Tỉnh Ninh Thuận đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

TCCS - Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 21-02-2018 để triển khai thực hiện; tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung trọng tâm của Kế hoạch theo đúng lộ trình đề ra và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Cán bộ Văn phòng một cửa huyện Ninh Phước tiếp nhận, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho công dân - Nguồn: baoninhthuan.com.vn

Tổ chức thực hiện Nghị quyết đồng bộ, toàn diện

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã tổ chức 43 lớp học tập, quán triệt cho 5.738 người tham gia, trong đó, cán bộ, đảng viên tham gia đạt 96,6%. Riêng cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến cho cán bộ chủ chốt các sở, ngành cấp tỉnh, các huyên, thành phố, tỷ lệ tham gia đạt 96,6%. Nhìn chung, Ninh Thuận làm tốt công tác nghiên cứu, tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Nghị quyết, qua đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết.

Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU, ngày 21-02-2018, để triển khai thực hiện. Kế hoạch xác định rõ các nhóm nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, theo lộ trình và những nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Việc xác định rõ mốc thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp. Quan điểm của tỉnh là những việc có đủ điều kiện để làm ngay thì tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; những việc cần phải thực hiện theo lộ trình hoặc cần có văn bản hướng dẫn của Trung ương phải hết sức chủ động, làm tốt công tác chuẩn bị để có thể triển khai ngay khi có đủ điều kiện.

Để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xác lập mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tỉnh tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức bộ máy. Kế hoạch số 92-KH/TU yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động giảm đầu mối trực thuộc sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trực thuộc, quy định khung về số lượng phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh không quá 3 phòng/cơ quan, đơn vị. Không thành lập mới tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả; sắp xếp lại, giảm tối đa số lượng phòng trong chi cục, trung tâm; không chuyển phòng thành chi cục, trung tâm. Thực hiện thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý như, Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng Phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện... Thực hiện nghiêm quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của mỗi đơn vị, phòng, ban; khuyến khích hợp nhất, sáp nhập các phòng chuyên môn có ít biên chế hoặc có nhiệm vụ tương đồng; sắp xếp tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả. Tỉnh cũng tiến hành thực hiện đề án tổ chức lại văn phòng cấp ủy để phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh; thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện ở các huyện Thuận Nam, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; điều chuyển nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về dân tộc, y tế cấp huyện về Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp.

Kế hoạch cũng xác định rõ những nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, bao gồm nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình và nhiệm vụ thực hiện thường xuyên; đồng thời, xác định nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức như Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh; Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các đảng đoàn đoàn thể chính trị - xã hội; các huyện ủy, thành ủy và các ban Đảng Tỉnh ủy với các đầu việc và lộ trình thực hiện.

Kết quả bước đầu sắp xếp tổ chức bộ máy

Sự vào cuộc tích cực, chủ động và sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trên địa bàn Ninh Thuận đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Đối với khối cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Văn phòng Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương; ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh; điều động công chức, người lao động từ các ban đảng Tỉnh ủy về Văn phòng Tỉnh ủy (từ tháng 5-2018) để thực hiện nhiệm vụ phục vụ cho cấp ủy và các ban đảng Tỉnh ủy từ ngày 01-6-2018.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho ý kiến đối với các đề án kiện toàn tổ chức bộ máy các ban đảng Tỉnh ủy, Báo Ninh Thuận, Trường Chính trị tỉnh, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Đến nay, các ban đảng Tỉnh ủy đã kiện toàn tổ chức bộ máy theo đề án, tiến hành thi tuyển các chức danh lãnh đạo phòng chuyên môn sau sáp nhập. Mỗi ban đảng giảm đầu mối, còn 3 phòng, riêng Ban Dân vận và Ban Nội chính Tỉnh ủy còn 2 phòng. Kết quả, sau khi sắp xếp, các ban đảng Tỉnh ủy giảm được 12 phòng (giảm từ 28 xuống còn 16 phòng, giảm 42,8%). Đối với chức vụ phó trưởng phòng, thực hiện bố trí không quá 2 phó trưởng phòng. Các ban đảng tiến hành thi tuyển chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động theo mô hình mới từ đầu tháng 7-2018.

Cơ quan Mặt trận Tổ quốc thực hiện mô hình tổ chức theo lĩnh vực, xóa hẳn các ban (phòng); các ủy viên có chuyên viên giúp việc. Nếu mô hình này thành công, tỉnh sẽ mở rộng, thực hiện ở tất cả các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

Đối với khối các cơ quan hành chính nhà nước, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 110-KH/BCS, ngày 30-3-2018 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP, ngày 03-02-2018 của Chính phủ và Kế hoạch số 92-KH/TU của Tỉnh ủy để chỉ đạo xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đề án, số lượng phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành sẽ chỉ còn 68/19 sở, ngành; giảm được 61 phòng, đạt tỷ lệ 47,29%.

Đối với các tổ chức hành chính trực thuộc các sở, ban, ngành giảm 1 tổ chức hành chính trực thuộc và giảm 17 phòng (tổ) chuyên môn. Sau khi kiện toàn sẽ còn 19 tổ chức hành chính trực thuộc với 70 phòng (tổ) chuyên môn.

Công an tỉnh xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trình Bộ Công an phê duyệt, theo đó, bộ máy có 25 phòng (giảm 4 phòng) và 95 đơn vị cấp đội (giảm 9 đội).

Ở cấp huyện, số lượng các phòng chuyên môn trực thuộc ủy ban nhân dân huyện, thành phố giảm 12 phòng của 7 huyện, thành phố, sau khi kiện toàn ở 7 huyện, thành phố sẽ chỉ còn 78 phòng chuyên môn.

Đối với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện các mô hình thí điểm. Cụ thể:

- Các huyện ủy, thành ủy được chọn thí điểm đã hoàn thành đề án hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (gồm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, huyện Thuận Nam) và triển khai thực hiện từ đầu tháng 8-2018.

- Thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyên tại 5/7 huyện, thành phố, gồm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam, huyện Thuận Bắc, huyện Bác Ái. Các huyện còn lại là Ninh Hải và Ninh Sơn cũng sẽ thực hiện trong thời gian tới.

- Thực hiện mô hình Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ tại 3 huyện, thành phố gồm Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Bắc, huyện Bác Ái; mô hình Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra: trong 3 đơn vị được chọn thí điểm, đã thực hiện tại huyện Bác Ái, 2 huyện còn lại là Thuận Nam và Ninh Sơn đang trong quá trình triển khai.

- Mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện tại 5/7 huyện, thành phố (huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam, Bác Ái), huyện Ninh Sơn đang thực hiện còn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm kế hoạch thực hiện trong năm 2019.

- Thực hiện chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc, y tế cấp huyện về Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện ở huyện Ninh Hải, các huyện, thành phố còn lại đang triển khai thực hiện.

Đối với cấp cơ sở, thực hiện mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ở 4 huyện, thành phố được chọn thí điểm đã thực hiện xong, gồm phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải; xã Phước Diêm huyện Thuận Nam và xã Nhơn Sơn huyện Ninh Sơn. Tiến hành rà soát đội ngũ trưởng thôn, khu phố; thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố ở những nơi đủ điều kiện; rà soát các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định chờ hướng dẫn của Bộ Nội vụ để tổ chức, sắp xếp lại.

Một số điều rút ra qua sắp xếp tổ chức bộ máy ở Ninh Thuận

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một chủ trương lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, có tác động trực tiếp đến hoạt động của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu của Nghị quyết là vừa tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vừa phải bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả với chất lượng cao hơn của cả hệ thống các cơ quan trong hệ thống chính trị và vì vậy, có những áp lực, khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện.

Ý thức rõ điều đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp và toàn thể cán bộ, đảng viên tổ chức thực hiện Nghị quyết một cách bài bản, nghiêm túc với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, phù hợp với thực tế địa phương.

Trước hết là vấn đề tư tưởng, nhận thức. Xác định việc thực hiện Nghị quyết sẽ động chạm đến quyền lợi chính trị, kinh tế của từng người nên Ninh Thuận đặc biệt chú trọng công tác học tập, quán triệt Nghị quyết, để cho mỗi cán bộ, đảng viên đều phải “thông” về tư tưởng, nhận thức, từ đó, xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhìn chung, nhờ làm tốt công tác học tập, quán triệt nên toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết và việc ban hành Nghị quyết thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng trong công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Trong hành động, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU, ngày 21-02-2018 để triển khai thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Kế hoạch của tỉnh xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng và lộ trình thực hiện rõ ràng. Kế hoạch cũng nêu rõ những việc cần thực hiện ngay một cách đồng bộ, những việc cần thực hiện thí điểm ở một số địa bàn, lĩnh vực. Đây là định hướng quan trọng để từng cấp, từng ngành chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể của cấp, ngành mình.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công Nghị quyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các bộ phận chức năng tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết theo chương trình kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất, qua đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả; nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay; kịp thời giải đáp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cơ sở. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát cũng xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu không thực hiện, thực hiện không đúng quy định, thực hiện chậm trễ, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và xử lý những trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy để tuyên truyền kích động gây chia rẽ nội bộ hoặc tham nhũng, tiêu cực.

Trong thực hiện, bên cạnh việc nghiêm túc chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ninh Thuận cũng khuyến khích, ủng hộ những sáng kiến từ địa phương, cơ sở, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết. Mặc dù không được chọn là đơn vị làm thí điểm nhưng huyện Thuận Bắc đã đăng ký thí điểm mô hình hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện; thí điểm mô hình hợp nhất các cơ quan Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện; Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra hay huyện Thuận Nam đăng thí điểm thành lập Văn phòng chung cấp xã đều được tỉnh chấp thuận. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh là một ví dụ khác. Trong khi quy định của Trung ương cho phép tối đa tổ chức 04 phòng thì ở đây thực hiện mô hình tổ chức theo lĩnh vực, xóa hẳn các ban (phòng); các ủy viên có chuyên viên giúp việc. Nếu mô hình này thành công, tỉnh sẽ mở rộng, thực hiện ở tất cả các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Và như thế, kết quả đạt được sẽ tiến xa hơn rất nhiều so với mục tiêu mà Trung ương đề ra.

Nhìn chung, qua sắp xếp, tổ chức bộ máy nói chung của hệ thống chính trị tỉnh Ninh Thuận đã tinh gọn hơn, giảm được nhiều đầu mối, hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Do mới triển khai mô hình mới nên chưa thể đánh giá tổng thể việc tiết kiệm chi phí hành chính, nhân lực, tuy nhiên, việc tiết kiệm là rõ ràng, sẽ “đong đếm” được. Hơn nữa, bộ máy hệ thống chính trị tỉnh vẫn hoạt động nhịp nhàng, ổn định, sắp xếp tổ chức không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đây là một sự khẳng định cho những kết quả bước đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Ninh Thuận xác định tiếp tục nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch số 92-KH/TU, nhất là các nhiệm vụ theo lộ trình, nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức. Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, vì vậy, đi liền với sắp xếp tổ chức bộ máy, cần kịp thời ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên rà soát thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2018.

Thực tiễn quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ở Ninh Thuận có không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó có những khó khăn, vướng mắc cần sự vào cuộc tháo gỡ của các ban, ngành Trung ương. Việc thực hiện sáp nhập một số cơ quan hiện nay chưa có quy định của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tên gọi, sử dụng con dấu, cần có sự hướng dẫn, thống nhất chung trong toàn quốc để thực hiện đồng bộ. Tỉnh cũng đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP, ngày 20-11-2014 theo hướng mở rộng đối tượng, tạo thuận lợi hơn để các đối tượng dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy được hưởng chế độ này; ban hành quy định về chế độ bồi dưỡng trách nhiệm cho các chức danh kiêm nhiệm cũng như quy định về ký, sử dụng con dấu đối với các chức danh kiêm nhiệm./.

Nguyễn Đức KhaTạp chí Cộng sản

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2018/53190/tinh-ninh-thuan-doi-moi-sap-xep-to-chuc-bo-may-he.aspx