Tình hình tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiềm chế

Thành ủy Hà Nội đã có Báo cáo số 741-BC/TU về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đáng giá chung, trong 10 năm (2010-2020) thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 7-3-2011 của Thành ủy và Kế hoạch số 59/KH-UBND của UBND thành phố đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sâu rộng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, cơ bản đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, tạo được điểm nhấn mang tính đột phá thể hiện trên một số kết quả nổi bật: Công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH), góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự an toàn xã hội (ATXH), không để bị động, bất ngờ, xảy ra khủng bố, phá hoại, hình thành các tổ chức chính trị đối lập; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Thủ đô và đất nước.

Công tác quản lý nhà nước về ANTT đã có những chuyển biến tích cực, nhất là trong cải cách TTHC, quản lý nhân, hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân. Công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm về ANTT và công tác kiểm soát hành chính, kiểm tra tạm trú, tạm vắng tiếp tục được tăng cường. Trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị chuyển biến tích cực không để phát sinh phức tạp; giải quyết kịp thời tình trạng ùn, tắc, không để xảy ra đua xe, cổ vũ đua xe, gây rối trật tự công cộng. Các tụ điểm, điểm phức tạp đã xóa được duy trì, không để tái vi phạm trở lại. Các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống tội phạm như: Trụ sở, công cụ hỗ trợ... đã được quan tâm, đầu tư cơ bản. Nhiều mô hình tự quản đã phát huy hiệu quả tốt trong công tác phòng, chống tội phạm ở cộng đồng dân cư.

Việc quản lý, giáo dục đối với những người phạm tội được đặc xá, tha tù có hiệu quả, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng xã hội. Công tác phòng ngừa và chủ động tấn công trấn áp tội phạm tại các địa bàn phức tạp được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Công tác hoàn thiện thể chế về lĩnh vực tư pháp nói chung và các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới hiện nay được quan tâm, chú trọng hơn trước, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác. Kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện Hiến pháp, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và các chủ trương, đường lối của Đảng theo hướng mọi hoạt động trên địa bàn thành phố được thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thành phố về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật cơ bản đã bám sát tinh thần của Chỉ thị số 48-CT/TW, đáp ứng yêu cầu công tác, góp phần nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của người đứng đầu và các cơ quan, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm.

Việc giám sát thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dưới các hình thức như giám sát tại kỳ họp, giám sát gián tiếp qua thẩm tra báo cáo, chất vấn, tái chất vấn, giám sát về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật đối với các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp được tăng cường với phương châm: Trọng tâm, trọng điểm, rõ ràng, công khai và hiệu quả.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm đã có nhiều đổi mới về nội dung, đối tượng, hình thức phổ biến.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án đã được các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tiến độ, chất lượng giải quyết án được nâng lên, hạn chế việc giải quyết án, tạm giam, tạm giữ điều tra để quá hạn. Kết quả thực hiện cơ bản đạt những chỉ tiêu mà các nghị quyết của Quốc hội đề ra.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ti-nh-hi-nh-to-i-pha-m-ve-tra-t-tu-xa-ho-i-tren-di-a-ba-n-ha-no-i-co-ba-n-duo-c-kie-m-che-212508.html