Tình hình Myanmar: Hết tiền!

Nếu cần tiền mặt ở Myanmar, bạn phải dậy rất sớm. Người ta xếp hàng bên ngoài các ngân hàng từ 4h sáng. Nhưng chỉ khoảng 15 hoặc 30 khách hàng đầu tiên nhận được một tích kê bằng nhựa, cho phép họ được vào ngân hàng khi nó chính thức mở cửa lúc 9h30 chỉ để rút tiền mặt.

Dòng người xếp hàng dài chờ rút tiền mặt tại cây rút tiền của CB Bank ở thủ đô Yangon, Myanmar. (Nguồn: Reuters)

Dòng người xếp hàng dài chờ rút tiền mặt tại cây rút tiền của CB Bank ở thủ đô Yangon, Myanmar. (Nguồn: Reuters)

Nếu không nhận được chiếc tích kê đó, bạn có thể phải xếp hàng hàng giờ cho một vài máy rút tiền ít ỏi đang hoạt động bên ngoài, hoặc đến các nhà môi giới chợ đen - những người sẽ đòi một khoản hoa hồng với "mức phí cắt cổ".

Cuộc khủng hoảng tiền mặt

Cuộc khủng hoảng tiền mặt giờ đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với người dân Myanmar, sau cuộc chính biến quân sự ngày 1/2.

Các ngân hàng đều thiếu tiền mặt. Ngân hàng Trung ương hiện được điều hành bởi một người do chính quyền quân sự bổ nhiệm, hiện chưa giải ngân lượng tài sản dự trữ mà họ đang nắm giữ của các ngân hàng tư nhân, mà không đưa ra bất kỳ lý do nào.

Ngay chính các ngân hàng này cũng đã bị đóng cửa hoặc mở cửa không liên tục do nhiều nhân viên đình công để phản đối cuộc chính biến. Trong khi đó, việc mất mạng internet khiến các giao dịch trực tuyến trở nên khó khăn và việc chuyển khoản quốc tế phần lớn đã ngừng hoạt động.

Tình hình kinh tế rối ren đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với người dân và các doanh nghiệp nhỏ Myanmar, khi họ phải cố gắng gượng, vùng vẫy trong một nền kinh tế đang xấu đi nhanh chóng, trong đó, có sự sụp đổ của ngành du lịch - một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế Đông Nam Á này. Đồng nội tệ Kyat của Myanmar đã giảm khoảng 20% giá trị kể từ cuộc chính biến.

Hnin Hnin, một nữ doanh nhân trẻ chuyên cung cấp dầu gội đầu và ga trải giường cho các khách sạn cao cấp chia sẻ, “rất khó để vận hành một doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Các nhà giao dịch hiện không chấp nhận chuyển khoản ngân hàng. Họ đều yêu cầu tiền mặt. Vì vậy, chúng tôi thực sự khan hiếm tiền mặt”.

Đó là lý do mà nữ doanh nhân này buộc phải trở thành một trong số hàng nghìn người xếp hàng hàng ngày trước một vài máy rút tiền ít ỏi còn đang hoạt động ở các thành phố lớn. Cô cho biết, một số người đã kết hợp với nhau thành nhóm khoảng năm người, như vậy, một người có thể lấy tiền cho cả nhóm.

Là người chuyên nhập khẩu hàng để phân phối trong nước, cô cũng buộc phải tìm cách thanh toán cho các nhà cung cấp của mình ở nước ngoài, bằng cách thực hiện một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với một đối tác có tài khoản ở Thái Lan. Theo thỏa thuận, đối tác cấp cho Hnin Hnin quyền truy cập vào tài khoản đồng Baht Thái của họ, để cô có thể sử dụng để thanh toán cho các nhà cung cấp ở Thái Lan và Hnin Hnin sẽ trả lại đối tác bằng các tờ tiền Kyat tại Myanmar.

Ngân hàng Trung ương và quân đội hiện không trả lời bất cứ câu hỏi nào do truyền thông yêu cầu về vấn đề này. Reuters cũng đã gửi câu hỏi tới 4 ngân hàng tư nhân lớn nhất của Myanmar, bao gồm Kanbawza Bank và CB Bank, nhưng đều nhận được lời từ chối.

Hiện tại, gần như không thể có được USD hoặc các loại ngoại tệ khác tại các trung tâm trao đổi thông thường ở Yangon. Thị trường giao dịch chợ đen có nhận thực hiện chuyển đổi trực tuyến nhiều loại tiền tệ khác nhau, nhưng mọi giao dịch đều phải cộng thêm khoản hoa hồng lên đến 10%.

Trước cuộc chính biến, các ngân hàng tư nhân Myanmar cũng đã gặp không ít khó khăn, trong đó có một phần do thói quen cho vay tiền đối với những khách hàng có mối quan hệ tốt – nhưng thường không trả nợ đúng hẹn. Đây là chia sẻ của ít nhất 4 quản lý ngân hàng, trong đó có cả Phó Thống đốc ngân hàng trung ương vào năm 2017.

Hệ thống ngân hàng tư nhân cũng gặp bế tắc với các khoản thế chấp bằng bất động sản ở Yangon - nơi giá nhà đất đã sụt giảm kể từ sau cuộc chính biến.

“Giờ đây, hệ quả của chính biến và các cuộc biểu tình là không còn hệ thống ngân hàng chức năng trong nền kinh tế", đó là nhận định toàn cảnh về tình hình tài chính Myanmar hiện nay của Richard Horsey – một nhà phân tích chính trị độc lập.

Theo vị chuyên gia này, hiện có 3 vấn đề lớn đối với hệ thống tài chính tiền tệ Myamar. Thứ nhất, là những vấn đề vốn đã tồn tại lâu nay đối với các ngân hàng, nay sẽ càng khó giải quyết hơn bao giờ hết. Thứ hai, tác động từ cuộc chính biến đã tạo ra một điểm dừng ảo đối với nền kinh tế mà các nhà lãnh đạo hiện tại chưa thể có bất kỳ khả năng nào để quản lý hoặc củng cố tình hình. Và sau cùng, chính là cuộc đình công trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong khi đó, mọi người hiện chỉ mong mỏi sớm rút được tiền mặt để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Ngoài ra, họ còn lo sợ hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Giá tăng 25% và tỷ lệ người nghèo tăng gấp đôi

Một số chuyên gia cho biết, cuộc khủng hoảng tiền mặt chỉ là dấu hiệu tức thời cho thấy nhiều vấn đề kinh tế sâu sắc hơn mà Myanmar đang phải đối mặt. Công ty nghiên cứu tài chính Fitch Solutions hồi tháng 4 dự báo, GDP của Myanmar sẽ giảm 20% vào năm 2021.

Còn Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hồi tháng trước phân tích, Myanmar sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ kinh tế do tác động tổng hợp của cả đại dịch Covid-19 và cuộc chính biến. Do đó, trường hợp xấu nhất là có thể khiến gần một nửa trong tổng dân số 54 triệu người của đất nước này rơi vào cảnh nghèo đói, so với khoảng 1/4 vào năm 2017.

Cũng với những dự liệu đó, trong báo cáo của UNDP có đoạn, “nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn, tỷ lệ người nghèo có thể tăng gấp đôi vào đầu năm 2022. Khi đó, cú sốc từ cuộc khủng hoảng sẽ dẫn đến thiệt hại đáng kể về tiền lương và thu nhập, đặc biệt là nhân lực của các doanh nghiệp nhỏ, giảm khả năng tiếp cận thực phẩm, cũng như các dịch vụ cơ bản và bảo trợ xã hội".

Trong khi đó, trong một phân tích được công bố vào tháng 4/2021, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết, sẽ có hàng triệu người đói trong những tháng tới.

Trên thực tế, một số nhân viên ngân hàng đã quay trở lại tiếp tục công việc trong vài tuần qua, nhưng các nhà phân tích tài chính cho rằng, tình trạng thiếu tiền mặt không thể giảm ngay lập tức.

Tại Yangon, thủ đô thương mại của đất nước, một nhà kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như trứng và dầu ăn chia sẻ, các sản phẩm này và nhiều mặt hàng nông sản khác bắt đầu trở nên khan hiếm đáng kể, thậm chí không còn đủ để cung cấp, tình hình buộc cô ấy phải tăng giá lên 25%.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế Myanmar cho biết, họ khá lo lắng về việc, nông dân sẽ không có khả năng tiếp cận hạt giống hoặc tín dụng trước mùa gieo trồng, vào khoảng tháng 6 tới. Hiện mùa vụ đã bị chậm và chắc chắn các tác động sẽ rất lớn trong vụ thu hoạch tới. Các nhà cung cấp đậu và chủ trang trại gà thậm chí không chắc liệu họ có thể bắt đầu một chu kỳ chăn nuôi mới hay không.

Một nhà kinh doanh lớn chuyên bao thầu lúa gạo từ hàng trăm nông dân Myanmar tiết lộ với Reuters, hiện anh ấy không có tiền mặt để mua gạo từ nông dân, điều này cũng đồng nghĩa nông dân không có tiền để mua công cụ sản xuất hoặc trả nhân công sản xuất. Thiếu tiền đã tạo ra một vòng luẩn quẩn bế tắc trong chính nền kinh tế.

Thậm chí, việc đóng cửa các chi nhánh ngân hàng trong hai tháng đầu tiên sau cuộc chính biến đã giảm được nguy cơ người dân đổ xô rút tiền tiết kiệm. Giám đốc một ngân hàng nói không dám nghĩ tới những trường hợp xấu nhất nếu các ngân hàng mở cửa, “thật là một điều tốt khi các chi nhánh vẫn chưa mở cửa hết".

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-myanmar-het-tien-145960.html