Tính năng khiến tôi trở thành fan của iPhone

Định dạng ProRaw tiên tiến giúp iPhone trở thành chiếc điện thoại tốt nhất dành cho những người đam mê nhiếp ảnh.

Zing News lược dịch bài viết của phóng viên Cnet Stephen Shankland, người rất ấn tượng với chất lượng định dạng ảnh ProRaw được Apple giới thiệu cùng thế hệ iPhone 12 Pro.

ProRaw là một trong những điểm khiến tôi dần bỏ rơi chiếc Pixel của mình. Tôi vẫn thích nó, nhưng ngày càng thường xuyên dùng iPhone 12 Pro Max để chụp ảnh.

Smartphone cao cấp của Apple gây ấn tượng bằng cụm camera kết hợp 3 ống kính tele, góc rộng và siêu rộng. Tuy nhiên, sự tiện lợi của ProRaw khi chụp và chỉnh sửa ảnh mới là điểm thu hút tôi mạnh mẽ nhất.

Cụm camera 3 ống kính kết hợp định dạng ProRaw mang đến khả năng chụp ảnh vượt trội cho iPhone 12 Pro Max. Ảnh: Digital Camera World.

Công nghệ ProRaw đáp ứng tốt nhu cầu của tôi hơn các định dạng JPEG hoặc HEIC, tiêu chuẩn trên hầu hết smartphone khác.

Định dạng mới mang đến lợi thế cho Apple. Sau một thời gian dài, giờ đây iPhone có khả năng chụp ảnh vượt trội hơn thiết bị của Google - công ty nổi tiếng với việc dùng phần mềm xử lý hình ảnh trên smartphone.

Giành vị trí dẫn đầu từ Google

Google xứng đáng được ghi công cho các thuật toán chụp ảnh tiên tiến, bù đắp thiếu sót của camera trên smartphone. Họ đã biến điện thoại trở thành một lựa chọn tốt cho những người đam mê nhiếp ảnh như tôi, vốn quen với việc mang theo máy DSLR.

Một trong những công nghệ Google mà tôi yêu thích là Computational Raw, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ProRaw. Kể từ khi ra mắt cùng Pixel 3, nó đã đánh bại camera của iPhone.

Với tính năng này, ảnh chụp từ cảm biến nhỏ bé trên điện thoại có chất lượng vượt ngoài những gì tôi nghĩ tới.

Lợi thế về phần cứng giúp ảnh raw trên iPhone 12 Pro Max có nhiều thông tin hơn Pixel 5. Ảnh: iPhoneHacks.

Năm ngoái, Apple giới thiệu định dạng ảnh ProRaw cùng với iPhone 12 Pro và 12 Pro Max. Trong khi đó, có vẻ Google giảm bớt sự tập trung vào tính năng nhiếp ảnh di động. Họ ra mắt Pixel 5 chỉ với camera góc rộng và siêu rộng, thiếu ống kính tele như các mẫu iPhone 12 Pro.

So về giá bán, thiết bị cao cấp nhất của Apple khởi điểm 1.099 USD, gần gấp đôi so với Pixel 5 (699 USD). Pixel có vẻ là lựa chọn tốt cho nhiều người. Tuy nhiên, tôi lại cần camera tele 2,5x trên iPhone 12 Pro Max.

ProRaw của Apple hoạt động tốt với zoom quang học 2,5x. Ngược lại, computational raw của Google có độ phân giải thấp hơn vì sử dụng thủ thuật toán phóng đại Super-Res Zoom.

Tôi cũng quan tâm đến camera zoom 3x và 10x trên Galaxy S21 Ultra nhưng Samsung lại không cung cấp khả năng chụp ảnh raw từ những camera này.

Lợi thế của ProRaw

Ưu điểm lớn nhất của ProRaw là mang đến sự linh hoạt tương tự ảnh chụp từ máy DSLR và không gương lật cao cấp của Sony, Nikon hay Canon.

Thông thường, để tạo định dạng JPEG hoặc HEIC nhỏ gọn, máy ảnh bỏ bớt những thông tin mà nó nghĩ người dùng không cần.

Ảnh JPEG (bên phải) thiếu độ sâu trường ảnh so với ProRaw (bên trái). Ảnh: Cnet.

Trong khi đó, ảnh raw nhiều dữ liệu gốc hơn. Apple - cũng như Google - đóng gói thông tin ảnh raw bằng định dạng DNG do Adobe phát triển.

Tôi đã bắt đầu chụp ảnh raw bằng máy DSLR từ nhiều năm trước để kiểm soát tốt độ phơi sáng và màu sắc. Tôi có thể tinh chỉnh chi tiết vùng bóng tối, làm sáng vùng sáng và chỉnh sửa màu sắc theo sở thích của mình.

ProRaw của Apple mang lại cho tôi sự tự do đó trên nhiếp ảnh di động. Ảnh raw thông thường từ smartphone bị giới hạn bởi dữ liệu được chụp trong một ảnh duy nhất.

Tuy nhiên, ProRaw kết hợp nhiều khung hình thành một với Smart HDR của Apple, cung cấp khoảng sáng rộng hơn và nhiều chi tiết hơn JPEG hoặc HEIC.

Định dạng này cũng áp dụng công nghệ Deep Fusion của Apple, phân tích từng pixel để giảm nhiễu, trong khi vẫn giữ được kết cấu và màu sắc.

Lợi ích thứ hai là tính linh hoạt của màu sắc. Máy ảnh tìm cách tốt nhất để bù đắp các sắc thái như màu xanh đậm của cảnh bị che khuất hoặc màu cam ấm áp của bình minh và hoàng hôn.

ProRaw lưu giữ nhiều thông tin về màu sắc, cho phép tôi làm nóng tông màu của khuôn mặt bị che khuất, giúp ảnh không nhợt nhạt.

Ảnh chụp tại núi Sangre de Cristo. Bên trái là định dạng ProRaw, trông tự nhiên hơn ảnh JPEG bên phải. Ảnh: Cnet.

Một lợi thế lớn khác của ProRaw liên quan đến các thuật toán làm đẹp trên iPhone. Tôi thấy rằng việc làm sắc nét của Apple thường đi quá xa, biến những cảnh có nhiều hình ảnh thành một mớ hỗn độn. Khi chỉnh sửa hình ảnh ProRaw, tôi có thể thay đổi thông số này.

Hạn chế của ProRaw trên iPhone

Tôi không phiền lòng vì Apple mặt định tắt chế độ chụp ảnh raw, chỉ kích hoạt thông qua cài đặt. Trên thực tế, đa số người dùng iPhone không có thời gian để chỉnh sửa ảnh như tôi hoặc họ cũng không có nhu cầu.

Tuy nhiên, việc vừa phải nheo mắt dưới ánh Mặt Trời, vừa nhìn vào màn hình iPhone để bật chế độ chụp ProRaw khá bất tiện. Đã vài lần tôi bỏ lỡ ảnh raw vì điều này.

Thao tác kích hoạt chế độ chụp raw trên iPhone bất tiện hơn Pixel 5. Ảnh: Cnet.

Tôi muốn Apple cho phép xuất ra cả ảnh raw và JPEG trong cùng một lần chụp, giống như tính năng trên Google Pixel. Apple chọn chỉ một trong hai, nhưng tôi thích sự linh hoạt hơn.

Một lý do khiến tôi vẫn dùng Pixel 5 là camera của nó khởi động rất nhanh. Chỉ cần nhấp đôi vào nút nguồn là máy ảnh đã sẵn sàng. Quá trình này có thể thực hiện ngay khi máy còn nằm trong túi.

Với iPhone, người dùng cần nhấn vào biểu tượng camera trên màn hình khóa. Thao tác này chậm hơn.

Dù vậy, sự linh hoạt của ProRaw kết hợp với 3 camera trên iPhone 12 Pro khiến tôi luôn chọn điện thoại này để chụp cảnh thiên nhiên, gia đình hoặc các đối tượng khác. Thật tuyệt khi smartphone đang dần lấn sân sang lĩnh vực từng là “lãnh địa” độc quyền của máy ảnh cao cấp.

Thử thách camera của iPhone 12 Pro Max Một số thử thách dành cho camera của iPhone 12 Pro Max gồm: tính ổn định khi video trong lúc di chuyển, chất lượng hình ảnh Facetime, chụp tranh tường nghệ thuật và chụp ảnh đêm.

Nguyễn Hiếu

Theo Cnet

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-nang-khien-toi-tro-thanh-fan-cua-iphone-post1189813.html