Tình thân của những người lính 'uống chung' dòng nước Sebanghien

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng những năm qua, Đại đội bảo vệ biên giới 321, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Savannakhet (Lào) và Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị đã có nhiều hoạt động phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên khu vực mình phụ trách. Dốc cao, vực sâu lại càng đong đầy thêm tình đoàn kết, gắn bó của những người lính bảo vệ biên giới Việt Nam và Lào.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập và Đại đội bảo vệ biên giới 321 tuần tra song phương tại khu vực mốc 578. Ảnh: Trúc Hà

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập và Đại đội bảo vệ biên giới 321 tuần tra song phương tại khu vực mốc 578. Ảnh: Trúc Hà

Đón chúng tôi là Thượng úy Bua Khăm Sen Bút Tá Lạt, Phó Đại đội trưởng Đại đội bảo vệ biên giới 321 (gọi tắt là Đại đội 321) bằng cái bắt tay thật chặt. Từ lâu, Trung tá Ma Phương Trình, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Lập hay Thượng úy Ngô Văn Lực, Thiếu úy Lê Ngọc Hà không còn là những cái tên xa lạ đối với cán bộ, chiến sĩ Đại đội 321 bởi công việc phối hợp giữa 2 đơn vị thường xuyên, liên tục.

Vốn tiếng Việt của Phó Đại đội trưởng Bua Khăm Sen không nhiều nhưng cũng đủ để diễn đạt những điều mình muốn nói. Thiếu úy Vị Lạ Bu Li có nhiều năm ở các đại đội bảo vệ biên giới, rồi tự học nên khả năng nói tiếng Việt của anh rất tốt. Mặt khác, việc học tiếng Lào của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập cũng luôn được anh em chú trọng. Ngoại trừ Thiếu úy Lê Ngọc Hà mới tốt nghiệp khóa học 9 tháng tiếng Lào tại trường Trung cấp Biên phòng 2 thì ai cũng “dắt lưng” cho mình vốn tiếng Lào đủ để hiểu phía bạn nói gì.

Đồn Biên phòng Hướng Lập và Đại đội 321 quản lý 28,5km đường biên giới giữa 2 nước Việt Nam - Lào, gồm 16 mốc, 5 cọc dấu. Mỗi quý 1 lần, 2 bên tổ chức tuần tra song phương để kiểm tra đường biên, cột mốc. Những cột mốc 577-578, hay 579-580 với vách cao dựng dứng, phải đi mất cả ngày trời mới tới nơi. Trên những cung đường khó, mọi người lại giúp nhau mang ba lô, đồ đạc, chia nhau những ngụm nước cuối cùng trong bình tông. Mọi mệt nhọc chỉ tan biến khi cán bộ, chiến sĩ kiểm tra mốc xong vẫn nguyên vẹn hoặc tìm được nguyên nhân hư hỏng do tự nhiên tác động, không phải do con người.

Thiếu tá Ma Phương Trình cho biết, mỗi khi 2 đơn vị tuần tra chung, đội tuần tra của Đồn Biên phòng Hướng Lập sẽ chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho cả đoàn. Cũng chính những lần ấy, được ăn những món ăn Việt Nam, từ chỉ huy đến cán bộ, ai cũng thấy thích. Dịp đầu năm vừa rồi, chỉ huy Đại đội 321 ngỏ ý nhờ Đồn Biên phòng Hướng Lập “tập huấn” cho cán bộ nuôi quân của đơn vị. 1 tuần liền, Phu La Ming, Thô Ni tập làm các món nem, cá kho tộ, thịt kho tàu. Và anh nuôi của đồn cũng “tranh thủ” tìm hiểu về các gia vị cũng như cách chế biến một số món của người Lào. Bởi vậy, trong các bữa cơm của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 321 luôn có hương vị Việt Nam. Và ngược lại, các món ăn của Đồn Biên phòng Hướng Lập đôi khi lại mới lạ bởi gia vị đặc trưng của người Lào.

Đại đội 321 có 5 trung đội đóng quân dọc theo 101,8km đường biên giới của tỉnh Savannakhet. Điều đặc biệt là cứ 3 tháng 1 lần, các trung đội luân chuyển vị trí công tác. Khi đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ của trung đội sẽ di chuyển cùng đơn vị, bởi vậy dù Đồn Biên phòng Hướng Lập chỉ phối hợp với Đại đội 321 quản lý, bảo vệ chưa đầy 29km, nhưng tất cả mọi người đều biết nhau. Cảm mến nhau qua những lần tiếp xúc, cùng nhau giải quyết công việc, ngôn ngữ không còn là rào cản, vậy nên tất cả đều thân thuộc như anh em một nhà.

Gia đình Thượng úy Bua Khăm Sen ở tỉnh Savannakhet, đường từ đơn vị về nhà là những cung đường đất đỏ, mùa mưa xuống dễ trở thành những dòng sông bùn, bởi vậy anh thường qua cửa khẩu phụ Tà Rùng rồi từ đó theo đường Hồ Chí Minh qua cửa khẩu Lao Bảo để về Savannakhet. Không chỉ riêng anh mà gần như tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có gia đình ở Savannakhet hay Salavan, Pakse, Sekong đều sử dụng cung đường này...

Bằng vốn từ ít ỏi, Thượng úy Bua Khăm Sen cố gắng diễn tả cho chúng tôi nghe về tình gắn bó Việt Nam - Lào ở vùng đất này, anh nói: “Dòng sông Sebanghien bắt nguồn ở Việt Nam, nhưng rồi cũng chảy qua đây để tưới tắm cho thửa ruộng của người Lào. Giờ, những người lính bảo vệ biên giới Lào muốn về quê lại phải đi nhờ qua đất Việt. Đấy, từ con người đến thiên nhiên, Việt - Lào anh em lúc nào cũng phải gắn bó với nhau, không tách rời được đâu”. Chúng tôi ai nấy bật cười vì sự ví von của Phó Đại đội trưởng Bua Khăm Sen, dí dỏm mà lại rất có lý. Đúng là, chuyện gắn bó này có từ những điều đơn giản nhất.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tinh-than-cua-nhung-nguoi-linh-uong-chung-dong-nuoc-sebanghien/