Tình người trong khu cách ly và lời hẹn ngày trở lại

Báo điện tử Chính phủ ghi lại những câu chuyện trong các khu cách ly ở Quân khu 5, những ngày ở nơi đây đã để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người và họ mong mỏi được trở lại thăm các chiến sĩ khi dịch bệnh bị đẩy lùi và đất nước thanh bình trở lại.

Mẹ con bé Khôi được ưu tiên ở phòng riêng. Ảnh: VGP/Minh Trang

Mẹ con bé Khôi được ưu tiên ở phòng riêng. Ảnh: VGP/Minh Trang

Khu cách ly ở Tiểu đoàn 4 (Trường Quân sự Quân khu 5) được đón một vị khách khá đặc biệt, đó là bé Trần Minh Khôi, chưa đầy 2 tháng tuổi, trở về từ Hàn Quốc.

Là thành viên bé nhất nên Khôi cùng mẹ được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4 bố trí ở phòng riêng, có ti vi, đèn nháy và cửa sổ hướng ra vườn hoa rực rỡ sắc màu. Sáng nào bé cũng được mẹ bế ra cửa sổ để tắm nắng và nghe chim hót.

Mẹ bé Khôi, chị Trần Phương Trinh (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) không giấu được niềm vui: “Vừa về đến khu cách ly, thấy tôi có con nhỏ, nếu phải ở phòng tập thể, ngủ giường tầng như mọi người sẽ rất bất tiện, nên các anh chỉ huy đơn vị đã cho mượn căn phòng nhỏ của Đại úy Phạm Sang Đông, Chính trị viên Đại đội 13 để ở tạm”.

Mẹ con chị Trinh được bộ đội cung cấp thêm xô, chậu, ấm đun, phích nước, mỳ tôm, cháo gói, hoa quả. Chăn màn, chiếu gối cũng được các anh giặt sạch, thay mới mỗi ngày. Tiêu chuẩn ăn của Khôi được đơn vị quy đổi thành tiền để mẹ bé mua sữa chăm con.

“Có các y, bác sĩ thường xuyên đến kiểm tra, thăm khám, đo nhiệt độ, tư vấn, hướng dẫn cách chăm con nên tôi rất yên tâm. Trộm vía, về Việt Nam tuy thay đổi múi giờ, nhiệt độ, môi trường sống nhưng Minh Khôi vẫn ăn ngon, ngủ ngon, sức khỏe ổn định”, chị Trinh cười nói.

Không chỉ bé Khôi, ở khu cách ly này có không ít những câu chuyện đặc biệt. Trường hợp của anh Nguyễn Tiến Khoa (30 tuổi, trú tại Ba Đồn, Quảng Bình) là một ví dụ.

Khi vào khu cách ly được vài ngày, anh Khoa nhận được tin mẹ qua đời sau một cơn đau nặng. Lúc ấy, anh Khoa đấu tranh tư tưởng rất dữ dội, song, được sự động viên của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế và bạn bè cùng sinh hoạt tại Trung tâm, vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, anh Khoa chọn phương án ở lại.

“Mọi người ở khu cách ly là điểm tựa để tôi có thể vượt qua nỗi đau quá lớn này. Tôi mong từng giây, từng phút được về nhà để thắp cho mẹ nén nhang. Tôi tin, ở dưới suối vàng, mẹ sẽ cảm thông khi những giây phút cuối cùng tôi không thể về bên mẹ”, anh Khoa bày tỏ.

Chia sẻ về cuộc sống thường nhật ở đây, chị Phạm Thị Mỹ Linh (21 tuổi, du học sinh, trú tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết: “Ngoài cơm canh ngon lành, giường chiếu sạch sẽ, mỗi ngày chúng tôi còn được cấp 3 cái khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, súc miệng bằng nước muối, rửa tay bằng nước sát khuẩn… nên an tâm lắm. Mỗi lần điện thoại hỏi thăm, biết cuộc sống ở đây như vậy, bố mẹ tôi rất mừng. Bằng tuổi tôi, nhưng các anh bộ đội chững chạc và chín chắn hơn hẳn. Nhìn các anh vất vả, chịu khó mà thương. Biết chúng tôi có ý định mua tặng Trung tâm vài bộ bàn ghế đá và máy lọc nước, các anh dứt khoát từ chối. Có dịp chắc chắn tôi sẽ quay trở lại thăm các anh”.

Một vài hình ảnh từ cuốn nhật ký “14 ngày trong khu cách ly” của du học sinh Phạm Thị Hảo. Ảnh: VGP/Minh Trang

Cuốn nhật ký bằng tranh

“14 ngày trong khu cách ly” là tựa đề của cuốn nhật ký bằng tranh về những ngày sống trong khu cách ly của Phạm Thị Hảo (19 tuổi, quê Tuyên Quang, sinh viên năm nhất Trường Đại học Chungang Hàn Quốc). Cuốn nhật ký là món quà tri ân Hảo dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ - những người đã tận tình chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho mình trong suốt 14 ngày đêm.

Toàn bộ công việc, cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế và người dân được Hảo ghi lại bằng những bức vẽ sống động, đáng yêu, từ “bác khủng long diệt khuẩn”, anh lính gác, người phụ nữ trẻ có 2 con, đến những ổ bánh mỳ, lọ dung dịch sát khuẩn tay Dược 34 (Cục Hậu cần, Quân khu 5), chiếc khẩu trang y tế, căn phòng nhỏ của Chính trị viên, Đại đội trưởng, khu nhà ăn, nhà bếp với đủ những món ngon…

Ngoài các bức vẽ, Phạm Thị Hảo còn thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình qua những lời nhắn nhủ chân tình: “14 ngày qua đối với con là cả sự biết ơn rất lớn. Con thương các bác, cô, chú đã vất vả vì tụi con quá nhiều. Có những lỗi lầm gây ra cho mọi người thêm phần vất vả, bọn con thật sự có lỗi rất nhiều. Con hy vọng những bức vẽ này sẽ được đưa đến tay tất cả mọi người. Mong mọi người sẽ cười thật tươi khi thấy những bức vẽ này. Con luôn tin những người hy sinh, cống hiến cho xã hội luôn có một cuộc đời đầy ý nghĩa và vô cùng đáng sống. Con thật sự khâm phục và thương tất cả mọi người. Con rất mong có thể gặp lại mọi người một lần nữa, khi mà con đã trưởng thành hơn. Lời cuối cùng, con muốn gửi lời xin lỗi và lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả mọi người”.

Các chiến sĩ chăm chút từng bữa cơm cho công dân. Ảnh: VGP/Minh Trang

Bảo đảm tốt nhất đời sống mọi mặt cho bà con

Thượng tá Phạm Ngọc Ngữ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 cho biết: “Trong các đoàn tiếp nhận, có nhiều cô chú đã ngoài 60 tuổi và cũng có các cháu nhỏ mới 6-7 tuổi, thậm chí mới sinh được vài tháng, vì vậy khi sắp xếp, bố trí phòng hay chuẩn bị các suất ăn, chúng tôi đều có sự cân nhắc, tính toán kỹ sao cho phù hợp. Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn nỗ lực bảo đảm tốt nhất đời sống mọi mặt cho bà con”.

Tham gia tiếp đón, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm mọi mặt đời sống cho người dân tại khu vực cách ly, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ y, bác sĩ ngoài trình độ chuyên môn vững vàng, còn phải có lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm rất cao.

Thượng tá Võ Đình Khánh, Chủ nhiệm hậu cần, Bộ Chỉ huy quân sự TP. Đà Nẵng cho biết, trong số cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại khu vực cách ly, nhiều người có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, neo người, nhiều chiến sĩ tuổi đời mới đôi mươi… nhưng mọi người vẫn hăng hái xung phong lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Quân số mỏng, để đảm bảo tốt mỗi ngày 3 bữa cơm ngon canh ngọt, 2 lần thăm khám và phun thuốc khử trùng, vệ sinh doanh trại, tuần tra canh gác… các cán bộ, nhân viên ở khu vực cách ly phải thức khuya, dậy sớm để thực hiện nhiệm vụ. Theo quy định, trong thời gian làm nhiệm vụ mọi người không được về thăm nhà.

Vất vả, hiểm nguy là vậy, nhưng khi tiếp xúc với các các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ ở khu cách ly, chúng tôi luôn thấy được tinh thần lạc quan, yêu đời và sự hết mình với cộng đồng của họ. Chăm sóc công dân Việt Nam từ vùng dịch trở về, không chỉ là nhiệm vụ, mà quan trọng hơn, đó là trách nhiệm, tình cảm của những người con đất Việt dành cho nhau trong lúc khó khăn.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Quân khu 5 cho biết, công tác phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của lực lượng vũ trang Quân khu. Mục tiêu là không để xảy ra dịch trong lực lượng; phấn đấu phát hiện sớm các ca bệnh và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, bảo đảm cho các đơn vị đủ sức mạnh trong mọi tình huống; sẵn sàng tham gia phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Chống dịch như chống giặc, tuy kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, nhưng các đơn vị toàn Quân khu luôn chuẩn bị sẵn nhiều phương án đối phó, không bao giờ chủ quan, lơ là.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/tinh-nguoi-trong-khu-cach-ly-va-loi-hen-ngay-tro-lai/390789.vgp