Tình thân châu Âu - Nga nở hoa sau G7?

Tổng thống Nga không lo ngại mâu thuẫn với G7, châu Âu tung lời cảnh báo cho Trump.

Thông tấn TASS của Nga ngày 10/6 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời báo chí về cuộc họp thượng đỉnh các nền kinh tế lớn (G7) đã có nhiều bất đồng.

Theo đó, Tổng thống Putin cho rằng, lời kêu gọi đưa Nga trở lại nhóm nước G7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến các đồng minh Mỹ không hài lòng và Nga cũng chưa hề chính thức rời khỏi nhóm G8.

Tổng thống Putin nói đừng đánh giá quá cao các bất đồng ở G7.

“Về việc Nga quay lại nhóm 7 nước, hay trước đây là nhóm 8 nước, chúng tôi chưa hề rời khỏi nhóm. Các quan chức các nước thành viên khác đơn giản là đã từ chối không đến Nga vì những lý do mà ai cũng biết. Chúng tôi sẽ rất vui nếu được gặp gỡ họ tại Moscow” - Tổng thống Nga cho biết.

Nga bị đẩy khỏi G8 sau động thái sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này 4 năm trước. Thế nhưng, tại thời điểm này, nói về những bất đồng xảy ra giữa các nước G7, Tổng thống Putin đã không coi đó là nghiêm trọng. Ông Putin nói với các phóng viên rằng, điều đó không có gì bất thường, cũng chẳng phải trớ trêu gì cả, tất cả chỉ cần sự bình tĩnh.

"Những điều đã xảy ra không có gì là bất thường hay trớ trêu. Nếu chúng tôi nhắc tới Cộng đồng kinh tế Á- Âu (EAEU), cũng có những tranh luận và không phải tất cả các thành viên đều ký ngay lập tức" - ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng, ông không có thông tin chi tiết về bất đồng xảy ra ở G7. Tuy nhiên, từ câu hỏi mà các phóng viên, ông Putin có thể đoán định, "chúng ta có thể thấy một số vấn đề nội bộ ở đó".

Sau đó, thay vì đề cập đến 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới và thông cảm về những bất đồng trong cuộc thượng đỉnh mới nhất, Tổng thống Nga lại ca ngợi thành công của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu, cho rằng đó là thể chế kinh tế có ưu điểm vượt trội so với G7 bởi các nước thành viên đã vượt qua nhóm nước G7 về sức mua tương đương.

Châu Âu mượn Nga để nhắc nhở ông Trump?

Thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang lâm vào một mâu thuẫn lớn với Tổng thống Trump, đặc biệt là việc áp thuế nặng vào hàng hóa của châu Âu nhập vào Mỹ.

Trong khi là những đồng minh của Mỹ, châu Âu đã có nhiều bước đi trên cùng một mặt trận trên cả lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, chính trị, đặc biệt là việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Tuy nhiên, những phản ứng làm mất lòng đồng minh của Mỹ đang khiến các thành viên G7 sôi sục.

Trong tuyên bố phát đi sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo G7 đã tuyên bố ý định, có thể đẩy mạnh trừng phạt Nga theo cách mà Mỹ đang làm. Đổi lại, họ đưa ra các yêu cầu trong đó, đặc biệt là việc nằm trong gói trừng phạt chống lại Iran của Mỹ và các yêu cầu khác về áp đặt thuế suất hàng hóa phải được thay đổi.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thông báo rằng tất cả các nước thông qua tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7, tuy nhiên, sau đó ông Trump đã từ chối ký văn bản này và nói rằng ông không ký bởi tuyên bố không đúng sự thật của Thủ tướng Canada.

Hội nghị thượng đỉnh G7 đã kết thúc với nhiều bất đồng hôm 10/6 khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ông có thể áp thuế ngành công nghiệp ôtô nhập khẩu.

Theo nhà phân tích chính trị người Nga - ông Alexander Asafov, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không ký tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh G7 là nỗ lực nhằm đánh lạc hướng khỏi cuộc thảo luận về đường lối kinh tế bảo hộ của Washington.

Tổng thống Trump không thể tránh mặt các đồng minh châu Âu và chơi bài lùi?

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã bác bỏ nhiều quan điểm phát triển kinh tế trước đó như rút khỏi các Hiệp định thương mại, chỉ trích các quy định của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO)...

"Trump hiểu rằng ông ta sẽ đối mặt với những tranh luận nghiêm túc, ví dụ, về vi phạm hợp tác toàn diện, bao gồm các quy định của WTO, các hiệp định thương mại, và vấn đề gay gắt nhất là mức thuế mới được đưa ra gần đây" - ông Asafov giải thích.

Chuyên gia Asafov cho rằng, hội nghị thượng đỉnh mới đây là nỗ lực củng cố "quan hệ mở rộng nhanh chóng" của tập thể phương Tây, gây sức ép với Mỹ nhưng Tổng thống Mỹ không muốn nhượng bộ.

Điều này là lý do vì sao nhà lãnh đạo Mỹ đã tìm các vấn đề khác như một tấm bia đỡ đạn để giảm bớt sự chú ý của phương Tây đối với chính sách kinh tế của ông. Ông đã đề nghị đưa Nga trở lại G8 và sau đó đã cố gắng "thay đổi chương trình nghị sự".

Trong bối cảnh này, khả năng các nước châu Âu có những động thái tích cực với Nga, để bù lại thiệt thòi từ chủ nghĩa bảo hộ Mỹ hoàn toàn phải được đặt ra. Nhiều người dự đoán, đó sẽ là dấu mốc trong việc cải thiện quan hệ thương mại giữa Nga và châu Âu?

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tinh-than-chau-au--nga-no-hoa-sau-g7-3359804/