Tình quân dân dưới bóng cây thốt nốt

Khi chúng tôi đến doanh trại cũng là lúc Đại đội 7, Tiểu đoàn 511, Trung đoàn 892, Bộ CHQS tỉnh An Giang vừa có chuyến đi diễn tập về.

Đại úy Ngô Trường Giang, Đại đội trưởng phấn khởi cho biết, đợt diễn tập vừa qua, cả đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vừa trở về, anh em đã bắt tay ngay vào học tập và huấn luyện.

Bộ đội là vậy, doanh trại là nhà, đồng đội là anh em. Đối với Đại đội 7 ở kề bên phum Ba Xoài thì còn có thêm “đồng bào dân tộc Khmer là ruột thịt”. Đóng quân trên địa bàn ấp Ba Xoài (xã An Cư, huyện Tịnh Biên), nơi có hơn 80% dân số là người dân tộc Khmer. Để tiếp xúc được với bà con, công việc đầu tiên là phải biết tiếng. Đại úy Lê Âm Py, Chính trị viên Đại đội 7 chia sẻ, những lúc muốn hỏi thăm bà con tình hình trồng trọt, chăn nuôi, nhưng không biết tiếng Khmer nên rất khó. Tiếng nói đi trước mới bộc bạch được tấm lòng. Vậy nên anh em trong đơn vị đều tự mày mò học để giao tiếp, rồi tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán của bà con. Thế rồi dần dần cũng quen, cũng nói được: Bòn tâu na? (Anh đi đâu?); tâu tia (đi về nhà); sóc sờ bay (khỏe anh); Da. O kum kon top! (Dạ. Cảm ơn chú bộ đội!)...

Mấy câu như vậy, đơn giản nhưng giúp anh em trong đơn vị ngày càng gần gũi với bà con. Từ đó mà chuyện cưới gả, giỗ kỵ ở các gia đình trong phum, bà con đều mời bộ đội đến tham dự. Tình làng nghĩa xóm, tình quân dân được thắt chặt hơn qua những câu chuyện đời thường về làm ăn, mùa màng, dịch bệnh, phong tục… Bên cạnh đó những dịp lễ, tết truyền thống của chùa, anh em trong đơn vị đều tổ chức thăm hỏi, thông qua trao đổi cùng các sư sãi để nắm bắt, hiểu biết các vấn đề sinh hoạt, sản xuất của phum sóc; lắng nghe và tìm biện pháp giúp đỡ những khó khăn của bà con. Từ đó, công tác vận động quần chúng của Đại đội 7 đạt được hiệu quả cao. Nếu như nhiều năm trước, bà con trong phum theo tập tục nuôi trâu bò trong nhà thì qua trao đổi, vận động, đến nay hơn 80% hộ đã có chuồng riêng nuôi gia súc, gia cầm.

Hằng năm, đơn vị đều tổ chức nhiều đợt tặng quà, gạo, nhu yếu phẩm và thuốc cho bà con trong phum và địa phương nhân các ngày lễ, tết. Đến thăm và động viên bà con ngoài lãnh đạo, chỉ huy, bao giờ cũng có sự tham gia của quân y để thực hiện việc khám, cấp thuốc miễn phí.

Đối với chính quyền địa phương nơi đóng quân, đại đội thường xuyên liên hệ trao đổi, phối hợp công tác cũng như tham gia nhiều hoạt động trong phong trào xây dựng nông thôn mới; cải tạo giao thông nông thôn tại phum gần 9km đường với hơn 325 ngày công lao động. Đồng thời, hằng năm vào đầu năm học, đơn vị tặng tập sách các em học sinh nghèo; vào hè, các em lên chùa học chữ Khmer, đơn vị cũng tặng thêm nhiều vở và bút nhà chùa để cấp phát cho các em, góp phần cùng các sư sãi và địa phương giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ những việc có sự chuẩn bị chu đáo từ trước như những điều chúng tôi kể trên, có những việc đột xuất, đơn vị cũng kịp thời cơ động giúp dân. Gần nhất là lần tuyến đê 2km của xã bị lũ uy hiếp, có nguy cơ vỡ và gây ngập diện rộng lúa đang giai đoạn trổ đòng. Đơn vị nhanh chóng điều lực lượng tham gia cùng bà con gia cố đê trong hai ngày với 132 lượt cán bộ, chiến sĩ. Rồi mấy hôm sau đó, cơn bão làm tốc mái nhà của người dân, đơn vị cũng kịp thời cử anh em đến gia cố và lợp lại. Dì Hai nhà ngay gần đơn vị nói: “Tôi sợ làm phiền mấy chú bộ đội đang công tác, nhưng mấy chú nói, tụi con coi dì không chỉ là hàng xóm mà còn là cô bác ruột thịt của tụi con nên việc nên làm là tụi con làm, đâu sợ phiền gì đâu. Mấy chú làm tôi rất cảm động”. Không chiếu lệ, không cầu kỳ, anh em trong đơn vị giúp bà con bằng tấm lòng và nhiệt tình như làm cho chính gia đình mình. Vì thế, cứ có việc lớn là bà con trong phum, có khi tận ở Pu Thi cũng đến nhờ và đơn vị đều sẵn lòng giúp sức.

Bà Naeng Quên (con của liệt sĩ Chau Un - du kích ở ấp Bà Đen) nói với chúng tôi: "Hồi xưa nhờ có bộ đội Việt Nam cứu mà tôi thoát khỏi cái chết dưới tay Pol Pot. Bây giờ già yếu neo đơn, tôi lại được bộ đội Việt Nam nhận nuôi phần còn lại của cuộc đời. Cứ khoảng vài ba bữa lại có các cháu bộ đội ghé qua thăm, đi công tác cũng ghé hỏi thăm xem có khỏe không, nhà còn gạo không… Thiếu cái gì là các cháu lại đem đến cho. Nhiều bữa cảm ho, tôi sợ phiền mấy cháu nên ra chợ mua thuốc. Gặp vậy là các cháu “rầy”, rồi lại cho Sơn Huya (cán bộ quân y của đại đội) xuống khám và cho thuốc. Con tôi tật nguyền, cháu tôi đi làm xa. Nhiều năm nay tôi ở nhà có một mình. Quả thực, tôi sống được đến hôm nay cũng nhờ bộ đội Việt Nam cả…".

Chứng kiến cảnh Trung úy Sơn Huya ân cần hỏi thăm sức khỏe bà Naeng Quên như con mỗi lần về thăm mẹ, tôi thấy lòng mình ấm lạ thường. Chắc rằng ông Chau Un và các đồng đội năm xưa cũng rất vui lòng khi thế hệ bộ đội hôm nay vẫn gần dân, hết lòng với nhân dân như các ông, các bác, các chú năm xưa một lòng chở che và nuôi bộ đội; giấu từng vắt cơm, nắm gạo, đánh xe bò vào tận đồng bưng giúi vào tay bộ đội: “Kon top sóc sờ bay” (Mấy chú bộ đội khỏe nha!).

Ban đầu chúng tôi ngạc nhiên khi thấy không ít lần các chú nông dân người Khmer đội rơm cho bò ăn, đi ngang doanh trại đều vẫy tay chào với đồng chí gác cổng. Không khí ấm cúng này phần nào làm chúng tôi nhớ đến lời Bác Hồ dạy: Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi. Lời Bác không chỉ là kim chỉ nam trong hành động mà việc học tập, làm theo phong cách, đạo đức của Bác cũng được đơn vị áp dụng vào những việc rất thực tế trong sinh hoạt, học tập, huấn luyện cũng như công tác quần chúng. Sinh hoạt và làm việc đúng giờ, lễ phép với nhân dân, quý mến giúp đỡ đồng đội…, những bài học ấy từ chỉ huy cho đến chiến sĩ đều trau dồi và thực hiện hằng ngày, vừa là động lực, vừa là tiêu chí phấn đấu cho bản thân cũng như tập thể.

Chúng tôi hỏi anh Py: "Bí quyết nào mà anh và đại đội được bà con tin tưởng và xem như ruột thịt vậy?”. Anh Py vui vẻ nói: "Thật ra cũng không có bí quyết nào ngoài câu nói nằm lòng “phải coi doanh trại là nhà, phum sóc là xóm làng, đồng bào dân tộc là anh em”. Mọi ý nghĩ và hành động đều từ đó".

Lúc ra về, chúng tôi nấn ná nhìn khuôn viên Đại đội 7 thật lâu. Những chỏm lá lô nhô xen lẫn trong cây rừng cao to bóng mát, có cả những cây thốt nốt lâu năm. Ngay cả ý tưởng giữ lại mỏm đá, cây rừng, thốt nốt trong đơn vị cũng cho chúng tôi thấy tấm lòng và sự gần gũi với thiên nhiên cùng sự gần gũi với bà con phum sóc.

Ghi chép của HUY QUANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tinh-quan-dan-duoi-bong-cay-thot-not-562813