Tỉnh Thái Nguyên báo cáo gì vụ làm đường xuyên rừng đặc dụng vào khu khai thác vàng

Ngày 12/11/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản kết luận kiểm tra các nội dung tố cáo của ông Nguyễn Trường Thành và phản ánh của báo chí xung quanh việc doanh nghiệp san gạt, bạt taluy xuyên rừng đặc dụng làm đường vào khu khai thác vàng… Tuy nhiên sau đợt kiểm tra lần này, kết luận lại thay đổi và có lợi cho doanh nghiệp khai thác vàng...?

Như Congluan.vn đã thông tin, Cty Thăng Long đã tự ý san, bạt taluy tạo con đường mới rộng trên 10m, mặt đường bê tông rộng trên 4m chạy dài từ ngã ba Ngọc Sơn 2 vào đến khai trường dài 1,3km; con đường vẫn thể hiện rõ trên bản đồ quy hoạch 3 loại rừng là đất rừng đặc dụng chưa hề có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích khác.

Con đường rộng trên 10m, mặt đường bê tông rộng trên 4m chạy dài từ ngã ba Ngọc Sơn 2 vào đến khai trường khai thác vàng dài 1,3km; con đường vẫn thể hiện rõ trên bản đồ quy hoạch 3 loại rừng là đất rừng đặc dụng chưa hề có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích khác. Ảnh A.Đ

Thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, từ ngày 15/10 – 30/10/2018, Đoàn kiểm tra đã làm việc với Cty CP đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (Cty Thăng Long), Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, UBND xã Thần Sa, xóm Xuyên Sơn… để làm rõ những nội dung trên.

Tuy nhiên, kết quả xác minh thực tế: Theo ý kiến của UBND xã Thần Sa, Trưởng xóm Ngọc Sơn II, Trưởng xóm Xuyên Sơn và ông Lý Văn Học (người dân đã định cư ở đây từ lâu) diện tích mở tuyến đường là 4,289 ha (không đo đếm thực tế). Đối chiếu với bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2006, 2013 thì diện tích mở đường là 4,289 ha, gồm: 0,63 ha tại lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 85 trạng thái rừng RT (rừng trồng); 2,783 ha tại lô 4, khoảnh 3, tiểu khu 85, trạng thái rừng IC (đất trống có cây gỗ rải rác); 0,045 ha tại lô 1, khoảnh 1B, tiểu khu 85, trạng thái rừng IIA (rừng non phục hồi); 0,471 ha đất nông nghiệp.

Thực tế theo bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2006, 2013 tổng diện tích 2,828 ha gồm: 2,783 ha tại lô 4, khoảnh 3, tiểu khu 85, trạng thái rừng IC (đất trống có cây gỗ rải rác); 0,045 ha tại lô 1, khoảnh 1B, tiểu khu 85, trạng thái rừng IIA (rừng non phục hồi) được quy hoạch là rừng đặc dụng.

Về hồ sơ: Có 05 hộ dân có đơn tự nguyện hiến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, có xác nhận của UBND xã Thần Sa, của chủ hộ Dương Văn Chiến, Dương Văn Thắng, Dương Văn Tọa, Dương Quang VỊnh, Ma Văn Tào (Thể) ngày 16/5/2017 và đã được thống nhất tại biên bản làm việc ngày 16/5/2017 giữa đại diện các bên: UBND xã Thần Sa, xóm Ngọc Sơn II, hộ gia đình, thành phần tham gia loại đất là RSN (đất có rừng tự nhiên sản xuất) thời hạn sử dụng đến năm 2049, nguồn gốc sử dụng CN-KTT (Nhà nước công nhận QSDĐ không thu tiền). Nhưng thực tế 05 hộ đã được UBND huyện Võ Nhai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2000 là đất rừng tự nhiên đặc dụng (R.Tn.Đ), thời hạn sử dụng đến tháng 12/2049.

Khai trường khai thác vàng của Cty Thăng Long. Ảnh A.Đ

Từ năm 2000 đến trước năm 2006, diện tích đất của 05 hộ dân nêu trên là đất rừng đặc dụng (R.Tn.Đ). Đến năm 2006, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng thì diện tích đất rừng tự nhiên đặc dụng (R.Tn.Đ) của 05 hộ dân nêu trên được quy hoạch là rừng đặc dụng và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 08/8/2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2006 (diện tích đã được thể hiện trên bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2006 xã Thần Sa). Đến năm 2013, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng phê duyệt tại Quyết định 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2013 và đến năm 2020 thì diện tích đất rừng tự nhiên đặc dụng (R.Tn.Đ) của 05 hộ dân nêu trên vẫn tiếp tục được quy hoạch là rừng đặc dụng.

Như vậy, việc UBND xã Thần Sa không căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2000 của UBND huyện Võ Nhai, Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã Thần Sa năm 2006, 2013 xác nhận cho 05 hộ dân có Đơn tự nguyện hiến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, có xác nhận của UBND xã Thần Sa của các chủ hộ ngày 16/5/2017 và đã được thống nhất tại biên bản làm việc ngày 16/5/2017 giữa đại diện các bên: UBND xã Thần Sa, xóm Ngọc Sơn II, hộ gia đình, thành phần tham gia loại đất là RSN (đất có rừng tự nhiên sản xuất) thời hạn sử dụng đến năm 2049, nguồn gốc sử dụng CN-KTT (Nhà nước công nhận QSDĐ không thu tiền) là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Xác nhận không đúng thẩm quyền.

Đặc biệt, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng được thành lập theo Quyết định số 3809/QĐ-UBND ngày 07/12/1999 của UBND tỉnh Thái Nguyên, Ban đã được giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng đặc dụng tại xã Thần Sa với diện tích 7.333 ha tại các tiểu khu 318A, 318B. Theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2013, diện tích quy hoạch đất rừng đặc dụng là 5.683,9 ha, giảm so với diện tích cấp Giấy chứng nhận quyến sử dụng đất là 1.649,1 ha, do chuyển sang đất rừng phòng hộ, đất rừng trồng. Như vậy, rõ ràng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng đã “buông lỏng quản lý” để các hộ dân, Cty Thăng Long, UBND xã Thần Sa “phá rừng trái pháp luật” được quy định tại Điều 20 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Tuấn Mạnh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tinh-thai-nguyen-bao-cao-gi-vu-lam-duong-xuyen-rung-dac-dung-vao-khu-khai-thac-vang-post53836.html