Tình người bao dung ở nơi cái gì cũng thiếu

Phim tài liệu Người truyền cảm hứng vừa ra mắt của Điện ảnh Quân đội nhân dân (biên kịch: Nguyễn Vân Anh, đạo diễn: Hà Xuân Trường) đã truyền tải những thông điệp ý nghĩa xung quanh câu chuyện của thượng úy Trần Bình Phục, Đồn biên phòng Hòn Chuối, người đã có gần 10 năm gắn bó với lớp học tình thương trên đảo.

Những cảnh trong bộ phim tài liệu “Người truyền cảm hứng”

Bằng tình thương yêu và những nỗ lực không mệt mỏi, người thầy mang quân hàm xanh ấy đã thắp lên biết bao hy vọng cho người dân, chắp cánh ước mơ cho những em học sinh ở đảo được đi học, được vào đất liền tiếp tục theo đuổi ước mơ học lên những lớp cao hơn.

Phải giúp bọn trẻ

Phía sau những nỗ lực đó là cả một câu chuyện thấm đẫm tình người, mang tính nhân văn sâu sắc. Trước khi ra đảo công tác tại Đồn biên phòng Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), thượng úy Trần Bình Phục đã trải qua những ngày tháng thật khó khăn khi chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo. Năm 2007, bác sĩ kết luận anh bị K bạch huyết và lao. Sau 2 năm điều trị, sức khỏe hồi phục, việc đầu tiên anh Phục muốn làm là xin chuyển công tác ra đảo Hòn Chuối, mặc cho bao lời can ngăn.

Thượng úy Phục kể, anh từng có dịp đến Hòn Chuối trước đó nhiều năm và chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của những đứa trẻ trên đảo, anh vẫn muốn làm điều gì đó cho các em và người dân nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc này. Với mong muốn đó, sau những tháng ngày chiến đấu vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, thượng úy Trần Bình Phục tiếp tục mang con chữ đến với những đứa trẻ nơi đảo tiền tiêu Hòn Chuối. Anh đã vẽ nên cho các em bức tranh về cuộc đời với những gam màu tươi sáng hơn. Người chiến sĩ mang quân hàm xanh ấy đã truyền đi thông điệp và cảm hứng về cuộc đời sống đẹp.

Hòn Chuối một năm có 2 mùa gió. Mùa mưa gió thổi ngọn Nam, người dân phải chuyển qua ghềnh Đông ở, mùa gió chướng sóng lớn lại chuyển qua ghềnh Nam. Cứ như vậy, một năm 6 tháng ở ghềnh Nam, 6 tháng ở ghềnh Đông. Trước đây, mỗi gia đình chỉ có một nóc nhà, mỗi lần chuyển phải dỡ ra rồi cất lại. Bây giờ đã cất được 2 cái, chỉ việc chuyển đồ. Mỗi lần rời nhà, bộ đội biên phòng lại giúp dân chuyển đồ. Cuộc sống khó khăn là vậy, sự học của trẻ em nơi đây cũng lận đận, bấp bênh như những cơn gió, ngọn sóng trên đảo.

Thượng úy Phục kể, năm 2009 ra đảo, khi tiếp nhận lớp học chỉ có 4 em, cơ sở vật chất thiếu thốn, thế nhưng cái khó nhất chính là việc người dân không quan tâm đến việc học của con em. Khi hỏi việc cho con đi học thì người không cho, người lắc đầu không trả lời, người nói không thích, người lại hỏi: Học làm gì? Luôn tâm niệm con người ta đói ăn đói mặc thì không phải là điều gì lớn lao, ghê gớm mà đói tri thức mới là điều ghê gớm thực sự. Đói tri thức thì mãi vẫn ở vùng tối nên sự thiếu thốn lại càng lớn hơn..., anh thấy thương bọn trẻ nhiều hơn, từ đó anh tự thôi thúc mình phải giúp bọn trẻ thoát khỏi vùng tối đó.

“Em đã lớn lên trong tình thương mến ấy”

Thượng úy Trần Bình Phục báo cáo, trình bày suy nghĩ đó với chỉ huy đơn vị và được đơn vị ủng hộ, giao cho các chiến sĩ kiên trì đến từng gia đình vận động bà con cho con em đi học... Với những nỗ lực, quyết tâm của thượng úy Trần Bình Phục cùng các chiến sĩ Đồn biên phòng Hòn Chuối, một lớp học mới được xây dựng với bàn ghế, bảng, sách vở... mới và thêm nhiều học sinh mới.

Thông thường ở đảo chỉ dạy học sinh bậc Tiểu học. Lên cấp THCS, THPT thì các em phải vào đất liền để học tiếp. Nhưng hiện tại, lớp học của thầy Phục dạy ghép học sinh từ lớp 1 đến lớp 7. Dẫu nhiều khó khăn nhưng người thầy áo xanh vẫn luôn cố gắng mang đến cho các em nhiều nhất những kiến thức mà thầy có.

Sau gần 10 năm anh Phục gắn bó với hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc, với các lớp học và những học trò mà anh coi như con, thượng úy Phục tâm sự, “những năm qua, điều hạnh phúc nhất là mình đã thổi bùng lên cho các em khát vọng sống, vẽ nên cho các em bức tranh về cuộc đời với những gam màu tươi sáng, rạng rỡ. Nhiều em được chuyển vào đất liền học lớp cao hơn, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ cho các em cố gắng để có kiến thức, để sau này thành người có ích cho xã hội”.

Gần 30 phút của bộ phim Người truyền cảm hứng đã kể một câu chuyện ý nghĩa, bình dị bằng lối kể tự nhiên. Sức hút của bộ phim ở chỗ không dùng lời bình mà khai thác câu chuyện qua lời tự sự của chính nhân vật và những người dân trên đảo. Bộ phim cũng đã miêu tả một cách chân thực cuộc sống vất vả, thiếu thốn của người dân trên đảo Hòn Chuối. Vượt trên những khó khăn ấy chính là tình yêu thương giữa con người với con người, là tình cảm gắn bó giữa quân và dân, như câu văn đẫm tình của một học trò trên đảo Hòn Chuối: “Ở đảo cái gì cũng thiếu, nhưng thừa nắng, gió và nước biển mặn. Còn tình người rất bao dung, hồn hậu. Em đã lớn lên trong tình thương mến ấy...”.

BẢO AN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/%C4%91ien-anh/artmid/484/articleid/13430/tinh-nguoi-bao-dung-o-noi-cai-gi-cung-thieu