“Tinh thần chung của Chính phủ là triệt để tiết kiệm”

(HQ Online)- Vấn đề cắt giảm chi tiêu công, nâng trần bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ đã được Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam phân tích rõ trên nhiều khía cạnh tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều 26-10.

Giải pháp nào dù tiết kiệm nhỏ tới mấy cũng rất khuyến khích. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Đang nghiên cứu chính sách khoán xe công

Cắt giảm chi tiêu công hiện nay là đề tài được cả Chính phủ và Quốc hội quan tâm, đặc biệt là siết chặt chi tiêu thường xuyên liên quan đến mua sắm xe công cho cán bộ. Về vấn đề này, phóng viên đặt vấn đề: “Bộ Tài chính năm 2005 đã có chủ trương khoán chi phí đi lại, nhưng cho đến nay chưa được thực hiện, vậy sắp tới, Chính phủ có chủ trương thực hiện việc khoán phí đi lại này không? Chi phí này chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách?”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời: Việt Nam là một nước vẫn còn nghèo. Sắp tới đây chúng ta sẽ đón công dân thứ 90 triệu. Đứng về dân số, chúng ta đứng hàng thứ 14 thế giới, nhưng quy mô kinh tế vẫn còn rất nhỏ, vẫn còn nghèo. Đương nhiên chúng ta phải tiết kiệm.

“Tinh thần chung của Chính phủ là triệt để tiết kiệm, đặc biệt trong tình hình thu ngân sách khó khăn thì việc đầu tiên phải tiết kiệm. Đầu tư công trình vẫn cần nhưng vốn đó phải sử dụng sao cho tiết kiệm nhất. Lãng phí không phải chỉ do thất thoát trực tiếp mà còn ở chủ trương đầu tư. Đầu tư đúng là tiết kiệm; đầu tư không đúng, để dàn trải, kéo dài, là lãng phí”- Bộ trưởng phân tích.

Về chi tiêu thường xuyên, theo Bộ trưởng, đương nhiên càng cần tiết kiệm, vì đầu tư có những thứ không thể đừng. Trong chi tiêu này, lấy số tròn là trên 60% tổng chi ngân sách dành cho chi sự nghiệp. Trong chi sự nghiệp, hơn 1/2 cho lương. Trong hai lĩnh vực: Đội ngũ y tế có 400.000 cán bộ, công nhân viên chức, nhân viên; Giáo dục mấy năm vừa qua, riêng số tăng thêm là 500.000 giáo viên.

Chi dành cho hệ thống hành chính thì chiếm một tỷ trọng thấp trong chi thường xuyên. Trong đó mua xe công từ nhiều năm đã được thắt chặt rất nghiêm ngặt. “Sau nhiều năm hạn chế mua xe công, năm ngoái Bộ Tài chính có mở ra cho mua, nhưng tinh thần chung là hết sức tiết kiệm. Còn chủ trương khoán xe công, trước đây đã làm, cũng có những đồng chí lãnh đạo nhận tiền khoán để đi taxi, thậm chí xe ôm.

Tinh thần của Chính phủ là bất kỳ giải pháp nào dù tiết kiệm nhỏ tới mấy cũng rất hoan nghênh khuyến khích. Bộ Tài chính đang nghiên cứu phân tích câu chuyện khoán. Một giải pháp đề ra và tồn tại nhiều năm, bao giờ cũng có mặt được và không, nó có lý của sự tồn tại. Giải pháp khoán cũng có mặt lợi, nhưng không phải không có hạn chế. Bộ Tài chính cùng các bộ đang phân tích đánh giá kỹ để trình Chính phủ.”- Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận: Vấn đề lớn nhất của tiết kiệm là phải làm sao có đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách xứng tầm, để chủ trương chính sách, không chỉ là việc chi tiêu bình thường, mà cả đầu tư hiệu quả. Chính sách đưa ra được sử dụng hiệu quả nhất, đấy chính là tiết kiệm nhất.

Các chính sách đều được lấy ý kiến đông đảo nhà khoa học

Khi phóng viên nêu lên lo ngại của các chuyên gia kinh tế và người dân về việc Chính phủ đề xuất nâng trần bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ có khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát có thể bùng phát, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhìn nhận:

Tất cả kế hoạch hằng năm, chi tiêu ngân sách, đầu tư cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch phát triển ngành và của các địa phương phần nhiều đều giao cho các cơ quan có chức năng nghiên cứu xây dựng, hoặc tham gia xây dựng. Trong quá trình thẩm định trước khi phê duyệt, cơ quan quản lý bao giờ cũng lấy ý kiến đông đảo các nhà khoa học. Rất nhiều vấn đề được nâng lên, đặt xuống, mỗi người đều có cái lý của mình nhưng Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội khi xem xét kế hoạch hằng năm và 5 năm đều xem xét rất tổng thể.

Cụ thể về nâng bội chi, “năm nay sản xuất kinh doanh khó khăn và Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách rất khó khăn. Lần đầu tiên sau mười mấy năm bị hụt thu. Kế hoạch đầu năm Chính phủ đã trình cuối năm ngoái và Quốc hội đã thông qua có nói năm 2013 sẽ thu được bao nhiêu tiền và chi bao nhiêu tiều, chi vào đâu, đều rất cụ thể. Đến gần cuối năm thấy sự thu hụt, việc xin nâng bội chi là để bù vào thực hiện chính bội chi mà chúng ta đã làm năm ngoái chứ không phải nâng chi lên để làm cái mới. Do đó, đây không phải là in thêm tiền để làm việc mới ngoài kế hoạch nên không gây lạm phát như nhiều người lo lắng.”- Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng làm rõ thêm: Về số liệu, cách đây 2-3 tháng, Bộ Tài chính rà soát lại và dự kiến hụt thu khoảng 63.000 tỷ đồng. Trong khi đó tổng vốn đầu tư từ NSNN năm 2013 khoảng 185.000 tỷ đồng. Trần bội chi được nâng từ 4,8% lên 5,3%, tương ứng 18.500 tỷ đồng. Đây là cố gắng để đầu tư vào những chỗ cho đầu tư phát triển nhưng mà nguồn thu không có, chứ không phải nâng trần bội chi lên hết để đủ bù 63.000 tỷ đồng hụt thu.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tinh-than-chung-cua-chinh-phu-la-triet-de-tiet-kiem.aspx