Tình người ấm áp nơi 'xóm chạy thận' những ngày giáp Tết

Tết đã cận kề, mặc dù không được đủ đầy, sung túc, nhưng những bệnh nhân tại 'Xóm chạy thận' tại hẻm nhỏ đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Thanh Hóa, đều có kế hoạch cho riêng mình.

Một cái Tết đúng nghĩa với những bệnh nhân chạy thận giờ chỉ còn lại trong ký ức, tuy nhiên họ luôn lạc quan, nương tựa vào nhau để chiến đấu với bệnh tật. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Một cái Tết đúng nghĩa với những bệnh nhân chạy thận giờ chỉ còn lại trong ký ức, tuy nhiên họ luôn lạc quan, nương tựa vào nhau để chiến đấu với bệnh tật. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Chiều ngày cuối năm - khi không khí Tết đã về đến từng con ngõ, nếp nhà, nhưng với những bệnh nhân chạy thận đang trọ tại hẻm nhỏ đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Thanh Hóa, Tết vẫn còn xa lắm.

Không thể sống xa bệnh viện được 2 ngày, nên hầu hết những bệnh nhân chạy thận này đều phải đón Tết xa gia đình, xa người thân. Mỗi người một hoàn cảnh, một quê hương, nhưng khi Tết đến Xuân về, những con người đồng cảnh ngộ đã xích lại gần nhau, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau để tiếp tục chiến đấu giành lại sự sống.

Sở dĩ xóm có tên “xóm chạy thận” vì chẳng biết từ bao giờ, các bệnh nhân mắc bệnh thận đã rủ nhau sống quây quần, đùm bọc như một đại gia đình.

Xóm có 14 phòng nhưng chỉ có 10 phòng có người, 4 phòng khác đã xuống cấp nên không có người ở; trong đó có 8 phòng là những bệnh nhân suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống.

Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8m2, tồi tàn, ẩm thấp. Vừa trải qua 4 tiếng chạy thận tại Bệnh viện trở về xóm trọ, ông Lang Văn Bắc, 70 tuổi, trú tại xã Bát Mọt (Thường Xuân) khá mệt mỏi. Cũng may đồng hành cùng ông trong những ngày này luôn có bà Lang Thị Thương, 62 tuổi - vợ ông, nên những nhọc nhằn cũng được san sẻ bớt.

“Năm nay, lịch chạy thận của ông Bắc vào đúng ngày mùng 1 Tết nên hai ông bà lại đón thêm 1 cái Tết nữa xa gia đình, xa người thân. Biết là tủi thân, thiếu thốn trăm bề, nhưng đây là căn bệnh không hẹn ngày về nên hai vợ chồng luôn động viên cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để giành lại sự sống,” bà Lang Thị Thương chia sẻ.

Khuôn mặt hằn sâu những mệt mỏi, lo toan, đôi cánh tay chi chít vết kim tiêm, ông Lang Văn Bắc tiếp lời vợ: "Lúc mới bệnh, tôi cứ sợ không sống nổi vì bi quan và mặc cảm. Nhưng khi vào xóm trọ này, rất nhiều người đồng cảnh ngộ, đều gắn đời mình với chiếc máy chạy thận, trải qua những năm tháng còn lại của cuộc đời ở nơi không phải là nhà. Bởi vậy, nỗi nhớ cũng dần nguôi ngoai."

Căn phòng của ông bà thuê mỗi tháng 500.000 đồng, trống trải, chẳng có đồ đạc gì ngoài chiếc bếp ga mini và nồi cơm điện, nhưng lại là nơi rộn ràng, đông vui nhất xóm.

Vì đây là căn phòng trung tâm, mỗi khi chạy thận về, mọi người lại tụ tập nói chuyện, kể cho nhau nghe những câu chuyện của đời, của người rồi của chính mình...

Trong những câu chuyện đó, có những lời hỏi thăm, quan tâm, động viên, có sự sẻ chia khó nhọc hằng ngày. Khi thành viên trong xóm gặp khó khăn, gia đình chưa kịp gửi tiền, mọi người lại chia nhau củ khoai, miếng thịt, san sẻ hộp sữa, cái bánh...

Không được may mắn như ông Lang Văn Bắc có người bạn đời đồng hành trong những ngày tháng chiến đấu với bệnh tật, hoàn cảnh của ông Lê Văn Ý (quê huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) éo le hơn. Năm 2014, vợ ông lâm bệnh nặng rồi qua đời để lại cho ông 4 cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Năm 2015, ông phát hiện bị suy thận nặng nên phải nhập viện điều trị. 3 năm đầu, còn sức khỏe nên để đỡ chi phí, ông thường đạp xe lên viện, chạy thận xong lại đạp xe về.

Tuy nhiên hai năm nay, ông về trọ ở xóm nhỏ này vì sức khỏe giảm đi nhiều, không thể thường xuyên đi lại.

Hoàn cảnh của ông Lê Văn Ý (quê huyện Triệu Sơn) éo le hơn, khi suốt 5 năm một mình chiến đấu dành lại sự sống mà không có người thân bên cạnh chăm sóc. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

“Số phận tôi không may, khi người bạn đời bỏ đi trước. Giờ ốm đau, bệnh tật, chỉ có một thân một mình. Cũng may ở xóm nhỏ này, mọi người đều đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Người khỏe giúp người ốm, cùng nương tựa vào nhau mà sống. Mỗi lần sức khỏe giảm sút, không thể tự phục vụ được, mọi người trong xóm, mỗi người giúp mỗi việc...," ông Ý nghẹn ngào chia sẻ.

Tết đã cận kề, mặc dù không được đủ đầy, sung túc, nhưng những bệnh nhân tại “Xóm chạy thận” này cũng đều có kế hoạch cho riêng mình. Đa số đều tranh thủ về trước Tết 1, 2 ngày để đoàn tụ gia đình, sau đó mang Tết ở quê nhà lên góp vui với xóm trọ. Người mang cành đào, người mang cây quất, cặp bánh chưng, cân gạo nếp, vài lạng thịt, hoa quả các loại…

“Dù khó khăn thiếu thốn nhưng 2 năm đón Tết tại xóm trọ này, năm nào chúng tôi cũng có bánh chưng, gạo, thịt các loại do mọi người mang ở quê lên và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Coi xóm trọ như căn nhà thứ 2 của mình nên năm nào cũng vậy, đến thời khắc Giao thừa, cả xóm đều thức, thắp nén hương cho ấm cúng, rồi cùng quây quần bên nhau, gửi đến nhau lời chúc năm mới nhiều sức khỏe…,” bà Lang Thị Thương chia sẻ thêm.

Một cái Tết đúng nghĩa với những bệnh nhân chạy thận giờ chỉ còn lại trong ký ức. Tuy nhiên ở nơi không phải là nhà này, họ vẫn được đón Tết ấm cúng trong tình thân, sự đùm bọc, sẻ chia của những người cùng chung cảnh ngộ. Năm mới sắp đến, những bệnh nhân ở đây chỉ mong ước bớt được khó khăn, vui vẻ, yêu đời để thêm sức khỏe “chiến đấu” với bệnh tật./.

Khiếu Tư (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tinh-nguoi-am-ap-noi-xom-chay-than-nhung-ngay-giap-tet/619730.vnp