Tình hình Libya: Ai Cập phát tín hiệu 'rậm rịch' tham chiến, LHQ vội vàng liên lạc, Nga nói gì?

Ngày 21/7, Liên hợp quốc (LHQ) đã liên lạc với các bên liên quan tại Ai Cập sau khi Quốc hội nước này thông qua quyết định cho phép đưa quân tham chiến ở nước ngoài, kể cả ở Libya.

Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric. (Nguồn: Libya Observer)

Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết, tổ chức này đã liên lạc với quan chức ở các cấp khác nhau nhằm tìm hướng giải quyết bởi thông điệp nhất quán của LHQ đối với tất cả các phe phái ở Libya, kể cả trong và ngoài nước, là không thể có giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng Libya và không thể có lựa chọn nào khác ngoài giải pháp chính trị.

Trước đó, ngày 20/7, Quốc hội Ai Cập đã nhất trí thông qua quyết định cho phép đưa quân tham chiến ở nước ngoài. Theo luật pháp hiện tại của Ai Cập, Tổng thống có thể tuyên chiến hoặc cử quân đi chiến đấu bên ngoài lãnh thổ nếu được sự nhất trí của Quốc hội.

Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Sisi tuyên bố, Cairo sẵn sàng giúp các tộc anh em Libya chống ngoại xâm thông qua các hoạt động đào tạo và cung cấp vũ khí. Ông Sisi cũng tuyên bố bất kỳ sự can thiệp nào của Ai Cập vào tình hình Libya từ nay sẽ hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Tuần trước, Tổng thống Sisi đã có cuộc họp tại Cairo với các lãnh tụ và bô lão của các tộc ở Libya. Tại đây, đại diện các tộc đã kêu gọi Ai Cập ủng hộ lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) giải phóng đất nước khỏi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận.

Liên quan tình hình Libya, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry đã điện đàm thảo luận về tình khu vực Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại Libya.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Hai bên tái khẳng định, không có phương án thay thế để giải quyết tình hình Libya ngoài thông qua đàm phán với sự tham gia của tất cả các bên ở Libya, phù hợp với việc thực thi các quyết định tại Hội nghị Berlin, được nêu bật trong nghị quyết 2510 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Hai ngoại trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "Tuyên bố Cairo" hôm 5/6 nhằm thúc đẩy nguyên tắc chủ chốt trong tiến trình Berlin với mục tiêu tổ chức một cuộc đối thoại nội bộ Libya để tạo ra các thỏa thuận về hòa giải Libya hậu xung đột, dựa trên sự cân bằng lợi ích giữa 3 khu vực lịch sử của nước này".

(theo Sputnik, THX)

Thế Việt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-libya-ai-cap-phat-tin-hieu-ram-rich-tham-chien-lhq-voi-vang-lien-lac-nga-noi-gi-119858.html