Tinh thần Quốc gia

Phải lâu lắm rồi, người dân mới cảm nhận được luồng gió mới từ những chủ trương chống tham nhũng, kiên quyết xử lý sai phạm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6 năm 2016.

Hơn hai năm qua, hàng loạt khuất tất của các cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị vạch trần, bị bóc tách. Những cá nhân trót nhúng chàm bị xử lý theo luật định.

Quan sát rất cẩn trọng, Ngô tin rằng sẽ có nhiều tín hiệu tốt từ phía tương lai khi mà niềm tin trong nhân dân được củng cố, khi mà nội lực quốc gia được phục hồi, khi mà ngân sách được đảm bảo không lạm chi.

Trong bài viết này, Ngô tôi chỉ xin lạm bàn về tinh thần quốc gia. Bởi đẩy mạnh công cuộc làm trong sạch bộ máy chính là một dạng tinh thần quốc gia.

1. Nhiều lần ngồi tán gẫu với bằng hữu, chúng tôi vẫn thường trò chuyện vì sao nội lực của quốc gia suy yếu đi. Có phải vì thiếu tài nguyên. Chắc chắn là không. Có phải vì thiếu người có tài có tâm lãnh đạo. Hẳn nhiên là không. Có phải vì quốc tế cô lập? Tuyệt đối là không. Vậy thì tại sao? Mỗi người một quan điểm, duy có Ngô bảo lưu quan điểm cá nhân, nội lực suy yếu là do chính chúng ta.

Một quốc gia mạnh hay yếu, văn minh hay tụt hậu, thì chắc chắn một điều rằng nền tảng phải dựa vào tinh thần quốc gia. Phải có một tinh thần quốc gia thì mới chung tay mà xây dựng, phải có tinh thần quốc gia thì mới không lấy của công làm của tư, phải có tinh thần quốc gia thì mới không tạo nên lợi ích nhóm, phải có tinh thần quốc gia thì mới không lợi dụng chức vụ quyền hạn mà làm điều xằng bậy, phải có tinh thần quốc gia thì mới không gạt người tài đề bạt người nhà, phát quang hoạn lộ để nhấn đệ tử con nhang của mình vào cái ghế nào đó để về sau dễ bề sai xử…

Phải có một tinh thần quốc gia thì người ta mới không dám nộp công văn cho Trung ương xin được làm quảng trường, xin được làm tượng đài nghìn tỷ; không dám lạm bàn về nhà hát giao hưởng trong bối cảnh lòng dân còn bức bối.

Một cán bộ lãnh đạo địa phương xong nhiệm kỳ chính trị, dấu ấn để lại chính là lòng dân, chính là đã giúp được gì cho dân, đã giúp được gì cho tỉnh nhà.

Chứ làm sao một cán bộ lãnh đạo địa phương xong nhiệm kỳ chính trị lại tự hào vì để lại cho nhân dân tỉnh nhà một quảng trường, một tượng đài trong bối cảnh dân còn đầu đội đơn kêu oan vì mất đất, trong bối cảnh dân còn mỏi mệt vì đường sá nay đào mai xới, trong bối cảnh dân cái gì cũng thiếu, chỉ mỗi năng lượng tiêu cực là luôn thừa mứa.

Minh họa: Hùng Dingo

Nếu có tinh thần quốc gia, cán bộ lãnh đạo sẽ biết xấu hổ khi phải đánh công văn xin Trung ương cho gạo cứu đói. Nếu có tinh thần quốc gia, cán bộ lãnh đạo sẽ hiểu rằng, khi coi sóc nhân dân trong một tỉnh mà để nhân dân thiếu đói chạy ăn tức là không hoàn thành trọng trách được Trung ương giao phó, thiếu năng lực trong việc hoạch định chính sách, tạo cơ chế cũng như điều kiện trước hết để nhân dân đủ cơm ăn, áo mặc; để nhân dân thoát nghèo và trở nên giàu có.

Ví dụ này Ngô từng dẫn chứng nay xin dẫn chứng lại để bạn đọc đỡ quên. Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, mấy năm trước người dân hồ hởi đến tham dự khánh thành ngôi trường mang tên Phan Thế Phương.

Ông Phan Thế Phương là lãnh đạo cấp Sở của tỉnh Thừa Thiên Huế. Xét về phẩm hàm, ông Phương chỉ bé xíu, ông ấy là Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vậy mà, ngày ông Phương mất do tai nạn giao thông, người dân cơm nắm cơm đùm khắp nơi đến dự tang ông. Ai cũng thương cũng tiếc ông chân thành.

Ông Phương là người dạy cho dân Quảng Công, nói là hướng dẫn cho hợp thời, cách nuôi con tôm con cá. Ông biến một vùng đất khốn khó thay da đổi thịt thành nhà tường, nhà lầu. Con em của người dân đủ điều kiện để đến trường, người dân mỗi dịp lễ tết được vui chơi không còn cảm thấy đó là gánh nặng.

Dân có bạc với lãnh đạo tốt bao giờ. Ngày ông Phương mất, nhân dân lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng. Mà ngay cả khi mất, ông Phương vẫn vì nhân dân, ông mất trên chuyến xe đi công tác học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi trồng thủy hải sản để cập nhật kiến thức rồi về phổ biến lại cho bà con nhân dân trong vùng.

Chuyện ông Phương có lâu chưa? Đã lâu đâu, bởi tính đến nay chỉ mới đúng hai mươi bảy năm. Hai mươi bảy năm thôi, chứ không phải là chuyện mấy trăm năm, cũng không phải là chuyện người xông pha trận mạc giữ tròn vẹn cương thổ cho giang sơn, cũng không phải là tích cáo lão từ quan vì khí tiết trung thần.

Người cán bộ vì dân vì nước bao giờ cũng có một vị trí trang trọng trong lòng nhân dân. Người cán bộ ấy được nhân dân tự xây thành trì cho chính mình, từ câu chuyện kể, từ lời truyền miệng.

Tiếng lành đồn xa mà tiếng dữ cũng đồn xa, sống được như ông Phan Thế Phương ấy đã là sống một cuộc đời không phí hoài rồi.

2. Tinh thần quốc gia chính là điều giúp cá nhân vượt qua được những cám dỗ mà đời người mắc phải. Đó là không giúp cho người sai, không bao che cho người xấu, không thỏa hiệp với người không làm đúng pháp luật.

Nếu xây dựng được tinh thần quốc gia cho mỗi cán bộ lãnh đạo, mà phải là tinh thần quốc gia thật sự. Chúng ta sẽ có cơ hội để không thấy những công trình nghìn tỷ đắp chiếu, những dự án hạ tầng đội vốn liên tục mà chất lượng lại không như hứa hẹn ban đầu, những quan chức nay còn nói rất hay về đạo đức, về cống hiến, ngày mai đã lộ mặt là người không tuân thủ pháp luật, cả những nước mắt hay khốn khó của nhân dân.

Có một tinh thần quốc gia, chúng ta sẽ thấy những cán bộ lãnh đạo hết quan hoàn dân, nhẹ nhàng trở về với mảnh vườn nhà, với be bờ cuốc đất, với cây chôm chôm, cây măng cụt, với đãi khách là cái bánh xèo nước chấm nhà quê rau cuốn hái sẵn trong vườn nhà.

Như cái cách mà Ngô đọc được trên báo về nguyên Thủ tướng. Có một tinh thần quốc gia, chúng ta sẽ thấy khi rời bỏ cõi tạm trần ai, nhẹ nhàng khiêm tốn về nằm cạnh người bạn đời đã theo mình mấy mươi năm trường.

Buồn vui sướng khổ hoạn nạn có nhau, hanh thông thăng trầm có nhau, bây giờ không còn cùng nhau sớm hôm thủ thỉ, thì lại có nhau cận kề cỏ xanh. Như cái cách mà Ngô đọc về nơi an táng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Những lời Ngô nói đều thật lòng, đều vì cái chung mà viết ra, đều vì hy vọng vào một tương lai tươi sáng mà lạm bàn.

Dân biết hết, biết hết cả, ai xấu ai tốt, ai vì dân, ai giả bộ vì dân, ai lo cho dân, ai chỉ đóng kịch đang lo cho dân, dân hiểu cả. Tại sao dân ủng hộ công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà lại phản đối quyết liệt xây dựng nhà hát giao hưởng, có thể coi đây là một ví dụ nhanh nhất mà hợp thời nhất vậy.

Mà tinh thần quốc gia là gì, tinh thần quốc gia ấy chính là sự yêu nước chân thành, tự nguyện trong mỗi cá nhân. Đó là biết xấu hổ khi thấy đất nước còn nhiều hạn chế, đó là biết đỏ mặt khi thấy ngân sách bị thâm thụt hằng ngày, đó là biết tự vấn mình khi thấy tốc độ phát triển kinh tế đang bị các nước khác vượt mặt ngày càng xa…

Xấu hổ, đỏ mặt, tự vấn là để nhìn lại mà bước đến, là nhìn lại mà vượt qua khó khăn chứ không phải là xấu hổ xong để đó, đỏ mặt xong để đó, tự vấn xong để đó. Cứ để đó rồi hứa hẹn nhường lại trách nhiệm cho người kế nhiệm thì còn gì để mà bàn nữa.

Ngô rất thích đọc những thông tin về hai miền Hàn Quốc với Triều Tiên, nhất là hai cá nhân đứng đầu quốc gia của họ. Chuyện âm mưu, chuyện chính trường, chuyện toan tính sâu xa Ngô không nhắc đến.

Ngô chỉ xúc động với chuyện đang diễn ra, đó là một hòa bình, đó là một hàn gắn, đó là vượt qua được những bất đồng để các người con cùng dân tộc, cùng dòng máu, cùng ngôn ngữ có cơ hội ôm chầm lấy nhau, tha thiết như những thành viên trong gia đình xa cách lâu ngày được gặp lại.

Một đoạn ngắn trên facebook cá nhân của Ngô như là cái kết cho bài viết này, "Sáng nay, 14-6-2018, các báo đưa tin Kim Jong-Un đã về đến Bình Nhưỡng, Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore. Kim Jong-Un được cho là không ghé qua Bắc Kinh hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, việc này trái với dự đoán của các chuyên gia quan sát. Thế giới ngày càng bất ngờ hơn, từ Donald Trump cho đến Kim Jong-Un, nhưng tựu trung thì không ngoài mấy chữ "lợi ích quốc gia là trên hết".

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích quốc gia là trên hết thì còn một cụm từ khác quan trọng hơn mà theo quan điểm cá nhân của tôi thì là "vì quốc gia mà phụng sự". Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in là một biểu trưng của cụm từ đó.

Moon Jea-in, với hoàn cảnh xuất thân của mình, có lẽ ông hiểu rõ nhất nỗi đau của một dân tộc bị chia cắt. Và gần như suốt cả cuộc đời mình, suốt cả sự nghiệp chính trị của mình, chưa bao giờ ý nghĩ phải thúc đẩy một hàn gắn dân tộc trong ông biến mất.

Lên nắm quyền Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jea-in có vẻ như tập trung toàn bộ sức lực của mình cho những gắn kết mà ông đã theo đuổi nhiều năm trời.

Ông gặp Kim Jong-Un, một buổi gặp đầm ấm như những người anh em lạc nhau trùng phùng. Ông thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Donald Trump và Kim Jong-Un có khúc mắc, ông lại trở thành người hàn gắn rất đỗi chân thành để có cuộc gặp lịch sử tại Singapore vào ngày 12-6 vừa qua.

Người Hàn Quốc nhiều năm rồi, tính từ khi chia cắt và cả sau nội chiến Nam Hàn - Bắc Hàn (1950-1953), họ chưa bao giờ thôi xót xa về một đất nước còn chưa trọn vẹn. Những người thân của họ, máu mủ ruột rà của họ, đồng bào của họ còn trong cảnh cấm chợ ngăn sông, những chuyến tàu hội tụ đầy nước mắt.

Họ chưa bao giờ thù ghét người Triều Tiên.

Gạo, tiền vẫn được thả xuống biển để đến với Triều Tiên khi họ lo lắng sẽ có chiến tranh, họ sợ những người anh em của họ thiếu đói, khó khăn.

Trong tình cảm và suy nghĩ của họ, không có đường biên giới, không có đơn vị hành chính nào có thể ngăn được tình yêu thương mà họ dành cho nhau.

Moon Jae-in đã biến tâm tư ấy thành hành động, ông đã vì ý nguyện của dân tộc Triều Tiên mà thực hiện những thôi thúc rất đỗi linh thiêng.

Triều Tiên sẽ ra sao sau những nồng ấm với Mỹ ban đầu còn là một câu chuyện dài, nhưng những gì mà Moon Jae-in đã làm cho đến thời điểm này, cho tôi một cảm xúc rất thiết tha về sự phụng sự cho quốc gia. Đó không phải là tạo dựng một con đường tốt đẹp nhất cho đất nước từ vị thế của mình hay sao.

Và nếu không yêu đất nước mình một cách tự nguyện và phụng hiến, Moon Jae-in đâu cần phải miệt mài đến vậy".

Đấy chính là một tinh thần quốc gia chân chính vậy.

Ngô Nguyệt Hữu

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/tinh-than-quoc-gia-517051/