Tinh thần của toàn ngành là quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả

Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa XII) đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH với nhiều điểm mới và mang tính đột phá. Ngành BHXH đang tích cực đưa Nghị quyết vào cuộc sống trên tinh thần quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận xung quanh vấn đề này.

Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

+ Xin ông cho biết những kết quả quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHXH thời gian qua? Tại sao chúng ta phải cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, thưa ông?

- Ông Đào Việt Ánh: Chính sách BHXH ngày càng khẳng định vai trò trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, là một trong những thước đo đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Thực hiện chủ trương phát triển BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước ta, trong giai đoạn 5 năm 2013 – 2017, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác thực hiện chính sách BHXH và đã đạt được những mục tiêu cơ bản. Diện bao phủ BHXH không ngừng được mở rộng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng.

Đầu tiên phải kể đến đó là Ngành đã có kết quả tích cực trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN. Đối tượng tham gia BHXH phát triển tăng mới được 3,25 triệu người so với năm 2012 (tăng 30,8%), bình quân mỗi năm tăng khoảng 650.000 người (6,2%/năm). Đến hết năm 2017 số người tham gia BHXH là 13,82 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,3 triệu người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH), đạt 25,8% so với lực lượng lao động; số người tham gia BHTN đến hết năm 2017 là gần 11,8 triệu người đạt 22% so với lực lượng lao động. Trong 08 tháng đầu năm 2018, những con số này tiếp tục có sự tăng trưởng khá.

Thứ hai là thực hiện tốt việc giải quyết và chi trả các chế độ BHXH. Bình quân hằng năm giải quyết cho trên 150 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, đưa tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng tại thời điểm 31/12/2017 lên gần 3,2 triệu người, tăng 18,7% so với năm 2012; trên 8,5 triệu lượt người hưởng các khoản trợ cấp một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; tổ chức chi trả chế độ BHTN cho trên 700 nghìn lượt người.

Mặc dù vậy, trong thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện
chính sách, pháp luật BHXH vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Đó là hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn thấp so với tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần chưa có xu hướng giảm.

Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Các chế độ BHXH chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, đang chỉ tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn có những điểm bất cập...

+ Ngày 23/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội. Ông đánh giá như thế nào về sự đột phá trong những “điểm mới” của Nghị quyết này?

- Ông Đào Việt Ánh: An sinh xã hội cho mọi người dân luôn được Đảng ta quan tâm sâu sắc và không ngừng hoàn thiện, đổi mới phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ; điều này thể hiện rất rõ tại văn kiện qua các kỳ Đại hội và từng chủ trương, chính sách cụ thể. Đặc biệt, ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020”. Trong đó đề ra mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.

Nay với việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 28 về Cải cách chính sách BHXH, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với chính sách BHXH. Với mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân, có thể khẳng định đây vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức cho các Bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật BHXH cũng như cơ chế tổ chức thực hiện BHXH phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những thách thức trong dịch chuyển lao động, thay đổi cơ cấu ngành – nghề, mối quan hệ lao động trong cuộc cách mạng 4.0.

Phải khẳng định rằng, Nghị quyết 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH đã kịp thời “tháo gỡ” những hạn chế và có thể được coi như là “luồng gió mới” bởi dấu ấn này đã khẳng định một bước chuyển biến quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước. Tinh thần đổi mới, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực này, tôi tin rằng sẽ mang lại những đột phá.

+ Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân và toàn xã hội, đòi hỏi phải có sự quyết liệt, đồng bộ và nỗ lực của cả hệ thống chính trị thưa ông?

- Ông Đào Việt Ánh: Đúng vậy! Trong hệ thống An sinh xã hội của nước ta, BHXH được coi là trụ cột chính, có vai trò quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; trực tiếp giảm thiểu rủi ro cho người lao động ngay cả khi đang làm việc (hưởng chế độ ngắn hạn thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) và quan trọng hơn là bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho đến hết cuộc đời (chế độ dài hạn hưu trí, tử tuất và BHYT).

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và thực hiện chính sách bảo đảm An sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước, thể hiện tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Để Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH đi vào cuộc sống, đạt được hiệu quả thì cần phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành BHXH, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

+ Đến thời điểm này toàn ngành BHXH đã có những bước triển khai thực hiện Nghị quyết như thế nào thưa ông?

- Ông Đào Việt Ánh: Phải nói rằng, việc cải cách bao giờ cũng là sự thay đổi sâu rộng, không dễ thực hiện. Việc triển khai có nhiều thách thức, nhất là với các cơ quan liên quan trực tiếp tới việc tổ chức thực hiện chính sách như chúng tôi. Thực hiện được lộ trình BHXH toàn dân, khối lượng công việc của Ngành BHXH vốn đã rất nặng nề sẽ tiếp tục tăng lên theo cấp số nhân, đòi hỏi Ngành phải tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính cũng như triệt để hơn trong ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó là tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn và quy trình nghiệp vụ hướng đến người dân phải thuận lợi hơn. Đặc biệt, cần biến những thách thức thành cơ hội để thực hiện tốt hơn công việc của mình.

Chúng tôi cũng chú trọng đặc biệt công tác truyền thông cả về bề rộng lẫn chiều sâu và phải đi trước một bước. Chúng tôi cũng tích cực nghiên cứu bài bản, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cụ thể, có thí điểm triển khai và lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi.

Ngay sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành, BHXH Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW một cách nghiêm túc, sâu rộng trong toàn Ngành, làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức viên chức thống nhất nhận thức và nắm vững các quan điểm của Đảng về cải cách chính sách BHXH. Để cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị, cũng như mỗi cán bộ, đảng viên, công chức viên chức có tư duy và hành động cụ thể để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết ngay tại cơ sở. Xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; đồng thời cụ thể hóa, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện vào chương trình, kế hoạch công tác của Ngành ngay từ 6 tháng cuối năm 2018 và hằng năm. Các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương, có trách nhiệm cụ thể hóa chương trình hành động của BHXH Việt Nam thành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị, đảm bảo góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra.

+ Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35%, giai đoạn đến năm 2025 đạt khoảng 45%, giai đoạn đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể thấy dư địa khai thác cho BHXH còn khá lớn song những thách thức và rào cản để mở rộng cũng không ít. Chúng ta cần phải làm gì để đạt mục tiêu mở rộng độ bao phủ, thưa ông?

- Ông Đào Việt Ánh: Để thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp: Tiếp tục thực hiện trao đổi thông tin với cơ quan Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh (Kế hoạch & Đầu tư), cơ quan quản lý nhà nước về lao động để thống kê, xác định số đơn vị đang hoạt động, số lao động đang làm việc thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo luật định để cơ quan BHXH tăng cường đôn đốc, thanh tra, kiểm tra yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia và đóng BHXH cho người lao động.

Sắp tới chúng tôi sẽ lên Kế hoạch khảo sát toàn bộ các doanh nghiệp do cơ quan Thuế cung cấp trên phạm vi cả nước; rà soát, tổng hợp, thống kê số doanh nghiệp đã tham gia BHXH; số doanh nghiệp; số lao động trong các doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa tham gia; tìm nguyên nhân để có căn cứ khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa việc kê khai mẫu biểu hồ sơ đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN; ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH. Đồng thời, thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chính sách, pháp luật về BHXH, nhất là về trách nhiệm và quyền lợi của người sử dụng lao động, người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi tọa đàm về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, phát tờ rơi...

Nguồn: bhxhvinhphuc.gov.vn

Mới đây, ngày 03/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Đây chính là định hướng chỉ đạo hết sức quan trọng để cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo triển khai. Với vai trò là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cũng sẽ có chỉ đạo BHXH các địa phương bám sát tiến độ thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, chủ động tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đưa ra các giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH. BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có điểm thu BHXH tự nguyện, có nhân viên đại lý thu. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện đối với nhân viên đại lý thu để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân.

+ Có thể coi đây là một cuộc cách mạng, là một chủ trương lớn với 11 nhóm giải pháp có tính chất đột phá sẽ tạo ra bước chuyển đổi mạnh mẽ về chính sách BHXH trên thực tiễn, hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân. Một chủ trương tốt đã có nhưng để “cán đích” thì việc tổ chức thực hiện là rất quan trọng, thưa ông?

- Ông Đào Việt Ánh: Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân và toàn xã hội, đòi hỏi phải có sự quyết liệt, đồng bộ và nỗ lực cả hệ thống chính trị. Với trách nhiệm được giao, ngành BHXH sẽ căn cứ Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và tình hình thực tế để xác định những nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu cụ thể, xây dựng chiến lược và kế hoạch hằng năm, trong đó triển khai một số nhóm nhiệm vụ sau:

Một là, tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH nhằm hiện thực hóa Nghị quyết. Qua thực tế hơn 20 năm được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách BHXH, ngành BHXH Việt Nam hiểu rất rõ về những khó khăn, vướng mắc, mong muốn của người lao động cũng như người sử dụng lao động. Vì vậy, Ngành sẽ chủ động, tích cực tham gia với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, cụ thể hóa Nghị quyết của BCH Trung ương, đảm bảo phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, tiến bộ xã hội, công bằng xã hội trong từng giai đoạn.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH đến mọi người lao động. Tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH được xem là giải pháp đầu tiên trong nhóm 05 nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, thực tiễn hơn 20 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH cho thấy, khi nào người dân, người lao động hiểu rõ tầm quan trọng, thấy được lợi ích của chính sách và chủ động tham gia thì thu được rất nhiều kết quả. Vì vậy, ngành BHXH sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương để công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH một cách đồng bộ hơn, khoa học hơn và bài bản hơn. Gắn kết chặt chẽ hơn công tác tuyên truyền với hiệu quả, kết quả đạt được. Ưu tiên tuyên truyền trên các kênh có tác động xã hội lớn; đồng thời, chú trọng tuyên truyền đến những đối tượng tiềm năng nhưng kết quả tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH còn hạn chế. Nội dung tuyên truyền cần đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền mục tiêu an sinh xã hội bền vững và lâu dài trong cải cách chính sách BHXH.

Ba là, đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hơn nữa năng lực và chất lượng phục vụ của ngành BHXH, trong đó tiếp tục ưu tiên cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ BHXH. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các Bộ, ngành liên quan, tạo tiền đề để giảm thủ tục hành chính. Thực hiện giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, tới tất cả tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách. Tromg quá trình tổ chức thực hiện, lấy chỉ tiêu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là chỉ tiêu đánh giá chất lượng phục vụ.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Nghị quyết 28-NQ/TW về Cải cách Chính sách BHXH được đánh giá là rất kịp thời “tháo gỡ” những hạn chế và có thể được coi như là “luồng gió mới” bởi dấu ấn này đã khẳng định một bước chuyển biến quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước. Tinh thần đổi mới, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực này, tôi tin là chắc chắn sẽ mang đến sự đột phá.

Bảo Minh - Thiên Trường

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/tai-chinh-bao-hiem/tinh-than-cua-toan-nganh-la-quyet-liet-dong-bo-hieu-qua-43478