Tình quân dân nơi 'rốn lũ' Lai Châu

6 người chết, 3 người bị thương, nhiều ngôi nhà bị sập đổ, đó là thiệt hại nặng nề đối với người dân hai xã Mù Sang và Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong buổi chiều ngày 3-8 'định mệnh'. Thế nhưng, nỗi đau vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi đến nay, sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, 5 nạn nhân bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu giúp người dân xã Mù Sang khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Hữu Tình

Bất lực trước thiên tai

Khó có thể hình dung được sự hung dữ của thiên tai khi chúng tôi trở lại Phong Thổ lần này. Từ xã Mù Sang đến xã Vàng Ma Chải gần 40 cây số, bình thường chỉ đi hơn 1 giờ đồng hồ thì nay phải mất nửa ngày mới tới nơi. Con đường trải nhựa giờ đây nhiều đoạn đã bị mưa lũ phá nát, trở thành những “hố bom”, ngổn ngang đất đá và sình lầy. Thỉnh thoảng trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những khối đá khổng lồ nặng hàng chục tấn lăn từ trên núi xuống chặn kín lối đi; nhiều khối đá lớn nằm lộ thiên, trơ trọi trên vách núi, như chờ chực lao xuống lòng đường bất cứ lúc nào. Trong cơn mưa rừng, chứng kiến cảnh tượng ấy, chúng tôi không khỏi rùng mình.

Người dân hai xã Mù Sang và Vàng Ma Chải đều bị “sốc” trước sức tàn phá khủng khiếp của đợt mưa lũ vừa qua. Nhiều người chưa hết bàng hoàng kể lại rằng, hơn 20 năm qua, ở đây chưa bao giờ xảy ra hiện tượng bất thường như vậy. Anh Ma A Sèo, Trưởng bản Sín Chải, xã Mù Sang, nói trong đau buồn: “Trưa hôm đó, mẹ tôi và con trai tôi đang ở trong nhà thì phát hiện thấy đất đá từ trên núi ập xuống quá nhanh nên không kịp thoát ra. Nhiều người xung quanh nhìn thấy nhà của gia đình tôi bị cuốn nhưng đành bất lực. Mẹ tôi mất rồi, còn con trai tôi thì bị thương nặng, đang cấp cứu ở Hà Nội!”.

Được biết, mẹ anh Sèo - bà Lý Thị Chà (69 tuổi) là vợ liệt sĩ. Hôm tổ chức tang lễ cho bà Chà, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP, nhân chuyến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Mù Sang đã đến viếng, chia buồn và trao tiền hỗ trợ cho gia đình anh Sèo. Sau khi lo tang gia cho mẹ, anh Sèo phải đôn đáo khắp nơi để vay tiền phẫu thuật cho con trai là Ma A Sình (15 tuổi), hiện điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức (Hà Nội).

Theo ông Phàn A Tính, Bí thư Đảng ủy xã Mù Sang, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn có 6 hộ dân bị sập nhà hoàn toàn. Rất may, trước đó, cán bộ Biên phòng đã xuống bản tuyên truyền, vận động nên một số hộ dân chủ động di chuyển đến nơi an toàn. Ngoài trường hợp của gia đình anh Sèo, ở xã chỉ có một người khác bị thương. Điều khiến ông Tính trăn trở là hiện nay vẫn còn hơn 60 hộ dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ sạt lở nhưng việc di dân, tái định cư hết sức nan giải. Mặc dù lãnh đạo tỉnh Lai Châu và huyện Phong Thổ đã cho chủ trương, nhưng việc bố trí quỹ đất và nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, bài toán đảm bảo an toàn cho người dân nơi đây trong mùa mưa lũ vẫn đang còn bỏ ngỏ.

"Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thực hiện nhiệm vụ"

Sau khi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tặng quà, động viên người dân ở xã Mù Sang, chiều 5-8, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn cùng đoàn công tác tiếp tục vào xã Vàng Ma Chải - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất khi có tới 5 người chết, 1 người bị thương và 5 người hiện vẫn còn mất tích. Lúc đó, trời mưa rất to, nhiều đoạn đường bị chia cắt chưa khắc phục được. Đến đoạn sạt lở cách khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất hơn 4 cây số, các phương tiện (kể cả xe máy) buộc phải dừng lại vì không thể lưu thông. Cán bộ làm nhiệm vụ san gạt, thông tuyến tại đây khuyến cáo đoàn công tác nên cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, bởi nếu mưa tiếp tục kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao. Đó là chưa kể, đoạn đường đi bộ vào tới khu vực đó phải vượt qua nhiều bãi đá, điểm sình lầy, nền đất yếu..., đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn quyết định bằng mọi giá phải vào tận vùng "rốn lũ" để nắm tình hình, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tại đây và trao tiền hỗ trợ cho địa phương. Tất cả thành viên trong đoàn khoác áo mưa và chuẩn bị đầy đủ quân tư trang vượt núi vào bản. Về chiều, trời dần ngớt mưa nhưng sương mù dày đặc, những hòn đá lớn từ trên núi sụt xuống nằm ngổn ngang trên đường khiến cho việc di chuyển hết sức khó khăn.

Hơn một giờ đi bộ, đoàn công tác vào đến vùng "rốn lũ". Thay mặt Bộ Tư lệnh BĐBP, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn đã trao 300 triệu đồng hỗ trợ xã Vàng Ma Chải khắc phục hậu quả mưa lũ. Cùng với đó, những thùng mì tôm và tiền hỗ trợ cũng được trao tận tay người dân. “Đây là món quà thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Bộ Tư lệnh BĐBP đối với chính quyền và nhân dân khu vực biên giới bị thiệt hại do mưa lũ. Thông qua đó, góp phần cùng với các cấp, các ngành chung tay giúp bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống” - Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn cũng lưu ý cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động, quyết liệt triển khai các phương án, đặc biệt là tổ chức khảo sát các điểm có nguy cơ sạt lở cao để có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Mặt khác, quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào, tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Lê Hữu Tình

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tinh-quan-dan-noi-ron-lu-lai-chau/