Tinh thần noi gương của một người chỉ huy, một người lính

Trong 6 Điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND có ghi rõ: 'Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ'. Đây là giá trị nhân văn cao cả trong quan hệ giữa người với người, là truyền thống quý báu tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đối với cán bộ, chiến sỹ CA, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ của mình thì cần phải có sự phối hợp, giúp đỡ đồng chí, đồng đội để cùng nhau hoàn thành công việc. Nổi bật trong phong trào CA Thủ đô học tập, làm theo lời Bác có tấm gương Thiếu tá Phạm Thị Thùy Dương, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế- CATP Hà Nội.

Không ngại đi trinh sát, không nản trước khó khăn

Ở cương vị chỉ huy phòng nhưng trong công việc, Thiếu tá Thùy Dương luôn tận tâm, tận tụy như một người lính. Vào những đợt cao điểm làm án, chị không nề hà bất cứ việc gì như xuống cơ sở, đi trinh sát cùng anh em bất kể đêm khuya hay sáng sớm bởi theo chị, muốn là người chỉ huy tốt thì nhất định phải sâu sát địa bàn, phải hiểu anh em; đánh giá toàn diện các yếu tố chủ quan lẫn khách quan sau mỗi vụ án để xác định mức độ hoàn thành công việc của từng người.

Chuyện trò với Thiếu tá Thùy Dương, người đối diện dễ dàng cảm nhận được niềm say mê với công việc của chị. Nữ Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế CATP cho hay, càng ngày chị càng thấy yêu nghề, có lẽ là bởi chất trinh sát điều tra đã ngấm vào người chị sau hơn chục năm gắn bó. Chọn nghề này, chị chưa bao giờ ngại đi trinh sát, chưa bao giờ nản chí trước khó khăn. Có những vụ án, chị vất vả đêm hôm cùng anh em, hơn 0g mới ăn tối hay 15g mới ăn trưa là chuyện không hiếm. Có nhiều đêm làm án căng thẳng đến mất ngủ; giấc ngủ chập chờn, khó nhọc mà chỉ cần thoáng le lói về hướng điều tra là chị lập tức bật dậy mở hồ sơ. Giấc ngủ ngon chỉ đến với chị khi vụ án kết thúc thành công. Và những thành công này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của cả tập thể; trong đó sự quyết đoán, sáng suốt của người chỉ huy đối với việc đưa ra mệnh lệnh có tính chính xác cao.

Thiếu tá Phạm Thị Thùy Dương (giữa) cùng đồng đội bàn bạc phương án điều tra trong một vụ án lớn. Ảnh: NVCC

Thiếu tá Phạm Thị Thùy Dương (giữa) cùng đồng đội bàn bạc phương án điều tra trong một vụ án lớn. Ảnh: NVCC

Ngay ngắn, trung thực với cấp trên; noi gương với cấp dưới

Theo Thiếu tá Thùy Dương thì làm cán bộ chiến sỹ CAND, việc rèn thân là rất quan trọng. Nói và làm thế nào để anh em, cán bộ nhìn vào mà noi theo, học tập là một yêu cầu không thể thiếu; bởi vậy chị rất coi trọng nếp sống, lề lối làm việc của bản thân. Muốn anh em tôn trọng, nể phục thì phải sống đúng mực, làm việc hết mình và rèn thân hàng ngày. Muốn anh em cố gắng, không thoái thác công việc thì phải đến trước, làm trước nhưng về sau cùng. Chị suy nghĩ như vậy và làm cũng đúng như vậy.

Là người đi trước, chị Thùy Dương cũng nhấn mạnh vào công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho thế hệ đi sau. Chị không ngại chia sẻ kinh nghiệm làm điều tra, kinh nghiệm tích lũy được trong công việc lẫn cuộc sống cho các anh chị em trong đội. Đặc biệt, với không ít khúc mắc của chị em phụ nữ, chị Thùy Dương sẵn sàng đưa ra lời khuyên hợp lý, hợp tình; những lúc ai khó khăn cần trợ giúp, chị cũng hết lòng giúp đỡ với mục đích sau cùng là gieo vào mỗi thành viên tinh thần yêu thương, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để đưa con thuyền chung đi đúng hướng.

Với cấp dưới là vậy, còn với cấp trên, Thiếu tá Thùy Dương luôn tâm niệm: Sự ngay ngắn, trung thực, trách nhiệm trong công việc… là những yếu tố quan trọng để cấp trên tin tưởng vào mình. Và theo chị, mệnh lệnh cao nhất đối với mỗi chiến sỹ CAND là sự tuân thủ pháp luật; là tình đồng chí đồng đội; là trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là niềm tin vào Đảng, vào công lý cũng như tin vào chính bản thân mình… Những yếu tố đó là sức mạnh, là lý tưởng vừa hun đúc tình yêu nghề; vừa thổi bùng lên ngọn lửa đam mê công việc trong mỗi chiến sỹ CAND.

Điệp Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tinh-than-noi-guong-cua-mot-nguoi-chi-huy-mot-nguoi-linh-136682.html