Tinh thần làm việc, phải lo từ bây giờ

TPO - Hai năm trước, ngày 25-11-2009, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên ở Việt Nam (VN).

Vận hành nhà máy điện hạt nhân:

> Ký hợp đồng tư vấn dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Để chủ trương thành hiện thực, TS Tô Lệ Hằng, cựu chuyên viên Viện Bảo vệ&An toàn Hạt nhân Pháp, chia sẻ một số quan tâm của bà trên cơ sở 30 năm kinh nghiệm ở Pháp về an toàn hạt nhân.

“Yếu tố quan trọng nhất VN cần quan tâm ngay từ bây giờ là tinh thần làm việc của người khai thác lò”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dimentionsguide.com).

Tiền, công nghệ thôi chưa đủ

Được biết bà là một trong những chuyên gia người Việt lâu năm ở Pháp về an toàn hạt nhân. Vậy tại sao bây giờ bà mới phát biểu ý kiến về việc xây dựng NMĐHN ở VN ?

Từ sau tai nạn NMĐHN Fukushima của Nhật Bản hồi tháng 3-2011, đã có rất nhiều bài đăng về việc xây NMĐHN ở VN và phần đông là chống đối. Các bạn bè trong và ngoài nước hỏi tôi trong nghề nghĩ sao. Để trả lời các bạn đó, tôi cũng chân thành tóm tắt vài ý nghĩ của tôi tuy không có gì mới lạ.

Từ bên ngoài nhìn vào, theo bà, tại sao bây giờ VN cần NMĐHN?

Thắc mắc đầu tiên của tôi vẫn chưa được ai trả lời nghiêm túc theo lối nói có sách, mách có chứng. Đấy là VN hiện nay có cần NMĐHN không? Theo thiển ý, muốn trả lời thì ít nhất cần nắm rõ được hai yếu tố.

Thứ nhất, tiềm năng tất cả các nguồn năng lượng ở VN hiện nay ra sao. Một thí dụ nhỏ, mọi người đều công nhận những nơi khai thác được thủy điện đều đã đặt đập nước hết rồi ; tuy nhiên người ta không đồng ý với nhau là các đập đó có được dùng 100% công suất không hay là tổng công suất dùng được chỉ là 10%.

Thứ hai, cần làm bài toán kinh tế của VN để so sánh điện hạt nhân (ĐHN) với các nguồn năng lượng khác để xem đắt rẻ ra sao. Dĩ nhiên, ở đây phải so sánh các nguồn cùng ngang công suất và có tính khả thi chắc chắn ở VN rồi như dầu lửa, điện mặt trời, hay biogaz chẳng hạn. Chứ không nên so sánh những loại năng lượng còn phải được thí nghiệm như đia nhiệt hay "nhà máy điện gió" đặt ngoài biển. Đơn giản vì VN chưa đủ giầu để thử những chương trình lớn như vậy. Ngoài ra nếu dùng giá thành kW của các loại điện nguồn gốc khác nhau ở Pháp hay Mỹ để làm giá ở VN mà lý luận đắt rẻ thì không chính xác. Trình độ kỹ thuật và nguồn cung cấp mỗi loại nguyên liệu của cả ba nước đều khác nhau nhiều.

Theo bà, sắp tới đây, VN phải tổ chức ra sao cho an toàn?

Tôi thấy hiện nay có hai dạng mua lò. Dạng thứ nhất là mua theo kiểu chìa khóa trao tay. Dạng này hình như áp dụng cho trường hợp lò đầu tiên đặt ở Tỉnh Ninh Thuận mà VN mua của Nga. Dạng thứ hai là xây dựng – vận hành –chuyển giao (BOT) như năm 2008 Nhật Bản đề nghị bán lò cho VN. Phương thức mua dưới dạng này thì VN mất chủ quyền nhưng đỡ ngại cho dân hơn. Làm bậy về kinh tế (nếu có) thì dân chỉ nghèo, chứ làm bậy về ĐHN thì dân thiệt mạng.

Hiện nay các nước tiên tiến về ĐHN đã họp thành nhiều công ty quốc tế và bầy hàng các NMĐHN với thiết kế cùng một mức độ an toàn. Nhưng ngoài giá thành, còn cần phải so sánh thêm về cách tổ chức và kết quả vận hành ở mỗi nước.

TS Tô Lệ Hằng sống xa quê hương gần 50 năm nay. Bảy năm gần đây, bà trở lại quê hương ba lần để tìm hiểu tình hình điện hạt nhân ở VN với mục đích làm thiện nguyện.

Tinh thần làm việc, lo nhất

Bà có thể giải thích thêm về những yếu tố quan trọng nhất?

Cho tới hôm nay, trong bốn nước đứng đầu thế giới về số NMĐHN thì Hoa Kỳ tuy có nhiều loại lò và bị vụ Three Miles Island (TMI) nhưng chỉ nóng chảy tâm lò chứ bên ngoài không bị ô nhiễm phóng xạ. Liên Xô (cũ) thảm hại với vụ Chernobyl. Nhật Bản bị vụ Fukushima nhưng không đến nỗi thiệt hại nhân mạng như ở Liên Xô (cũ).

Tuy nhiên, các bài học rút ra từ tai nạn Fukushima đến nay vẫn chưa xong, mặc dù Chính phủ Nhật đã nhận lỗi không kiểm soát kỹ hồ sơ an toàn của thiết kế lò và hãng vận hành cũng đã khơi ra các nhược điểm về tổ chức trong lúc xử lý tai nạn.

Pháp không bị gì, có thể nhờ ở Pháp chỉ khai thác một loại lò phản ứng nuớc áp suất (REP) nên áp dụng bài học phản hồi kinh nghiệm vận hành kỹ và tốt hơn (Hoa Kỳ có nhiều loại lò). Đặc biệt, truyền thống phản biện ở Pháp mạnh hơn Nhật Bản. So sánh kinh nghiệm bốn nước đó thì có thể tóm tắt yếu tố quan trọng nhất là tinh thần làm việc của người khai thác lò.

Bà nhận xét tinh thần đó hiện tại ở VN ra sao ?

Năm 2004, tôi có bàn chuyện ĐHN ở VN với hai cựu đồng nghiệp về nước phục vụ ở lò phản ứng ở Đà Lạt. Anh thứ nhất than tính làm ẩu của nhân viên. Anh thứ hai thì ngán tính làm lấy được của lãnh đạo. Bây giờ sau kinh nghiệm sáu năm tiếp xúc với các viện lớn ở VN, tôi e rằng hai nhận xét đó rất chí lý!

Tôi nghĩ chuyên gia trong nước ai cũng thấy các khuyết điểm đó nhưng tại sao rất ít vị chịu nhấn mạnh để cải thiện? Khi còn thái độ bưng bít thì không thể nào tiến bộ trong khoa học. Đấy là chưa kể đến hậu quả tai hại trong những cơ sở phức tạp như một NMĐHN. Điều này làm cho những chuyên gia ở nước ngoài yêu VN vẫn ngần ngại cộng tác, vì không muốn tham dự vào môt việc hoặc sẽ không thực hiện được hoặc sẽ quá nguy hiểm cho dân chúng.

Điều bà lo nhất cho việc xây dựng NMĐHN ở VN bây giờ là gì ?

Truyền bá kiến thức khoa học là chuyện dễ nếu người giảng nắm vững được đề tài. Còn huấn luyện tinh thần từ trên tới dưới để cùng làm việc, cẩn nghiêm túc và có trách nhiệm, việc này không phải dễ và nhanh được. Đây là yếu tố Văn hóa An Toàn mà tôi đã đề cập trong bài học kinh nghiệm tai nạn Chernobyl hồi cuối năm ngoái.

Tôi chỉ chuyên về an toàn hạt nhân nên vẫn còn những thắc mắc trên. Cho tới khi được trả lời rõ ràng những điều đó, tôi chỉ dám nhận công việc thiện nguyện phổ biến kiến thức bằng cách dịch sách chuyên môn hay viết các bài thông tịn về an toàn ĐHN mà thôi.

Mong kinh nghiệm phong phú của bà sẽ hỗ trợ hiệu quả cho một nền văn hóa an toàn hạt nhân ở VN.

Quốc Dũng (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/khoa-giao/559297/tinh-than-lam-viec-phai-lo-tu-bay-gio-tpp.html