Tỉnh nào gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm xử lý môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy

Đó là một trong những kiến nghị được các đại biểu tham dự phiên họp thứ 10 của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy (về tổng kết thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực các sông này) thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Phiên họp được tổ chức chiều ngày 19/11 tại TP Nam Định...

Đại diện Văn phòng Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy báo cáo tình hình ô nhiễm tại lưu vực sông này.

Lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng, có diện tích tự nhiên 7.388 km2, bao gồm gồm một phần của TP Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình.

Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, qua các số liệu đã thu thập, phân tích, trong giai đoạn 2017-2018, môi trường nước lưu vực hai con sông này tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, gồm ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.

Chất lượng nước ở sông Nhuệ luôn ở mức thấp, nhiều đoạn nước sông bị ô nhiễm nặng, giá trị WQI (chỉ số chất lượng nước) thấp dưới giá trị 25, điển hình là đoạn chảy qua địa phận TP Hà Nội. Mức độ ô nhiễm đặc biệt cao vào các tháng mùa khô.

Báo cáo tại hội nghị cũng cho biết, theo thống kê nguồn thải, hiện tại lượng nước thải chủ yếu vào lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy là nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, chiếm hơn 65%. Trong đó, mỗi một ngày đêm, TP Hà Nội thải ra sông Tô Lịch 150.000 m3 nước thải chưa qua xử lý, theo nguồn tiếp nhận đi thẳng vào sông Nhuệ, sông Đáy. Phần còn lại là nước thải từ các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...

Phản ánh thực tế tại phiên họp, đại diện TP Hà Nội cho hay, qua rà soát năm 2017, tại 21/30 quận huyện của thành phố đang có tới 187 điểm đen, khu vực bức xúc về môi trường, trong đó có 162 điểm đen tại các quận, huyện thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Quang cảnh phiên họp.

Đại diện tỉnh Hà Nam cho biết, vào cuối năm 2017,đầu năm 2018, trong thời gian gần 2 tháng đã xảy ra ô nhiễm môi trường liên tỉnh trên lưu vực sông này. Cùng với đó, nạn khai thác cát trái phép diễn ra rất phổ biến.

Trong khi đó, theo đại diện tỉnh Hòa Bình, hiện địa bàn tỉnh này chưa có bãi chôn lấp hoặc khu xử lý rác thải hợp vệ sinh. Tỉnh có sử dụng lò đốt rác cỡ nhỏ nhưng hiệu quả xửlý không cao. Đại diện tỉnh Nam Định phản ánh hầu hết nước thải của các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý gây ô nhiễm nước mặt, không khí trong làng nghề và khu vực lân cận...

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất nhiều kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, UBND 5 tỉnh, thành phố trong lưu vực.

Trong đó, kiến nghị thời gian tới Thủ tướng Chính phủ cho phép lồng ghép hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy vào Ủy ban lưu vực sông mới do Bộ TN-MT đề xuất.

Chỉ đạo các Bộ liên quan bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt.

Ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ, sông Đáy. Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương trên lưu vực theo hướng hợp tác công-tư, xã hội hóa và địa phương nào gây ô nhiễm chính phải chịu trách nhiệm trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông...

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/tinh-nao-gay-o-nhiem-phai-chiu-trach-nhiem-xu-ly-moi-truong-luu-vuc-song-nhue-song-day-tintuc423076