Tĩnh mịch chuyến phà đêm

Miền sông nước An Giang xưa giờ gắn bó với những chuyến đò, sau này nâng cấp lên thành phà. Nhưng dù đi đò hay đi phà, thì ký ức của chuyến sang sông, chòng chành sóng nước trong đêm vẫn khó phai nhạt.

Gần 20 năm công tác ở TP. Long Xuyên, anh Nguyễn Văn Trường ngày 2 buổi qua lại bến phà An Hòa. Trời chưa tỏ mặt người, anh đã kiên nhẫn đợi bên bờ Chợ Mới, chuẩn bị tâm thế bắt đầu ngày làm việc mới. Thời điểm giao thời sáng và tối, ngày và đêm, phà đi rất chậm.

Hôm nào phải tập trung ở cơ quan để đi công tác gấp, anh đến bến phà trước 4 giờ, sốt ruột nhìn chiếc phà chậm rãi tách bến, chậm rãi sang sông, chậm rãi rước mình. Trễ một nhịp phà, phải chờ đợi mấy chục phút nữa.

Chuyến về, anh thong thả hơn. Được bữa ít việc, vừa hoàng hôn, anh chạy một mạch xuống phà, mong chờ bữa cơm nhà nóng hổi. Nhưng đa phần, anh về trễ, bởi công việc quấn thân, bởi khách khứa bạn bè.

“Có lúc, gần 10 giờ khuya tôi mới trở về. Vất vả suốt ngày rồi, lúc đó chỉ mong mau mau qua phà, chạy về trước giờ con gái ngủ, hỏi chuyện, đùa giỡn với con một chút. Tính bình quân, mỗi ngày tôi mất ít nhất 1 giờ qua phà. Cộng nhiều ngày lại, những chuyến phà trở thành một phần cuộc sống của tôi, không thể nào tách rời. Dĩ nhiên, chúng làm mất thời gian, khá bất tiện, nhưng phải chấp nhận bởi đây là lựa chọn của tôi” - anh Trường tâm sự, buông ánh nhìn xa xăm vào màn đêm.

Tôi hiểu cảm giác của anh, vì bản thân nhiều lần trở về trên chuyến phà đêm, nghe mệt nhọc thấm vào từng bộ phận cơ thể. Chuyến phà như một trạm dừng nghỉ ngắn. Mọi người rời khỏi xe, buông tay lái, uống vội chút nước, nghe gió sông vuốt ve tâm tình. Mỗi phút giây trôi qua, lại tự nhắc mình: Phà gần cặp bờ, đường về nhà gần hơn một chút rồi. Không giống chuyến phà ban ngày hay tảng sáng, trên chuyến phà đêm, người mua kẻ bán ít hẳn, tiếng lao xao chuyện trò không đủ lớn át tiếng nước vỗ oàm oạp 2 bên mạn phà.

Càng về khuya, những chuyến phà càng thưa, càng chậm chạp rời bến, bởi người qua lại vắng dần. Anh Tân Thanh Long (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chia sẻ, ở bến phà Trà Ôn (nối bờ phường Bình Đức - xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), 12 tiếng ban ngày có thể chạy đến 40 tua.

Nhưng từ 18 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, chỉ còn dưới 30 tua. Từ 18 đến 20 giờ, 3 tổ phà cùng hoạt động, bởi lượng khách vẫn khá đông. Sau 20 giờ, 1 tổ phà nghỉ ngơi, sau 22 giờ, thêm 1 tổ nghỉ ngơi nữa. Nghĩa là, từ 22 giờ đến sáng hôm sau, chỉ có 1 tổ phà (thay đổi luân phiên) lặng lẽ hoạt động. Khi vắng khách, phà neo đậu nghỉ ngơi. Không quá 15 phút, lại bắt đầu rời bến, sang bên kia. Mỗi tua (chạy đi - về) ban đêm mất nhiều thời gian hơn ban ngày.

Sở dĩ anh Long biết rõ, là vì cả chục năm nay gắn bó với nghề lái phà, với vai trò thuyền trưởng. Công tác lâu, anh quen nghề, quen việc, quen cả khúc sông nhỏ xíu - hễ quay đầu là mũi phà suýt chạm vào bờ bên kia.

“Ban đêm, chúng tôi phải hết sức tập trung, chú ý quan sát xung quanh. Phà băng ngang sông, sợ vướng víu xuồng ghe qua lại. Chưa kể, thời tiết, con nước khi vầy khi khác, phải tùy theo tình hình thực tế để điều khiển phà phù hợp” - anh Long chia sẻ.

Nói thì nhẹ tênh, chứ những thuyền trưởng như anh, vất vả trăm bề. Mỗi tuần, anh trực đêm 2 - 3 hôm. Từng chuyến phà đêm vắt kiệt sức lực của anh và đồng nghiệp. Giữa khoảng lặng của tua chạy, họ cùng nhau uống một ít cà-phê, chống chọi với cơn buồn ngủ. Từ 1 - 2 giờ sáng, cái ngủ len sâu từng tế bào. Tới giờ phà chạy, họ vốc ít nước lên mặt, nhờ dòng nước mát xua tan cảm giác mệt mỏi.

Nghề đủ chuyện vui buồn, như lời anh Long kể: “Khách đi phà ban đêm nhiều lý do lắm. Có người đi làm về trễ, có người đi công chuyện đột xuất, có người lại đi chơi, đi nhậu mới xong. Gặp mấy ông xỉn là chúng tôi rầu lắm. Họ đòi phà chạy liền, chạy nhanh lên, chứ không kiên nhẫn chờ như khách bình thường. Gặp trường hợp như vậy thì chín bỏ làm mười, việc mình mình làm”.

Ở góc phà Châu Giang, bờ Châu Đốc, mấy mươi năm bà Hoa bán quán cà-phê cho khách qua lại. Nhà khá giả, con cháu trưởng thành, công ăn việc làm ổn định, nhưng người phụ nữ hơn 60 tuổi này vẫn thích thức khuya dậy sớm, bày bán nước giải khát trước cửa nhà.

Mỗi lần gặp tôi, bà Hoa lại niềm nở hỏi thăm: “Sao bữa nay con lại đi phà sớm vậy?”. Bà pha cho tôi ly cà-phê sữa đúng khẩu vị, tặng kèm ly trà nóng thơm phức. Vị ngọt ngào của sữa, vị đắng của cà-phê, cái lạnh của chúng cộng với cái nóng của trà đánh thức mọi giác quan của người còn ngái ngủ, của người lỡ đường ban sáng như tôi.

Giờ này, nhân viên bến phà, mấy chú chạy “xe ôm” bắt đầu ghé mua cà-phê “cho đỡ buồn ngủ”. Giữa những ly nước pha đều tay, bà Hoa kể cho tôi nghe chuyện nhà, chuyện con cái, chuyện người quen. Bà thuộc lòng tên khách quen, hay ghé quán lúc trời còn mù tối. Bà nhớ khẩu vị, món uống yêu thích của từng người. Bà nhớ luôn chuyện gia đình, chuyện đời họ từng tâm sự.

“Lớn tuổi, nếu cứ ở trong nhà hoài, dễ sinh buồn bực lắm. Bởi vậy, tôi dọn quán, bán từ 4 giờ đến tận trưa. Gặp người này người kia trò chuyện, giúp họ có nước uống, mình cũng khuây khỏa phần nào” - bà Hoa cười rất hiền, giọng nói mềm mỏng rơi xuống buổi sáng sớm tĩnh mịch..

VẠN LỘC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tinh-mich-chuyen-pha-dem-a365474.html