Tỉnh ở Trung Quốc yêu cầu phân loại phim hoạt hình

Nhiều phụ huynh ở Trung Quốc cho rằng các phim hoạt hình nên được xếp hạng dựa theo các tiêu chí rõ ràng để phù hợp cho trẻ nhỏ.

Hội đồng người tiêu dùng ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đang kêu gọi chính phủ thiết lập một hệ thống xếp hạng các phim hoạt hình trên toàn quốc dựa vào độ tuổi, theo Sixth Tone.

Theo khảo sát của đơn vị này với 1.000 phụ huynh có con nhỏ, 80% người đồng ý rằng phim hoạt hình nên được quản lý chặt chẽ hơn.

Họ cũng mời một nhóm chuyên gia để đánh giá 21 sản phẩm giải trí dành cho trẻ em về các mối nguy tiềm ẩn như hành vi nguy hiểm, phạm tội. Nhóm chuyên gia nhận thấy rằng khoảng một nửa số phim được phân tích có chứa yếu tố bạo lực, không thích hợp cho trẻ nhỏ.

Chẳng hạn loạt phim Nhật Bản Ultraman Tiga có các cảnh đánh nhau, cháy nổ và một số hình thức bạo lực khác. Phim Boonie Bears của xứ Trung mô tả hành vi trộm cắp, dùng súng và chặt cây bằng máy cưa.

Theo Sixth Tone, trong thời gian sắp tới, nếu hệ thống xếp hạng có hiệu lực, trẻ em ở Trung Quốc sẽ bị hạn chế xem phim hoạt hình có cảnh nhân vật rơi khỏi vách đá, đánh đập, hành hạ hoặc nổ bom. Điều này nhằm ngăn chặn trẻ nhỏ trở thành con mồi cho các sản phẩm giải trí độc hại.

 Boonie Bears là phim hoạt hình được nhiều trẻ em xứ Trung yêu thích. Ảnh: Getty.

Boonie Bears là phim hoạt hình được nhiều trẻ em xứ Trung yêu thích. Ảnh: Getty.

Hậu quả từ hoạt hình độc hại

Vào năm 2017, một đứa trẻ 5 tuổi ở thành phố Urumqi đã nhảy từ cửa sổ ở tầng 11, cầm theo chiếc ô đang mở và nghĩ rằng mình có thể đáp xuống đất một cách an toàn như cảnh đã thấy trong phim hoạt hình.

Tháng 7/2018, dư luận Trung Quốc chấn động trước vụ việc bé gái 8 tuổi rơi từ cửa sổ tầng 6 của tòa nhà chung cư khi cố gắng bắt chước cảnh leo núi đã xem trên Boonie Bears.

3 năm sau, Tòa án huyện Đô Giang Yển ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) đã ra phán quyết bộ phim hoạt hình nổi tiếng này phải chịu 10% trách nhiệm về cái chết của cô bé.

Nhóm chuyên gia cho biết ngay cả những tác phẩm kinh điển được yêu thích rộng rãi như Peppa PigMy Little Pony cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại.

Trong khi Peppa Pig có nội dung liên quan đến một số hành vi nguy hiểm như mở cửa máy bay, lướt sóng, My Little Pony lại xây dựng nhân vật phản diện có tiếng cười điên cuồng khiến trẻ nhỏ sợ hãi.

8 năm trước, một cậu bé 10 tuổi đã trói 2 bạn của mình vào cây và phóng hỏa. Theo điều tra của cảnh sát, bé trai này đã tái hiện một cảnh trong phim hoạt hình nổi tiếng Pleasant Goat and Big Big Wolf.

Theo Gong Yongzhuang, người đại diện thuộc bộ phận khiếu nại của Hội đồng Người tiêu dùng Giang Tô, trẻ em bắt đầu làm theo những gì quan sát được từ 2 tuổi. Nếu đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với nội dung nguy hiểm hoặc bạo lực, chúng có thể cố gắng bắt chước hành vi đó.

 Những phim hoạt hình có chứa yếu tố bạo lực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ. Ảnh: China Daily.

Những phim hoạt hình có chứa yếu tố bạo lực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ. Ảnh: China Daily.

Tuy nhiên, trong các bình luận bên dưới một bài đăng trên mạng xã hội Weibo, nhiều dân mạng cho rằng phim hoạt hình đang bị lấy làm cái cớ cho việc nuôi dạy con không đúng cách.

“Chẳng phải cha mẹ là giáo viên đầu tiên của con cái hay sao? Họ nên dạy dỗ con mình tốt hơn. Xã hội chỉ là nơi hướng dẫn bổ sung”, một người dùng viết.

Tính đến sáng 9/4, hashtag “Jiangsu Consumer Council calls for a cartoon rating system” (tạm dịch: Hội đồng Người tiêu dùng Giang Tô kêu gọi hệ thống xếp hạng phim hoạt hình) đã thu hút hơn 22 triệu tài khoản tham gia.

Bên cạnh những lời ủng hộ, lời đề nghị của tổ chức này cũng gặp phải ý kiến trái chiều. Một số người nghĩ rằng nếu áp dụng mức độ giám sát cao hơn đối với nội dung dành cho trẻ em thì chúng cũng không nên đọc Tây Du Ký - một trong 4 tiểu thuyết kinh điển của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Thực tế, nhiều phụ huynh đã kêu gọi áp dụng hệ thống xếp hạng phim hoạt hình từ đầu năm 2013 để ngăn chặn sự cố đau lòng do trẻ em bắt chước phim hoạt hình.

Trong cuộc thăm dò trực tuyến của một đơn vị truyền thông địa phương về việc liệu phim hoạt hình có nên được xếp hạng phù hợp với lứa tuổi hay không, 52% trong số 67.000 người được hỏi đã bỏ phiếu “có”, 39% trả lời “không”.

Ông Gong nhấn mạnh cha mẹ vẫn là người đóng vai trò lớn nhất trong việc nuôi dạy con cái.

“Tuy nhiên, đó không chỉ nhiệm vụ của người giám hộ mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta phải bảo vệ trẻ em khỏi thông tin có hại và đảm bảo chúng được phát triển khỏe mạnh”, ông Gong nói thêm.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-o-trung-quoc-yeu-cau-phan-loai-phim-hoat-hinh-post1203745.html