Tình quân dân ấm áp trong khu cách ly

Trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh Covid-19, đối diện với nguy cơ lây nhiễm, trong những hoàn cảnh, thời khắc khó khăn đó thì tình người lại sáng lên, tình quân dân lại càng ấm áp thêm. Những câu chuyện về cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai đang thầm lặng cùng công dân Việt Nam tại khu cách ly.

7 giờ sáng, ngoài cổng doanh trại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, an ninh Trung đoàn Bộ binh 991 loáng thoáng bóng một người phụ nữ lưng còng mặc bộ đồ thổ cẩm đã bạc màu, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt hoe đỏ chứa đựng một chút hoang mang. Thông qua đồng chí làm nhiệm vụ bảo vệ khu cách ly thì được biết bà tên là Trần Thị Ngọc Hoa, 74 tuổi, tới khu cách ly để gặp con trai. Để đảm bảo sức khỏe cho cả 2 bên, nên bà không thể gặp được con trai, bà đành đứng chờ tin tức của con từ trong khu cách ly. Không để người thân đến thăm chờ lâu, bức thư viết vội của người con trai được các chiến sĩ chuyển nhanh ra cho các bà. Một mảnh giấy và tiền trước khi trao cho người thân cũng được các lực lượng y tế cẩn thận phun khử trùng phòng dịch. Cầm trên tay số tiền kèm theo mảnh giấy và dòng chữ nhắn nhủ: “Mẹ cứ yên tâm về con, con ở đây rất an toàn và thoải mái, chỉ 13 ngày nữa con sẽ về với mẹ, mẹ nhớ ăn uống đầy đủ mẹ nhé!”. Đọc thư của con trai, bà lặng đi một lúc rồi chia sẻ: “Bà nhờ các chú bộ đội chăm sóc con trai giúp bà, cảm ơn các cháu bộ đội… bà về chờ tin vui từ các cháu nhé”. Nói xong, bà ngước mắt nhìn vào ngôi nhà 2 tầng ở khu cách ly nơi con trai bà đang ở.

Đại úy Ksor Alư phục vụ nhu yếu phẩm công dân cách ly.

Chỉ một lời nhắn gửi mộc mạc vậy, nhưng chất chứa những tình cảm sâu nặng của người dân khi trao trọn niềm tin cho Quân đội, cho Nhà nước, chỉ chừng ấy thôi mà các chiến sĩ thấy trách nhiệm phải nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Từ cổng ngoài doanh trại, trên đường đi vào khu cách ly, tôi bắt gặp các đồng chí nữ quân nhân đang vận chuyển nước uống và nhu yếu phẩm cho công dân cách ly, người bê thùng nước, người xách cuộn giấy… áo ướt đẫm mồ hôi, miệng nói cười tươi tắn. Dường như cái nắng đỉnh điểm của mùa khô Tây Nguyên này không thể nào ngăn cản được ý chí trách nhiệm của các nữ quân nhân trên miền đất đỏ Bazan này. Gạt vội giọt mồ hôi trên má, Đại úy QNCN Ksor Alư chia sẻ: “Từ ngày đơn vị tiếp nhận công dân cách ly y tế, tôi và nhiều đồng chí khác chí được tổ chức giao nhiệm vụ phục vụ đảm bảo vật chất nhu yếu phẩm cho công dân cách ly, ở đây có nhiều độ tuổi khác nhau từ trẻ em cho đến người già nên cũng hơi vất vả nhưng với tinh thần “công dân cách ly” cũng như người thân gia đình mình nên chúng tôi quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ và làm sao để các công dân ở đây luôn an tâm”.

Khi được hỏi về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ với mật độ thời gian cả ngày lẫn đêm như vậy, chị Ksor Alư chia sẻ thêm: “Hầu hết chúng tôi ở đây đều có con nhỏ, với tình hình dịch hiện nay các trường học đều cho học sinh nghỉ hết nên khó khăn nhất vẫn là chăm sóc, nuôi dạy con cái, bản thân tôi từ khi nhận nhiệm vụ tới bây giờ cũng tự cách ly với gia đình và mọi người nên việc chăm sóc con cái đành nhờ ông bà ngoại. Thực ra nhớ và thương con lắm nhưng vì nhiệm vụ chung đành gác lại công việc riêng của gia đình cùng với đồng đội quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.

Là một trong những người nằm trong diện cách ly, anh Nguyễn Thành Tâm chia sẻ: “Tôi không ngờ những người dân như chúng tôi về được Đảng, Nhà nước cũng như các cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đón tiếp, không quản ngại khó khăn, không sợ lây lan dịch bệnh, chăm sóc, che chở, bảo vệ, giúp đỡ chúng tôi tận tình, chu đáo. Tôi biết để chúng tôi có được không gian sống thoải mái và những bữa cơm ngon, canh ngọt như vậy thì cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã rất vất vả trong nhiều tháng qua”. Đối với anh Nguyễn Thành Tâm, 14 ngày này chắc chắn không dài nhưng cũng đã thấu hiểu những tình cảm mà các chiến sĩ Quân đội nhân dân đã dành cho mình người con xa xứ trở về trong mùa đại dịch này.

Tại khu cách ly dành cho nữ, vừa tới nơi, tôi được chứng kiến cảnh một em bé 2 tuổi rưỡi đang khóc, một phụ nữ khoảng 30 tuổi đang dỗ em bé và một chú bộ đội mặc đồ bảo hộ, tay xách hộp sữa, đang phụ giúp chị cho cháu ăn. Chị H’Buôn, mẹ của cháu bé, tâm sự: “Sau 4 năm xa quê về lại nơi chôn rau cắt rốn người đón mình không phải là người thân mà là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Bộ CHQS tỉnh Gia Lai. Những việc làm, lời nói, cử chỉ của các chú, các anh, khiến cho mẹ con tôi có cảm giác được che chở, bảo vệ, giúp đỡ tận tình. Khi chúng tôi đang ngủ cũng là lúc các cán bộ chiến sĩ nơi đây đứng ngoài trời hứng sương gió canh gác cho chúng tôi giấc ngủ yên bình. Để có bữa ăn sáng cho chúng tôi, khu nhà bếp phải thức dậy làm việc từ lúc 3 giờ sáng, cảm động và thương các anh lắm”.

Chính những việc làm đầy trách nhiệm xuất phát từ trái tim của người chiến sĩ Quân đội nhân dân đã ghi dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân, tạo thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước với Quân đội hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được tỏa sáng trong lòng dân.

Bài và ảnh: KIM HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tinh-quan-dan-am-ap-trong-khu-cach-ly-613760