Tình hình xoay chuyển khó lường, Nga rốt ráo bảo vệ 'di sản' ở Syria

Giữa thời điểm diễn biến về Syria có nhiều xáo trộn, Nga đang có những bước đi khẩn trương để bảo vệ thành quả ngoại giao của mình sau hội nghị bốn bên với Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga coi đây là thời điểm chín muồi để lôi kéo người châu Âu ủng hộ mình về vấn đề Syria.

Nga coi đây là thời điểm chín muồi để lôi kéo người châu Âu ủng hộ mình về vấn đề Syria.

Đặc phái viên Nga về vấn đề Syria Alexander Lavrentiev cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Vershinin và các quan chức cấp cao của bộ Quốc phòng Nga, đã có chuyến thăm và gặp mặt Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào ngày 6/11.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, hai bên đã trao đổi với nhau về tình hình hiện tại ở Syria với trọng tâm là thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về Idlib; sự hình thành của Ủy ban Hiến pháp; quá trình tái thiết và xây dựng nền tảng để đưa người tị nạn trở về.

Người Nga cũng thông báo với Syria về kết quả cuộc họp thượng đỉnh bốn bên ngày 27/10 tại Istanbul với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Pháp.

Các sứ giả của Nga tới Syria sau khi có chuyến thăm Tehran và có cuộc hội đàm với Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani.

Theo trang phân tích Al-Monitor, chương trình nghị sự mà người Nga thảo luận tại Tehran và Damascus phản ánh đầy đủ các hướng đi mà Moscow đang ưu tiên ở Syria, giữa bối cảnh có một số diễn biến mới khó lường hơn.

Thay đổi mới

Thứ nhất, trong thời gian chờ đặc phái viên mới của Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria - nhà ngoại giao Na Uy Geir Pedersen – bắt đầu đảm đương nhiệm vụ, Nga cần đảm bảo các sáng kiến riêng của mình đi đúng hướng và được công nhận bởi các người chơi quan trọng khác trong khu vực, trước khi đặc phái viên cũ là Staffan de Mistura rời vị trí vào cuối tháng 11.

Do đó, Nga đã yêu cầu chính quyền Assad cần đẩy nhanh sự hình thành của Ủy ban Hiến pháp trong chuyến thăm của phái đoàn cấp cao đến Damascus. Còn tại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov và Sergey Ryabkov đã tham gia vào một hoạt động ngoại giao khẩn trương, khi gặp gỡ các đại sứ của hầu như tất cả các nước Trung Đông trong bốn ngày qua.

Trong một ngày, Thứ trưởng Bogdanov đã hội đàm với Đại sứ Saudi Raed bin Khaled Qarmali và Đại sứ Syria Riyad Haddad, trong khi Thứ trưởng Ryabkov có cuộc gặp với Đại sứ Iran Mehdi Sanaei. Ngày hôm sau, ông Bogdanov cũng thảo luận về vấn đề Syria và vùng Vịnh với Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash.

Với việc Tổng thống Vladimir Putin đang nắm lấy lợi ích từ các cuộc đàm phán bốn bên với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức, nhiều người tin rằng Moscow đang tìm cách hợp nhất hai tiến trình hòa bình chủ chốt ở Syria là Astana và Nhóm làm việc về vấn đề Syria thành làm một.

Nga đã tỏ ra cảnh giác khi Nhóm làm việc về vấn đề Syria được thành lập hồi đầu năm nay với sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Saudi Arabia, Ai Cập và Jordan. Theo đó, Moscow tin rằng nhóm này được thiết lập chủ yếu để phá hoại những nỗ lực của bộ ba Astana (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran).

Quan hệ Nga-Mỹ sẽ gặp khó sau cuộc bầu cử giữa kỳ.

Hiện tại, khi cách hoạt động của Nhóm làm việc về vấn đề Syria đang tỏ ra không hiệu quả và Mỹ đang cho thấy sự thiếu khả năng đoàn kết các thành viên - Moscow tin rằng đây là các điều kiện chín muồi để thu hút các quốc gia châu Âu - những người sẵn sàng nắm lấy tay Nga vì những lợi ích riêng.

"Sự thiết lập của nhóm này được tạo ra để phá vỡ các hoạt động của chúng tôi, và để ngăn chặn chương trình nghị sự chính trị", một nhà ngoại giao cấp cao của Nga về vấn đề Trung Đông nói với Al-Monitor.

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh, về cơ bản nhóm này không có ảnh hưởng gì ở Syria. Với việc Anh và Mỹ đang bắt đầu hợp tác với Nga, các thành viên khác cũng có thể làm như vậy.

Bộ ba Astana rất quan trọng trong việc cân bằng quyền lực cho chính quyền Assad, nhưng hiện tại, khi cuộc xung đột đã chuyển từ quân sự sang chính trị, một liên minh rộng lớn hơn với người châu Âu là cần thiết, vì Nga cần sự công nhận và tài chính đến từ các quốc gia này.

Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ

Chuyến thăm của phái đoàn ngoại giao Nga đến Damascus diễn ra cùng lúc với thời điểm Moscow tiến hành động thái củng cố vị thế quân sự của mình trên bờ biển Syria.

Vào ngày 5/11, Nga đã gửi một tàu khu trục mới, mang theo các tên lửa hành trình Kalibr tầm xa đến Địa Trung Hải. "Tàu khu trục sẽ hoạt động trong lực lượng của Nga có mặt ở Địa Trung Hải", tuyên bố từ bộ Quốc phòng nước này cho hay.

Trong quá khứ, Nga thường xuyên phóng tên lửa từ các tàu ngầm và tàu khu trục ở Địa Trung Hải để hỗ trợ các lực lượng quân đội Syria tấn công khủng bố.

Đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Putin từng tuyên bố rằng,các tàu mang tên lửa hành trình sẽ ở hiện diện cố định ở vùng biển Địa Trung Hải nhằm chống lại "mối đe dọa khủng bố ở Syria” và động thái này cũng được giới phân tích nhận định là để bảo vệ Syria trước một cuộc tấn công tiềm năng từ bên ngoài.

Kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ đã chứng kiến sự trở lại nắm quyền kiểm soát Hạ viện của đảng Dân chủ - một diễn biến được cho là sẽ ảnh hưởng đến Nga nhiều hơn trước đây.

Moscow cho rằng các lệnh trừng phạt mới đến từ Quốc hội Mỹ sẽ cao hơn và dự kiến những hợp tác giữa chính quyền Donald Trump với Điện Kremlin sẽ gặp sóng gió - bao gồm cả những vấn đề vốn đang tiến triển thuận lợi, chẳng hạn như Syria.

Do đó, hiện tại, Moscow tin rằng việc duy trì cách tiếp cận của riêng mình là một con đường hợp lý.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tinh-hinh-xoay-chuyen-kho-luong-nga-rot-rao-bao-ve-di-san-o-syria-a410320.html