Tình quân dân nơi cơn lũ dữ đi qua

Dẫu còn bộn bề công việc sau cơn lũ dữ, song cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân huyện Quan Sơn, Thanh Hóa luôn vững lòng bởi các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) luôn sát cánh, đồng hành.

Hàng viện trợ của Bộ Quốc phòng chuyển tới người dân vùng lũ quét

Hàng viện trợ của Bộ Quốc phòng chuyển tới người dân vùng lũ quét

Phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”

4 ngày sau cơn lũ quét thế kỷ, vùng lũ quét xã Na Mèo, huyện Quan Sơn là Sa Ná và bản Son vẫn trong cảnh hoang tàn, mất mát, đau thương. Chia sẻ với những mất mát của người dân, hơn 700 cán bộ, chiến sỹ LLVT Thanh Hóa cùng hàng nghìn đoàn viên thanh niên, các lực lượng khác và nhân dân địa phương suốt 4 ngày qua đã dầm mình trong mưa lũ, nắng cháy, không quản ngại ngày đêm, khẩn trương giúp đỡ các gia đình bị nạn.

Những ngày qua, nắng gay gắt trở lại trên vùng đất biên cương vắt kiệt sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ LLVT sau những ngày căng mình bám trụ giúp dân. Tuy nhiên, công việc phía trước còn nhiều. Toàn huyện còn 7 xã vẫn bị nước lũ chia cắt. Tại bản Sa Ná, lũ cao như cơn sóng thần bất ngờ ập xuống khiến mọi thứ bên bờ suối Son tan hoang, 31 ngôi nhà bị cuốn trôi, những thửa rộng ngổn ngang đất đá, rác rưởi. Cát lấp dày mặt ruộng gần 2m.

Chuẩn bị đến năm học mới, nhưng tại các điểm trường tiểu học của hai bản Son và bản Sa Ná, xã Na Mèo, toàn bộ trang thiết bị dạy học đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ; bàn ghế, bảng, trang thiết bị thư viện bị vùi lấp, hư hại, không thể sử dụng được...Vì vậy, những người lính tiếp tục căng mình dựng nhà để bà con có nơi ăn, chốn ở, dựng trường để các cháu kịp vào năm học mới, phối hợp phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân…

Để vào Sa Ná phải vượt sông Luồng rộng hơn 30m, nước vẫn chảy xiết. Phương tiện vượt sông duy nhất lúc đầu là bè mảng được đóng bằng luồng. Bè được cố định với dây đính khóa hãm, trượt theo dây cáp căng ngang sông để tránh bị trôi, do cán bộ, chiến sĩ LLVT kéo bằng sức người nên mỗi lần chỉ có thể đưa tối đa 4 người vượt sông. Mỗi ngày, bè chỉ vận chuyển được hơn 50 lượt với 200 người, chủ yếu để phục vụ bà con nhân dân về bản Sa Ná thăm thân và vận chuyển nhu yếu phẩm đưa vào bản.

Dù chính quyền địa phương, LLVT đã vận chuyển gạo vào Sa Ná, tổ chức kéo nước về tận nơi để không có người dân, hộ gia đình nào bị đói. Tuy nhiên, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, rất nhiều đoàn cứu trợ trong cả nước đã đổ về Na Mèo, dẫn tới tình trạng hàng viện trợ gồm lương thực, thực phẩm, mì tôm chưa vận chuyển được tới tay người dân bị nạn chất đống, không có nơi chứa nên lực lượng chức năng phải cắt cử người trông coi.

Về khảo sát tại vùng lũ, thấy nhu cầu qua sông khá lớn, trong khi phương tiện thô sơ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã trao đổi với lãnh đạo Quân khu 4, đề nghị sớm triển khai các xuồng VSN 1500 để kết thành bè, phục vụ nhu cầu của các lực lượng qua sông Luồng vào Sa Ná.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 sẽ điều động Lữ đoàn 414 Công binh triển khai lắp đặt cầu phao dã chiến, bắc qua dòng suối Son để đảm bảo thông tuyến giao thông tạo điều kiện tốt nhất cho công tác cứu trợ và tái thiết bản Sa Ná trong thời gian sớm nhất.

Giúp bà con ổn định tại nơi ở mới

Hiện tại, những hộ mất nhà đang ở nhờ nhà các hộ dân còn lại của Sa Ná. Tỉnh Thanh Hóa đã giao huyện Quan Sơn tìm một khu vực thích hợp để san ủi mặt bằng và dựng lại nhà cho bà con. Các lực lượng hiện đang tiến hành tháo dỡ nhà để chuyển đến dựng lại tại vị trí mới.

Tham gia giúp bà con bản Sa Ná còn có dân quân các địa phương, trong đó có anh Phạm Bá Thân (SN 1991, người bản Bo Hiềng, xã Na Mèo)-người bị trôi mất nhà trong cơn lũ năm 1996. Ngay sau khi lũ dữ tràn về, nước sông Luồng dâng cao, chảy xiết anh Thân đã cùng BĐBP phải đi từ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, cắt đồi, băng rừng từ 16 giờ ngày 3/8 đến 21 giờ cùng ngày mới tiếp cận được Sa Ná để giúp dân.

Đến nay, trên địa bàn huyện Quan Sơn, lực lượng chức năng đã tìm thấy được thi thể 4 người mất tích (2 người ở bản Sa Ná, xã Na Mèo và 2 người ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy), hiện vẫn còn 8 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Hai thi thể được tìm thấy là thi thể chị Lò Thị Quạm (ở bản Sa Ná) bị vùi trong đống đổ nát và thi thể của bé Hà Văn Quỳnh (SN 2009), con trai anh Hà Văn Vân (người có 6 thân nhân bị mất tích tại bản Sa Ná trong đợt lũ quét vừa qua). Thi thể cháu Quỳnh được tìm thấy trên sông Luồng, đoạn đi qua địa bàn bản Bo, xã Na Mèo, cách bản Sa Ná khoảng 3km.

Cùng với việc tiếp tục tìm kiếm những người mất tích còn lại, lực lượng chức năng còn tích cực phối hợp, xác minh 7 người dân Lào mất tích do mưa lũ của cơn bão số 3 gây ra, sau khi nhận được công văn đề xuất của huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào) đề nghị giúp đỡ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, sáng qua (7/8), tại Hà Nội, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (CHCN) đã phối hợp với Lữ đoàn 971, Cục Vận tải tiếp nhận và vận chuyển hàng cứu trợ của Bộ Quốc phòng đến nhân dân vùng lũ Thanh Hóa. Trung tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cục CHCN, chủ trì và chỉ đạo công tác tiếp nhận hàng cứu trợ. Số hàng cứu trợ do Bộ Quốc phòng xuất cấp là lương thực, nhu yếu phẩm và trang bị, vật tư CHCN gồm: 5 tấn lương khô, 2.000 áo phao, áo cứu sinh, 5 bộ máy bơm công suất cao, 20 bộ nhà bạt, 50 cưa xích cầm tay, 40 bộ thiết bị lọc nước.

L.Hạnh - Q.Thiện

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/tinh-quan-dan-noi-con-lu-du-di-qua-465395.html