Tình quân dân ở Mường Lát: Trong cơn lũ lịch sử

Đã hơn 10 ngày trôi qua kể từ khi cơn lũ lịch sử tràn qua huyện Mường Lát (huyện miền núi xa nhất tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh tới 250km), đường giao thông vào đến trung tâm thị trấn mới được khôi phục, thế nhưng cảnh tượng tan hoang còn đó dù người dân và các lực lượng như Công an, quân đội cùng với chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục từng ngày.

Đã hơn 10 ngày sau cơn lũ, nhưng những ngày này ở Mường Lát đến chỗ nào cũng gặp cảnh tan hoang, những con đường ngập trong bùn, những ngôi nhà giờ chỉ còn trơ lại nền đất…

Những người dân sống ở Mường Lát hơn 20 năm nay cũng không thể ngờ được rằng có ngày họ lại phải chứng kiến một trận lũ lớn đến thế. Nước mắt chỉ biết rơi theo dòng lũ dữ, theo những ngôi nhà cao tầng khang trang dần sụp đổ trước mắt.

Nhiều người cách đây 20 năm hăm hở lên lập nghiệp khi Mường Lát mới thành lập huyện với hai bàn tay trắng, thì nay sau 20 năm, họ lại hoàn tay trắng vì lũ.

Có đôi vợ chồng tuổi mới ngoài hai mươi, vừa vay mượn khắp nơi dựng được cái nhà ở tạm thì lũ về bất ngờ, cuốn phăng đi tất cả. Hai vợ chồng vốn không nghề nghiệp chỉ trông chờ vài sào ruộng nuôi hai đứa con nhỏ thì nay đến ruộng nương cũng chẳng còn. Họ chỉ biết khóc!

Cán bộ Công an huyện Mường Lát gánh mì tôm cứu trợ bà con vùng lũ.

Lũ đã cuốn phăng tất cả. Thiệt hại nặng nề nhất là xã Tam Chung, Trung Lý, Quang Chiểu… 7 người chết và mất tích, 3 người bị thương; gần 139 hộ bị sập nhà hoàn toàn, 313 hộ phải di dời,… Ước thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng.

Đau thương, mất mát, tan hoang và sợ hãi là hiện hữu ở huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa sau lũ dữ. Nhiều công trình nước sạch bị hư hỏng nghiêm trọng, không thể sử dụng đã dẫn đến tình trạng nguồn nước khan hiếm. Đi cùng với đó là nỗi lo bùng phát dịch bệnh sau lũ.

Nhiều hộ dân ở thị trấn Mường Lát đã phải sử dụng bình, can nhựa đi xa cả cây số để xin nước về sử dụng. Nguồn nước cũng có phần hạn chế vì số lượng người lấy nhiều, trong khi vị trí có nước sạch chỉ một vài điểm. Học sinh bán trú Trường THPT Mường Lát phải đi bộ hơn cây số để đến nơi có nước tắm rửa, vệ sinh.

Đau xót hơn, cơn lũ ập đến cận kề ngày khai giảng. Thế nhưng sau cơn lũ, dù mọi thứ hoang tàn, đổ nát, dù nhiều nơi vẫn còn chìm ngập trong bùn đất nhưng hàng ngàn học sinh đã vượt lên nỗi đau, vượt đèo, lội suối suốt nhiều giờ để kịp đến với lễ khai giảng năm học mới. Bởi trước ngày khai giảng, các thầy cô đã chia nhau đến từng nhà động viên các em đến trường, bởi chỉ có con chữ mới mong thoát nghèo, chỉ có con chữ thì vùng đất, quê hương các em đang ở mới đổi thay được.

Giúp dân làm đường vượt lũ.

Ở huyện biên giới Mường Lát có 112 điểm trường lẻ ở các thôn bản, trong đó có đến 30 điểm là nhà tranh tre, nứa lá đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có những điểm trường bị lũ bùn đất ngập lên tận nóc nhà, trang thiết bị dạy học nhiều trường bị hư hỏng hoàn toàn. Nhưng vì con chữ, vì tương lai, thầy và trò nơi đây đã vượt qua bộn bề, trùng trùng gian khó để bắt đầu năm học bằng buổi lễ chào cờ long trọng, trang nghiêm nhưng cũng đầy xúc động.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhắc lại những ngày dầm mình trong lũ để xuống với dân, Thượng tá Lò Đức Minh, Trưởng Công an huyện Mường Lát, kể rằng ngày 31-8, lũ về cuốn trôi nhà cửa, trường học, ruộng vườn, khi thấy tình hình mưa lũ ngày càng nghiêm trọng, đường xuống một số xã như Mường Chanh, Mường Lý, Tam Chung bắt đầu bị chia cắt, Ban chỉ huy Công an huyện lập tức lên phương án đảm bảo an ninh trật tự và trực tiếp đi cứu dân.

Công an huyện ứng trực 24/24, chia thành các tổ công tác đến các xã, tiếp cận đến từng bản. Những ngày ấy ở nơi đây không có điện, thông tin liên lạc hoàn toàn bị chia cắt, lực lượng Công an phải tổ chức đi bộ để truyền tin về trung tâm.

Khó khăn không thể kể xiết khi mỗi ngày, anh em phải vượt vài chục cây số đường rừng trong mưa để truyền tin. Có đồng chí ngụp lặn trong dòng lũ để đưa dân đến nơi an toàn. Công an huyện đã huy động tất cả lực lượng tham gia vào công tác di dân, cứu dân, tiếp tế cho dân trong những ngày thiếu ăn, thiếu nước ở các vùng bị chia cắt.

Tính từ ngày 28-8, tổ công tác đường sông đã chuyên chở hàng tấn lương thực, thực phẩm vào cứu đói cho dân các xã Mường Lý, Tam Trung và một số xã khác. Sử dụng các phương tiện sẵn có như ca nô, huy động tàu bè của người dân để tham gia vận chuyển lương thực đến các vùng bị chia cắt. Những ngày ấy, để tiếp cận các địa bàn đang bị nước lũ chia cắt, nhiều đoạn phải đi qua các khe suối, vực sâu rất nguy hiểm.

Thiếu tá Lương Văn Quản, Đội trưởng Đội CSGT huyện Mường Lát, người cùng đồng đội gắn bó với đồng bào ngay từ những ngày đầu tiên của cơn lũ lịch sử cho biết:

"Ngay sau khi nhận được tin báo, tổ của chúng tôi đã vượt hàng chục cây số đường để tìm cách vào xã Quang Chiểu. Mặc dù đường từ Quang Chiểu xuống thị trấn đã thông nhưng 12km đường từ Quang Chiểu lên xã Mường Chanh vẫn ách tắc, hàng nghìn khối bùn đất tràn ra đường. Để vào Mường Chanh, chúng tôi phải lội bùn, vượt đồi núi. Những ngày đầu tiên tiếp cận, cảnh tượng hoang tàn không thể nào tả nổi, quá tang thương, xót xa, chúng tôi không thể cầm lòng…”.

Phút nghỉ ngơi trước khi vượt sông cứu trợ bà con vùng lũ.

Nhiệm vụ chính của các anh bây giờ vẫn là tham gia giúp dân làm nhà cửa, dựng lều lán..., nắm tình hình trực tiếp tham mưu cho cơ quan địa phương và tham gia hướng dẫn các hoạt động từ thiện đến địa bàn.

Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết để cứu dân, huyện đã huy động hơn 2.200 dân quân cơ động, hơn 2.000 dân quân tại chỗ cùng toàn bộ hệ thống lực lượng vũ trang và các đơn vị trên địa bàn vào cuộc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đã thực hiện sơ tán 452 hộ dân đến nơi an toàn, chủ yếu đến trụ sở các cơ quan như Đồn biên phòng Tam Chung, Phân viện y tế bản Pùng, xã Quang Chiểu… Lực lượng Công an, bộ đội là những người đầu tiên tiếp cận, bám trụ địa bàn, cùng dân vượt lũ.

Hơn chục ngày qua kể từ khi Mường Lát hứng chịu mưa to và rất to, nước sông Mã dâng cao, lũ bất ngờ tràn về, 100% cán bộ chiến sĩ Công an huyện đã không có ngày nghỉ. Không chỉ ngâm mình trong bùn đất, trong nước lũ cứu dân, mà trước đó do dự đoán nước sông có thể gây ngập nhà dân, Công an huyện tham mưu với UBND huyện đã triển khai lực lượng di dời tài sản giúp dân...

Cơn lũ đã đi qua, nhưng để khắc phục hậu quả của nó sẽ còn mất rất nhiều thời gian và công sức. Những ngày này, CBCS Công an huyện Mường Lát và Công an tỉnh Thanh Hóa cùng các lực lượng khác vẫn đang tiếp tục cùng với dân, giúp dân khắc phục hậu quả trận lũ bằng những việc làm thiết thực nhất.

Đăng Trường - Phong Trần

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/tinh-quan-dan-o-muong-lat-trong-con-lu-lich-su-512361/