Tỉnh Quảng Ninh: Đấu tranh chống vi phạm về than là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên

Vừa qua, tại Quảng Ninh xuất hiện tình trạng xe container vận chuyển những sản phẩm nghi là than hoặc các sản phẩm ngoài than ra các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng để tiêu thụ. Một lần nữa, tình trạng buôn lậu, tiêu thụ than trái phép lại nóng lên. Mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực vào cuộc, song biện pháp ngăn chặn không phải một sớm, một chiều…

Phóng viên Báo Công Thương trao đổi với ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - xung quanh công tác quản lý cũng như những giải pháp về công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than trên địa bàn mà tỉnh đã, đang và sẽ thực hiện.

Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Trên thực tế, tình trạng vận chuyển và buôn bán trái phép xít, than ở Quảng Ninh không còn “nóng” như những năm trước đây, song nạn than lậu vẫn tồn tại. Theo ông, đâu là nguyên nhân? Ông có thể chỉ ra những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn công tác quản lý, ngăn chặn khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than trái phép trong thời gian qua?

- Đấu tranh chống vi phạm về than là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên đã được tỉnh xác định rõ và gắn trách nhiệm thực thi đến tập thể và cá nhân lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên thực tiễn công tác quản lý cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc.

Về khách quan, nhu cầu về than tăng cao trên địa bàn cả nước trong thời gian qua, trong khi địa bàn khai thác than rộng, hiểm trở, chưa kể việc chồng lấn ranh giới, xen kẹp khai trường với khu dân cư, vườn rừng, vườn đồi do lịch sử để lại, trong khi các đối tượng vì lợi ích bất chính luôn tìm mọi thủ đoạn tinh vi hòng đối phó và qua mặt lực lượng chức năng. Về mặt pháp lý nảy sinh một số bất cập như chế tài xử phạt vừa nhẹ vừa thiếu, khung hình phạt cho các tội phạm về than không cao, thiếu tính răn đe cần thiết, chi tiết chưa được hướng dẫn chính thức, chưa có cơ chế cho phép tịch thu phương tiện vận chuyển than trái phép.

Về chủ quan, việc thực thi pháp luật của chính quyền cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa chủ động phát hiện ra các sai phạm trong công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản, cá biệt có nơi, có lúc còn buông lỏng công tác quản lý. Một số đơn vị chức năng thiếu chủ động, chưa thực hiện hết trách nhiệm, phối hợp chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, việc xử lý vi phạm còn có biểu hiện nể nang, né tránh, bao che. Một số đơn vị ngành than chưa quan tâm, làm hết trách nhiệm, cá biệt có trường hợp cán bộ, công nhân ngành than thông đồng, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Công tác phối hợp, các địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh (như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn) trong việc phối hợp kiểm soát hoạt động chế biến, kinh doanh than, khoáng sản trái phép chưa có chuyển biến đột phá.

Bên cạnh đó, than là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên quy định về điều kiện kinh doanh than theo Điều 4 - Thông tư 14/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương đã hết hiệu lực (bị bãi bỏ bởi Thông tư số 27/2016/TT-BCT ngày 05/12/2016), nhưng chưa có quy định mới, trong khi cơ chế quản lý của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng bằng hóa đơn bán hàng còn nhiều sơ hở, bất cập nên chưa có công cụ để quản lý triệt để.

Ngoài ra có sự chồng chéo trong công tác quản lý cảng vụ tại một số khu vực Uông Bí, Đông Triều (Cảng vụ Thủy nội địa Khu vực I trực tiếp quản lý, cấp phép, cấp lệnh... các cảng, bến; Cảng vụ Thủy nội địa Quảng Ninh duy trì đại diện cảng vụ nhưng không được quản lý) dẫn đến không tập trung, thống nhất trong công tác quản lý, kiểm soát đảm bảo chặt chẽ cũng như trong triển khai đồng bộ các nội dung chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh về quản lý than.

Ngay sau khi nhận được phản ánh mới đây của cơ quan truyền thông về hiện tượng vận chuyển than trái phép tại khu vực Cẩm Phả, Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ, xác định tồn tại, sai phạm và trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời chỉ đạo TP.Cẩm Phả rà soát, giải tỏa, xóa bỏ toàn bộ các kho bãi trái phép; khẩn trương lắp đặt, vận hành hệ thống camera giao thông thông minh phục vụ giám sát việc vận chuyển kinh doanh than trái phép trên địa bàn (trước mắt triển khai ngay tại một số vị trí có nguy cơ cao tại 11 vị trí, 14 điểm).

Song song với đó, về công tác quản lý cán bộ, tỉnh ủy đã yêu cầu triển khai thực hiện ngay một số giải pháp xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ có liên quan.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chú trọng

Từ những thực trạng trên, giải pháp lớn của chính quyền địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp tham gia khai thác, chế biến, kinh doanh than (đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty than Đông Bắc) trong việc ngăn chặn những hành vi khai thác, chế biến, kinh doanh than trai phép trong thời gian qua là gì, thưa ông?

- Hoạt động trái phép trong khai thác, vận chuyển, buôn bán than, khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 (thay thế và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/01/2014) với một số biện pháp “mạnh tay”, quyết liệt được các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, liên tục.

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan, đặc biệt là giám đốc các đơn vị thuộc ngành than trong công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.

Thứ hai, thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật đất đai, môi trường, khoáng sản đối với các đơn vị ngành than trên địa bàn.

Thứ ba, thực hiện cắm mốc ranh giới mỏ để quản lý, bảo vệ hữu hiệu tài nguyên than trong và ngoài ranh giới mỏ.

Thứ tư, gắn với trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra khai thác than trái phép. Để xảy ra sai phạm trong ranh giới mỏ thuộc trách nhiệm của giám đốc các đơn vị ngành than; ngoài ranh giới mỏ thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương; vận chuyển than trái phép trên đường bộ thuộc trách nhiệm của Công an tỉnh; tại cảng, bến thuộc trách nhiệm của chủ cảng và chính quyền địa phương; cấp phép cảng, bến thuộc trách nhiệm của Sở Giao thông - Vận tải; cấp chủ trương đầu tư cảng thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch - Đầu tư hoặc IPA; để xảy ra việc lợi dụng các dự án khai thác than trái phép thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các cơ quan chức năng có liên quan.

Thứ năm, quy định rõ các tuyến đường vận chuyển than và sắp xếp lại các cảng, bến thủy nội địa được phép tập kết, tiêu thụ than đảm bảo phù hợp với nhu cầu của ngành than.

Thứ sáu, thành lập các trạm kiểm soát trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường trọng yếu khác để ngăn chặn các hoạt động vận chuyển than trái phép từ Quảng Ninh đi các tỉnh lân cận. Tiến tới lắp đặt, vận hành hệ thống camera giám sát tự động, truyền tải hình ảnh về hệ thống Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh để kiểm soát chặt chẽ.

Thứ bảy, phối hợp hiệu quả với chính quyền các tỉnh, thành phố giáp ranh với Quảng Ninh như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn để kiểm tra, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh than, khoáng sản.

Thứ tám, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có các văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ ngành Trung ương điều chỉnh, bổ sung chế tài về xử lý các hoạt động than trái phép theo hướng tăng nặng hình thức xử lý hành chính, xem xét trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm; tăng nặng mức độ xử phạt và cho phép xử lý, tịch thu phương tiện vận chuyển than trái phép.

Thứ chín, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm về than, khoáng sản. Tổ chức lập và duy trì đường dây nóng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và trụ sở cơ quan, đơn vị, địa phương) để tiếp nhận, phản ảnh, kiến nghị, tố giác vi phạm...

Ông có thể cho biết quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương trong việc quản lý hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than để vừa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành?

- Có thể khẳng định, việc đồng hành cao nhất, hỗ trợ, quyết liệt chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh của ngành Than; cũng như tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh.

Để tăng cường công tác quản lý, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 09/5/2019 (thay thế và tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/01/2014 trong tình hình mới), trong đó xác định rõ cơ chế trách nhiệm từ cấp ủy đến cá nhân các cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trưởng công an địa phương, đơn vị chức năng, đơn vị tham mưu và các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc… khi để xảy ra yếu kém, vi phạm đều phải trực tiếp hoặc liên đới chịu trách nhiệm.

Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm.

Các địa phương lân cận cần phối hợp tích cực với tỉnh Quảng Ninh trong công tác kiểm tra, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh than, khoáng sản (ảnh minh họa)

Quảng Ninh có kiến nghị gì với các bộ, ngành, địa phương giáp ranh và khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia khai thác, chế biến, kinh doanh than trên địa bàn?

- Tại Quảng Ninh hiện có trên 10 vạn thợ mỏ, cộng với gia đình họ khoảng 50 vạn người, tương đương 1/3 dân số tỉnh Quảng Ninh gắn liền ngành Than. Như vậy khó khăn của ngành Than sẽ khiến đời sống thợ mỏ và gia đình họ sẽ gặp rất nhiều ảnh hưởng và tác động đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Để góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho ngành Than nói riêng và cho công tác quản lý hoạt động than trên địa bàn nói chung, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm xem xét, sớm đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định liên quan theo hướng tăng nặng. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu tính trữ lượng than cho phù hợp điều kiện khai thác hiện nay, nhằm tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên. Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện nghiêm túc Quy hoạch 403, quan tâm tiến độ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường các dự án (đặc biệt là khu vực TP.Hạ Long). Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng quan tâm, chỉ đạo thực hiện giải pháp xử lý đất đá thải tại các bãi thải mỏ than trên địa bàn theo hướng chế biến thành vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp phù hợp tiêu chuẩn (ước tính mỗi năm ngành Than phải bóc xúc, đổ thải khoảng từ 250 ÷ 300 triệu m3/năm đất đá). Việc này không chỉ tiết kiệm chi phí cho ngành than, giảm nguy cơ sự cố môi trường tại các bãi thải mỏ mà còn giải quyết được nhu cầu cấp bách hiện nay về vật liệu xây dựng truyền thống, phù hợp với mô hình nền kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, hướng dẫn Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng san và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện các dự án thăm dò trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đảm bảo phù hợp theo quy định. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn và các ngành chức năng của địa phương chủ động, tích cực phối hợp hơn nữa với các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh trong công tác kiểm tra, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh than, khoáng sản để đảm bảo hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên vùng trong tình hình mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Châu (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-quang-ninh-dau-tranh-chong-vi-pham-ve-than-la-nhiem-vu-lau-dai-thuong-xuyen-134091.html