Tình quê thấm đẫm hương vị những món ăn dân dã

Những cơn mưa khiến lòng người xao xuyến với bao nỗi nhớ về tuổi thơ sáng trong, về những món ăn từ ruộng đồng, bờ bãi để rồi khi xa quê, ta nhớ về hương vị, nghĩa tình của những món ăn dân dã thưở nào.

Một mình mẹ chăm sóc dăm sào lúa. Tần tảo, vén vun nên mỗi lần ra đồng tát nước, làm cỏ hay bón phân, bao giờ mẹ cũng mang theo chiếc giỏ để tranh thủ tát túm, mò cua, bắt ốc kiếm cái ăn cho gia đình. Ngày ấy ruộng đồng, tôm cá lớn tự nhiên. Chỉ bát cá lụn vụn cũng được bát riêu ngon hết ý.

Bao giờ mẹ ở đồng về, chiếc giỏ cũng nặng sệ hông. Có hôm nắng hạn, vác gầu sòng đi tát nước, mẹ tôi vẫn không quên mang theo giỏ. Trưa mẹ về. Chiếc giỏ sệ bên hông. Quần áo đầy bùn. Hai má mẹ đỏ ửng. Chiếc áo đẫm mồ hôi nhưng mẹ vẫn cười rất tươi. Nhìn dáng mẹ nhỏ thó, gầy guộc, lòng tôi se sắt.

Thích nhất là lúc tôi dốc ngược giỏ đổ vào chiếc chậu sành. Lũ cua đồng bò lổm ngổm. Đủ loại cá thập cẩm. Cá mương dài đuột, vẩy bạc óng ánh. Cá ngạo mồm rộng ngoác. Cá rô don lách chách. Thích nhất là lũ cá cờ có cái đuôi dài như chiếc cờ với nhiều màu sặc sỡ, đẹp như cá chọi bây giờ.

Chị em tôi bắt mấy chú đẹp nhất thả vào chai. Khi bơi, mới thấy chúng thật yểu điệu, duyên dáng. Hiền từ nhất là những chú ốc bươu “cụ” bằng nắm tay trẻ con đen nhánh lăn lóc trong chậu. Lâu lâu có chú bò lên nửa chừng thành chậu rơi xuống đành nằm im. Từng ấy thứ có thể làm được mấy món ngon. Cá thập cẩm vùi trấu. Ốc nấu chuối xanh. Cua nấu canh mướp. Tôm tép rang đỏ au...

Mẹ cho cá vào rổ, chà xát cho sạch vẩy rửa sạch, rồi cứ một lớp chay, một lớp cá, đập thêm mấy củ hành khô, cho thìa mỡ hóa học rồi cho vào niêu vùi trấu. Cá chín, mùi thơm phức tận đầu ngõ.

Khi mẹ tôi làm cua đồng thì tôi ra vườn cắt rau mồng tơi, rau đay và chọn cắt quả mướp hương ở giàn về thái và gọt mướp. Ngày ấy chưa có dao gọt mướp như bây giờ nên bà tôi lấy kim băng gài vào mũi dao để gọt. Xong việc, tôi lấy đũa khều gạch cua. Cua chắc nên rất nhiều gạch.

Giàn mướp bắc trên mặt ao, nước bốc hơi lên mát, mẹ còn vùi phân trâu dưới gốc nên rất sai quả. Những quả mướp dài thõng soi bóng mặt ao, phía trên, hoa mướp vàng ươm dày đặc, lũ bướm đến dập dìu làm nên nét quê rất thanh bình. Mỗi lần rửa bát ở cầu ao, tôi lại ngẩn ngơ ngồi ngắm khung cảnh đáng yêu ấy. Ai cũng khen mẹ tôi “mát tay”. Giờ quê tôi đô thị hóa rất nhanh nên chả nhà nào còn ao. Mỗi lần về quê, cứ thấy vắng khuyết điều gì.

Ảnh minh họa

Mẹ bảo tôi cho ốc vào ngâm nước gạo cho hết bùn đất, hôm sau xáo chuối xanh - đó là món sở trường của chi em tôi. Bây giờ nhiều hôm tôi mua ốc bươu về xáo, đủ cả đậu, thịt ba chỉ với bao thứ gia giảm mà ăn vẫn không thấy ngon bằng món ốc năm nào của thời nghèo đói.

Nhà tôi toàn chị em gái nên mỗi lần nấu nướng, mẹ tôi hay chỉ bảo cặn kẽ. Mẹ bảo, con gái phải biết nữ công gia chánh. Trưa hè, nóng như đổ lửa, cả gia đình tôi quây quần thật đầm ấm. Bát canh cua với vầng gạch vàng ruộm, mướp, rau chín tới xanh non, đĩa cá kho màu cánh gián thơm nức đặt cạnh đĩa cà pháo muối trắng phau, màu sắc hài hòa, tôn nhau thật hấp.

Đồng bãi quê nghèo thật thảo hiền, bao dung. Con tôm, cái tép đã nuôi lớn bao thế hệ người dân quê tôi, dung dưỡng tâm hồn những đứa trẻ quê chúng tôi. Càng lớn tuổi, càng thấy tình quê sâu nặng qua những món ăn dân dã của tuổi thơ. Những tháng ngày ấy giờ chỉ còn trong hoài niệm bởi ông bà, bố mẹ tôi đều đã xa cõi tạm. Nhiều lúc nhớ lại thấy bùi ngùi...

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/tinh-que-tham-dam-huong-vi-nhung-mon-an-dan-da-post48703.html