Tình người giữa tâm dịch ở Cẩm Giàng

Trong những ngày qua, nhiều tập thể, cá nhân đã có những việc làm nghĩa tình, giúp đỡ các công nhân lao động trong vùng dịch Cẩm Giàng, giúp họ lạc quan hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Nhiều nhu yếu phẩm được chuyển đến tận tay các công nhân đang thuê trọ ở Cẩm Giàng

Đã gần 20 ngày Cẩm Giàng thực hiện lệnh phong tỏa, kéo theo hàng nghìn công nhân, lao động (CNLĐ) gặp khó khăn. Nhưng những việc làm nhân ái, nghĩa cử cao đẹp đã và đang giúp họ lạc quan hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Cẩm Giàng là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp với khoảng 66.000 CNLĐ. Nhiều công nhân ở tỉnh ngoài và một số huyện ngoài Cẩm Giàng thuê nhà trọ ở Tân Trường, Lai Cách, Cẩm Điền, Lương Điền, Cẩm Vũ, Cẩm Phúc...

Khi nhiều thôn, khu dân cư và một số xã trong huyện thực hiện phong tỏa trong phong tỏa, nhiều CNLĐ gặp khó khăn do không thể ra ngoài mua lương thực, thực phẩm. Phần lớn CNLĐ thuê trọ không có tủ lạnh nên không dự trữ được lương thực, là tiền mặt để chi phí sinh hoạt cũng hạn chế.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền công nhân Công ty TNHH Điện Tử UMC Việt Nam đang thuê trọ ở thôn Quý Dương cho biết: "Do dịch bệnh nên từ 20 Tết đến nay tôi không đi làm, tiền trong nhà đã dần cạn kiệt, chưa biết khi nào có thể đi làm lại nên trước mắt tình hình lương thực, thực phẩm trong nhà rất khó khăn, rất mong nhận được hỗ trợ”.

Với tinh thần không để ai bỏ lại phía sau, rất nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, đoàn thể chính trị xã hội đã ủng hộ bằng tiền mặt và nhu yếu phẩm để hỗ trợ CNLĐ thuê trọ và nhiều người dân trong khu vực phong tỏa. Chị Hoàng Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Giàng phối hợp với Hội tri kỷ khóa 1997-2000 Trường THPT Kim Thành hỗ trợ thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường và khu dân cư số 2 thị trấn Cẩm Giang 2 tấn ổi, 1,5 tấn su hào, 3 tạ cải bắp, 1 tấn cải dưa, 1 tấn rau các loại... Số rau, củ này đã được chuyển tới tận tay CNLĐ và người dân bị ảnh hưởng do dịch. Chị Hồng Oanh ở Hà Nội là người con quê hương cũng ủng hộ 5 triệu đồng tiền mặt. Số tiền này được lực lượng chức năng mua gạo, rau chuyển đến tận tay CNLĐ ở thôn Quý Dương...Cứ như vậy, tích tiểu thành đại, những chuyến xe kéo nặng trĩu rau, củ, gạo, mắm... len lỏi đến từng xóm trọ. Có người tặng 100 phần quà, người 200 phần quà, người ủng hộ rau, người ủng hộ trứng, người ủng hộ gạo, sữa, mì tôm, người thì ủng hộ tiền mặt...Tất cả với họ chỉ là chia sẻ, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Đến nay, xã Tân Trường đã tiếp nhận khoảng 8 tấn gạo và 20 tấn rau, củ do cấp trên, nhà tài trợ và các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc ủng hộ. Toàn xã có 3.000 CNLĐ tạm trú trên địa bàn. Xã đã kịp thời phân bổ cho CNLĐ và người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh từ 1,5-5 kg gạo, 5-7 kg rau, củ /người.

Thị trấn Lai Cách có hơn 14.600 nhân khẩu và hơn 2.000 CNLĐ thuê trọ. Đến nay thị trấn đã chuyển 2 tấn gạo cho các CNLĐ ở khu phong tỏa, mỗi người khoảng 5 kg gạo. Địa phương này cũng nhận được hơn chục tấn rau, củ, quả do các nhà hảo tâm hỗ trợ, toàn bộ số rau củ quả này đã được chuyển đến người dân và CNLĐ.

Cùng chung cảm xúc với hàng nghìn CNLĐ khác khi được nhận quà hỗ trợ, chị Lùng Thị Xá công nhân Công ty TNHH Hải Nam, thuê trọ tại thị trấn Lai Cách chia sẻ: “Nhận được nhu yếu phẩm hỗ trợ tôi rất cảm kích. Đây là nguồn động viên to lớn giúp CNLĐ xa quê như chúng tôi lạc quan hơn trong những ngày khó khăn trước mắt. Tôi sẽ chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch để góp phần cùng tỉnh Hải Dương chiến thắng đại dịch".

Công nhân được đáp ứng nhu yếu phẩm thiết yếu

Làm "cây ATM" cho công nhân lao động rút tiền

Ngoài nhu yếu phẩm được hỗ trợ, các CNLĐ còn gặp nhiều khó khăn về tiền mặt để chi phí sinh hoạt. Nhiều CNLĐ thuê trọ trong vùng phong tỏa nên không ra ngoài rút tiền được.

Trong lúc nhiều CNLĐ ở thôn Quý Dương đang loay hoay không biết xoay sở ra sao thì được sự giúp đỡ của anh Nguyễn Hòa An ở xóm 2, thôn Quý Dương, xã Tân Trường.

Anh An cho biết trong thôn có khoảng 1.000 CNLĐ thuê nhà trọ. Do dịch bệnh nên toàn thôn bị phong tỏa kéo theo đó là công nhân không ra ngoài rút tiền được để chi phí sinh hoạt. Anh An đã đăng tải nội dung rút tiền giúp công nhân lên Facebook. Nếu ai cần giúp rút tiền, số tiền bao nhiêu thì liên hệ anh sẽ mang tiền mặt đến và người đó trả lại tiền anh qua tài khoản. Anh An giống như cây ATM di động đã giúp được nhiều CNLĐ rút tiền.

"Trong lúc khó khăn thế này mỗi người một chân một tay giúp đỡ họ. Với tôi giúp được gì tôi sẽ giúp hết khả năng. Tôi cũng mong dịch tan để mọi người trở lại cuộc sống bình thường", anh An chia sẻ.

Với CNLĐ thuê trọ thời gian này tiền thuê trọ cũng là vấn đề. Nhiều chủ nhà trọ đã nắm bắt tâm lý này và kịp thời động viên, giúp đỡ. Anh Trịnh Minh Ước, một chủ nhà trọ ở xã Cẩm Phúc đã miễn phí tiền thuê nhà cho tất cả CNLĐ đang trọ tại nhà mình trong tháng 2.2021. Anh Ước cho biết: "Mình giúp người sẽ có người giúp mình, một miếng khi đói bằng một gói khi no, giúp nhau trong lúc khó khăn mới là điều trân quý".

Những câu chuyện cảm động, quảng đại mở rộng vòng tay đùm bọc, sẻ chia như trên đang được lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng mọi nơi để không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Qua đó nhắc nhở chúng ta biết trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

THẾ ANH - VIỆT QUỲNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/tinh-nguoi-giua-tam-dich-o-cam-giang-159931