánh dấu 100 ngày giao tranh giữa Israel và Hamas, cuộc xung đột lớn nhất, ác liệt và kéo dài nhất kể từ khi thành lập nhà nước Israel năm 1948 đến nay.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp về xung đột ở Dải Gaza ngày 12/12/2023. (Nguồn: UN News)

100 ngày trôi qua nhưng Israel vẫn chưa thực hiện được mục tiêu của mình mà còn chịu nhiều thiệt hại. Thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza được Liên hợp quốc (LHQ)và nhiều bên xác nhận là chưa từng có.

Tổn thất cho các bên

Khi mở chiến dịch “Thanh kiếm sắt” vào Dải Gaza, Thủ tướng Israel B. Netanyahu tuyên bố, mục tiêu chính là tiêu diệt lực lượng Hamas và giải phóng con tin. Tuy nhiên, đến nay đã bước sang tháng thứ tư, Israel vẫn chưa thực hiện được hai mục tiêu này. Tiềm lực quân sự của Hamas không bị phá hủy. Hàng loạt tên lửa vẫn bắn đi từ Gaza vào lãnh thổ Israel và không một con tin nào được giải cứu bằng quân sự.

Phía Israel chịu nhiều tổn thất trên chiến trường. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thừa nhận 187 binh sĩ đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu tấn công trên bộ vào Dải Gaza ngày 27/10/2023, đưa tổng số binh sĩ và cảnh sát Israel thiệt mạng kể từ khi Hamas phát động tấn công vào Israel ngày 7/10/2023 lên tới 580 và hơn 5.000 người bị thương. Đây là con số do Israel công bố, trên thực tế có thể còn cao hơn.

Về kinh tế, Ngân hàng trung ương Israel ước tính cuộc chiến tại Gaza mỗi ngày tiêu tốn khoảng 270 triệu USD và dự kiến chi phí cho xung đột trong năm nay có thể sẽ lên tới hơn 60 tỷ USD, chiếm hơn 10% thu nhập quốc nội (GDP) của đất nước. Nếu chiến tranh kéo dài, chi phí này sẽ còn tăng hơn nữa.

Theo thống kê của phía Palestine và LHQ, đến nay số người Palestine thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza đã lên tới khoảng 25.000, trong đó hơn một nửa là trẻ em, phụ nữ và người già, 69.000 người bị thương, 2 triệu trong số 2,3 triệu dân Gaza mất nhà cửa. Nhiều cơ sở hạ tầng dân sự, trong đó có 69.000 ngôi nhà ở bị phá hủy hoàn toàn, 290.000 bị hư hại nặng, 30 bệnh viện, 150 cơ sở y tế, nhiều trường học bị bắn phá không hoạt động được... Một thảm họa nhân đạo chưa từng có đang hiện hữu ở Dải Gaza.

Điều chỉnh chiến lược

Áp lực trong nước và quốc tế đang đè nặng lên chính quyền của Thủ tướng B. Netanyahu. Phong trào phản chiến trong nước và quốc tế ngày càng lan rộng. Ngày 8/12/2023, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza. Ngày 12/12/2023, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết tương tự, kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức”. Ngày 11/1/2024, Israel bị kiện ra tòa tại Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) La Haye trước các cáo buộc nặng nề về “tội diệt chủng”.

Ngày 6/12/2023, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lần đầu tiên viện dẫn Điều 99 Hiến chương LHQ cho phép ông triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an để đưa ra cảnh báo coi chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza là đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ủng hộ và kêu gọi các thành viên EU hưởng ứng quyết định này.

Giữa Israel và Mỹ xuất hiện rạn nứt khi Tổng thống J. Biden cảnh báo Thủ tướng B. Netanyahu rằng, Israel đang mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì các vụ “đánh bom bừa bãi” và nên thay đổi chính phủ vốn do các đảng cực hữu thống trị. Tại Israel, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ở Tel Aviv đòi Thủ tướng B. Netanyahu từ chức vì không đưa được các con tin Israel về nước cũng như thất bại của các cuộc đàm phán trao đổi tù nhân.

Nội bộ chính quyền Israel xuất hiện nhiều bất đồng. Mới đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, thành viên Chính phủ khẩn cấp do Thủ tướng B. Netanyahu thành lập sau sự kiện 7/10/2023, đã tham gia các cuộc biểu tình ở Tel Aviv phản đối chính phủ và công kích cách ông B. Netanyahu xử lý vấn đề con tin ở Gaza.

Nhiều nhân vật đối lập, trong đó có các cựu Thủ tướng: Ehud Barak, Ehud Olmert, Yair Lapid, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman và nhiều quan chức cấp cao khác không tham gia chính phủ chiến tranh của Thủ tướng B. Netanyahu.

Trong bối cảnh như vậy, Israel đang buộc phải xem xét khả năng điều chỉnh chiến lược quân sự tại Gaza. IDF sẽ phải thu hẹp các hoạt động quân sự, giảm cường độ tấn công, giảm binh sĩ chiến đấu ở Gaza, chuyển sang tấn công các mục tiêu có chọn lọc và vào thời điểm thích hợp. Gần đây, Israel đã rút năm lữ đoàn và phần lớn quân khỏi Gaza.

Cùng với việc thu hẹp các hoạt động quân sự, Israel dự kiến thiết lập một vùng đệm bên trong lãnh thổ Gaza dọc theo biên giới Israel để ngăn chặn các cuộc tấn công của Hamas. Các lực lượng Israel được triển khai ít hơn nhiều so với hiện nay. Chiến lược này tạo ra một thực tế mới ở Gaza và sẽ giảm gánh nặng về chi phí và thiệt hại cho Israel.

Xung đột đang lan rộng

Xung đột tại Dải Gaza đang lôi kéo sự tham gia của các nước khu vực Trung Đông. Ngay khi bùng nổ, Mỹ đã đứng hoàn toàn về phía Israel, can dự trực tiếp, thông qua gói viện trợ khẩn cấp 14,2 tỷ USD, đưa hai tàu sân bay USS Gerald R. Ford và USS Dwight Eisenhower cùng các tàu hỗ trợ, đồng thời triển khai 2.000 quân tới khu vực.

Để “chia lửa” với Hamas, các tổ chức Hồi giáo ở Lebanon, Iraq, Syria, Iran... tăng cường đánh vào các lợi ích của Israel và Mỹ. Tại Lebanon, nhóm Hezbollah tấn công vào các vị trí của quân đội Israel ở phía Bắc. Đến nay, các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Hezbollah vào lãnh thổ Israel ngày càng mạnh mẽ hơn. Các lực lượng IDF của Israel đáp trả bằng đại bác và súng cối, thậm chí gần đây còn dùng xe tăng và máy bay trực thăng tấn công các cơ sở của Hezbollah ở miền Nam Lebanon. Mặt trận Hezbollah - Israel đã mở ra và tiếp tục leo thang. Tel Aviv lập kế hoạch tấn công miền Nam Lebanon nhằm đẩy các lực lượng Hezbollah tới sông Litani, cách xa biên giới Israel.

Tại Syria, không quân Israel liên tục ném bom các sân bay Damascus và Aleppo nhằm cắt đứt các kênh cung cấp vũ khí cho Hezbollah từ Iran. Đồng thời, Israel liên tục nã tên lửa vào các căn cứ của Hezbollah và lữ đoàn Quds của Iran đóng tại Syria. Đáp lại, các máy bay không người lái cảm tử được phóng đi từ Syria vào lãnh thổ Israel.

Tại Iraq, ngày 4/1/2023, “Phong trào kháng chiến Hồi giáo” ở Iraq đã tấn công vào ba căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria bằng tên lửa và máy bay không người lái. Phong trào Al-Nujaba tuyên bố cuộc tấn công này là nhằm đáp trả việc Mỹ ủng hộ Israel chống lại người Palestine ở Gaza.

Từ ngày 17/10/2023, các nhóm vũ trang thuộc tổ chức “Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq” thân Iran đã tiến hành 115 cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, trong đó có căn cứ quân sự Harir ở Iraq, căn cứ Qasrak, Al-Tanf và Al-Shaddadi ở Syria bằng máy bay không người lái. Họ tuyên bố tiếp tục tấn công các mục tiêu của Mỹ để trả thù cho các vụ thảm sát Israel gây ra đối với thường dân Palestine ở Gaza. Một căn cứ quân sự của Israel ở Cao nguyên Golan bị chiếm đóng và một số mục tiêu quan trọng của Israel ở Haifa bị các lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq tấn công bằng tên lửa tầm xa.

Trong lúc đó, Biển Đỏ dậy sóng. Lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tấn công vào các tàu chở hàng của Israel và các tàu của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Israel phải chấm dứt giao tranh ở Gaza. Từ 19/11/2023 đến nay, lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 30 cuộc tấn công vào các tàu thương mại của Israel và tàu Hải quân Mỹ.

Lấy lý do bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đỏ, Mỹ đã thành lập một liên minh quốc tế với sự tham gia của 12 nước, triển khai chiến dịch “Người bảo vệ Thịnh vượng”. Mỹ đưa tàu ngầm, tàu sân bay, Pháp và Anh đưa tàu chiến đến khu vực. Căn cứ hải quân hạm đội 5 của Mỹ ở Bahrain đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Đêm 12/1/2024, Mỹ, Anh, với sự hỗ trợ của Australia, Bahrain, Canada, Hà Lan và một số nước khác đã bắn tên lửa Tomahawk từ tàu chiến và tàu ngầm ở khu vực Biển Đỏ tấn công quy mô lớn lực lượng Houthi. Hơn 60 mục tiêu đã bị tấn công, trong đó có thủ đô Sana’a và các thành phố Hodeidah, Saada, Dhamar và Taiz. Lý do của hành động này được nêu ra là nhằm trả đũa việc lực lượng Houthi tấn công các tàu thương mại, đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đỏ.

Người phát ngôn của lực lượng Houthi, Yahya Saree, thề sẽ “đốt cháy toàn bộ khu vực” và tuyên bố mọi lợi ích của Mỹ và Anh sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp. Đây là cuộc đụng độ lớn nhất giữa lực lượng Houthi và Mỹ trong thời gian gần đây.

Tại Bờ Tây, bạo lực giữa các tay súng Palestine và Israel bùng nổ dữ dội. Người đứng đầu văn phòng chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh, mô tả những gì đang xảy ra ở Bờ Tây là sự leo thang hết sức nguy hiểm, không loại trừ khả năng tiến tới cuộc xung đột vũ trang lớn.

Chiến sự 100 ngày qua chứng tỏ việc tiêu diệt Hamas và giải thoát con tin bằng quân sự là một nhiệm vụ bất khả thi.

Hamas không chỉ là một lực lượng quân sự, mà còn là một tổ chức chính trị có hệ tư tưởng Hồi giáo và là cả một chính quyền giành được thắng lợi được trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2006 được người dân Palestine ở Gaza và nhiều nước ủng hộ.

Việc đưa các con tin Israel về nhà chỉ có thể đạt được thông qua ngừng bắn, chấm dứt đổ máu ở Dải Gaza và trở lại đàm phán. An ninh của Israel chỉ có thể được bảo đảm trên cơ sở thành lập một nhà nước Palestine độc lập tồn tại bên cạnh nhà nước Israel.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-israel-hamas-xung-dot-chua-hoi-ket-257868.html