Tinh thần 'sinh thái' trong Sinh Vật Cảnh

Nhiều người tỏ ra băn khoăn: 'Mỗi năm ở Hà Nội diễn ra rất nhiều sự kiện Sinh Vật Cảnh (SVC) trong chương trình Hội SVC Hà Nội với cả nước, Hội SVC cả nước với Hà Nội và Hội SVC Hà Nội cũng tham gia gần như mọi hoạt động lớn ở các địa phương trong cả nước mà không có kinh phí tài trợ từ ngân sách, không thu hội phí, không tồn quỹ Hội hoạt động. Vậy thì Hội SVC Hà Nội lấy nguồn lực đâu để tổ chức thực hiện?'

Nhà báo Đỗ Phượng, Chủ tịch Hội SVC Việt Nam trao bức tranh "Bác Hồ bên giàn hoa giấy" kính tặng đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội VI của Hội SVC Việt Nam ngày 12/06/2017

Trước đây, Hội SVC Hà Nội và nhiều nơi trong cả nước cũng từng có nhiều ý kiến về việc phải hình thành quỹ hội thông qua việc thu hội phí và chân quỹ đóng góp từ hội viên làm nguồn lực tài chính đảm bảo hoạt động của Hội. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thấy việc làm đó không thật khả thi và chưa phù hợp với các quy định hiện hành của phát luật (nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2010/NĐ - CP, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 102 về công tác hội quần chúng). Lãnh đạo Hội đặt ra câu hỏi "Phương thức nào khiến Hội SVC Việt Nam thực sự phát triển có sức sống nổi bật vượt trội so với rất nhiều hội quần chúng khác trong suốt lịch sử gần 30 năm xây dựng và trưởng thành?".

Câu trả lời nằm ở chính những hoạt động SVC được vận hành theo tinh thần “sinh thái” mà những nhà sáng lập Hội và lãnh đạo Hội qua các thời kỳ quan tâm hướng dẫn mấy chục năm qua. Đến với SVC là hướng đến lối sống hòa đồng với thiên nhiên, tìm đến sự tĩnh tâm thanh tịnh, sự cân bằng giữa cá nhân và tập thể; vật chất và tinh thần...tìm đến sự cân bằng vốn trong hệ sinh thái tự nhiên. Vạn vật có xu hướng tự cân bằng trong một trạng thái thống nhất tổng thể (dẫu trong một thời điểm cụ thể, phạm vi cụ thể có sự dao động cụ thể). Tương tự các nguồn lực để thực hiện các sự kiện SVC cũng được thực hiện theo phương thức ấy. Thông qua phương thức xã hội hóa toàn phần, cộng đồng trách nhiệm, sẻ chia tự nguyện, các tập thể và cá nhân sẽ tự điều chỉnh quyền và nghĩa vụ có liên quan của mình.

Ban Thường vụ Trung ương Hội SVC Việt Nam lưu niệm

với

đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước tại Phủ Chủ tịch vào tháng 10 năm 2012

Thay vì lập quỹ tại Hội thông qua các hình thức huy động phải tốn chi phí nuôi bộ máy quản lý thì "kí gửi" quỹ đó ở cho từng hội viên, thành viên liên quan. Vấn đề còn lại đòi hỏi Hội và những người lãnh đạo phải có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, minh bạch, rõ ràng phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của hội viên, thành viên, không trái với quy định của pháp luật, Điều lệ Hội để hội viên, thành viên tự nguyện "xuất quĩ" của họ cho các hoạt động chính đáng của Hội một cách vui vẻ. Thông qua sự đóng góp, nhiệt tình đồng hành hưởng ứng của họ mà Hội nắm bắt được sức hấp dẫn của phong trào một cách thực chất nhất. Những hoạt động không thu hút được các nhà tài trợ, hội viên ít quan tâm là tín hiệu cho thấy sự kiện đó không nên triển khai và ngược lại. Việc gắn quyền lợi với nghĩa vụ của cán bộ, hội viên và các thành viên trong từng sự kiện luôn nhận được sự đồng thuận cao của tập thể và được đánh giá là cách làm minh bạch, văn minh, dân chủ và công bằng.

Đồng chí Nguyễn Duy Quý, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Phó chủ tịch Trung ương Hội SVC Việt Nam luôn tham dự các sự kiện SVC Thủ đô theo tinh thần sinh thái SVC

Tinh thần "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" cũng được quán triệt rất rõ ràng cụ thể chi tiết đến từng lãnh đạo, cán bộ, từng bộ phận, hội chuyên ngành và hội thành viên các cấp để mọi người vui vẻ và chủ động triển khai công việc. Tất nhiên hạn chế việc "mang tiền nhà làm việc tập thể" nhưng chí ít cũng là sự hi sinh về thời gian, công sức và sự sẵn sàng chia sẻ vật chất, tinh thần khi có yêu cầu. Cái được lớn nhất đối với người làm công tác Hội là cơ hội cống hiến cho cộng đồng xã hội, theo đuổi niềm đam mê, chia sẻ kiến thức, thúc đẩy giao lưu và có môi trường rèn luyện bản thân...Ban đầu mới nghe thì thấy cách làm trên có vẻ không khả thi, bị động, mang tính vụ việc và trái ngược lại với cách làm của các cơ quan hành chính thông thường. Người ta thường nghĩ "mạnh về gạo bạo về tiền", "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" nhưng trong hoạt động của các hội quần chúng với đặc thù là sự tự nguyện, tự giác, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm mà những người thực hiện cứ "có tiền, có quyền lợi" mới làm thì còn đâu là sự chủ động và tinh thần hoạt động xã hội của một tổ chức nghề nghiệp nữa. Nhiều người còn mạnh dạn khẳng định: “nếu có tư tưởng vụ lợi thì đừng tham gia công tác hội và ngược lại”.

Đồng chí Nguyễn Tất Diên PCT kiêm Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương Hội SVC Việt Nam có chuyến "vi hành" tới Chợ Hoa cây cảnh Vạn Phúc, Hà Đông để có cơ hội gần gũi và tìm hiểu những hoạt động SVC tại Thủ đô

Với cách làm như vậy, dần dần sau một thời gian cũng theo quy luật sinh thái sẽ sàng lọc một cách tự nhiên những người còn lại gắn bó với công tác Hội không có "đòi hỏi" gì cho riêng mình, coi sự "hi sinh" về vật chất, tinh thần (nếu có) là bình thường đều thuận theo "tinh thần sinh thái SVC" mà tự nguyện gắn bó với Hội lâu dài. Cán bộ, hội viên, hội thành viên, hội chuyên ngành cũng thấu hiểu, cảm thông và sẵn sàng chia sẻ vật chất và tinh thần theo tinh thần sinh thái ấy. Mọi cán bộ, hội viên, thành viên tự nguyện "tham gia tùy năng lực, đóng góp theo khả năng" không đòi hỏi quyền lợi riêng cụ thể nào. Người có điều kiện, mạnh thường quân đóng góp nhiều, người có ít đóng góp ít, người không có vật chất thì đóng góp tinh thần, thời gian...Cứ như vậy mọi việc đều suôn sẻ. Tất nhiên cũng có người thấy lạ và đặt câu hỏi theo kiểu suy bụng ta ra bụng người: "Tại sao có nhiều người lại nhiệt tình thế với công tác hội, lẽ nào không có gì mà họ lại hi sinh như vậy?". Sinh thời cụ Đỗ Phượng, nguyên Chủ tịch Hội SVC Việt Nam thường khuyên những người giúp việc: "Thôi cứ để mọi người tự có trải nghiệm và rút ra những bài học cho chính mình, rồi họ tự hiểu đúng bản chất vấn đề. Có như vậy đi chăng nữa cũng đừng mất thì giờ giải thích tranh luận cho những việc không đáng nếu quả thực mình thực sự trong sáng. Hội không phải là bình phong nơi trú chân bền vững cho những ai cơ hội".

Doanh nhân Trần Công Cảnh, PCT Trung ương Hội SVC Việt Nam thậm chí coi những hoạt động chính đáng của Hội SVC Hà Nội là "người nhà" không tới, không sắn tay hỗ trợ vật chất và tinh thần thì rất áy náy

Còn nhớ những ngày đầu, người viết bài này về làm việc tại cơ quan Trung ương Hội SVC Việt Nam gần 20 năm trước bên cạnh một số bậc tiền bối sáng lập Hội, tinh thần "sinh thái SVC" được các cụ vận dụng linh hoạt, hiệu quả và rất rõ ràng: "Chúng ta cần phát triển kinh tế SVC thành một ngành kinh tế sinh thái có hiệu quả để góp phần từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, hội viên và nhân dân chứ không phải tập trung mọi nguồn lực chỉ để cải thiện tài chính Hội, lo cho bộ máy Hội hoạt động. Hội quần chúng mà lại có đầy đủ tài chính, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, phương tiện, biên chế và sử dụng ngân sách như cơ quan hành chính nhà nước thì còn gì là hội nữa. Phải tự bươn trải lấy nghề nuôi hội, lấy hoạt động nuôi phong trào, tự thân nó tất có sự điều chỉnh thuận theo sinh thái tự nhiên mà thành...Miễn là chúng ta cố gắng nỗ lực hết mình với tinh thần nhân văn trong sáng. Chúng ta tự nhận về mình sứ mệnh góp phần tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, gìn giữ các di tích lịch sử; làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc...thì chúng ta phải sẵn sàng tinh thần phấn đấu hi sinh cho sứ mệnh đó một cách tự nguyện. Vì thế xin đừng có ngạc nhiên khi Hội đến nay đạt không ít thành tích nhưng chưa đề nghị nhà nước có một hình thức khen thưởng cho mình".

TS. Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, Nguyên Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Chủ tịch Trung ương Hội SVC Việt Nam tới dự và phát biểu chỉ đạo tại một cuộc liên hoan của Chi hội Cây cảnh nghệ thuật xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã nói lên sự quan tâm đối với tổ chức Hội và phong trào SVC Thủ đô theo tinh thần "Sinh thái Sinh Vật Cảnh"; Ảnh Nguyễn Phương Doanh

Gần đây khi chúng ta siết chặt lại quản lý công tác hội quần chúng, rà soát lại ngân sách cấp cho các hội, không để có tình trạng "hội hoạt động biến tướng của ông to bà lớn sau khi nghỉ hưu" như dư luận từng phản ánh thì những hoạt động của các hội như Hội SVC ngày càng phát triển bền vững. Và ngược lại những hội vốn quen hoạt động theo lối hành chính, dựa dẫm vào các nguồn ngân sách thì rất lúng túng trong việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Hiếm có một hội quần chúng lại quy tụ đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như Hội SVC Việt Nam. Họ xuất thân là nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, trí thức, nông dân, lương, giáo...đều thấy ở Hội SVC các cấp. SVC được đánh giá là "hình ảnh thu nhỏ của ngôi nhà Đại đoàn kết dân tộc" (Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam), là "một nhánh cái trong chùm rễ văn hóa dân tộc" (Đồng chí Đỗ Phượng, Nguyên Chủ tịch Hội SVC Việt Nam), là "ngành kinh tế sinh thái giá trị cao", (Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Nước)...

Ngẫm lại định hướng "tinh thần sinh thái Sinh Vật Cảnh" của các bậc tiền bối sáng lập Hội SVC Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập Hội đến nay đã được các thế hệ lãnh đạo và đông đảo cán bộ, hội viên trong cả nước kế thừa, phát huy thật sáng tạo và có giá trị góp phần tô thắm những mùa xuân ngập tràn hương sắc Đất Việt.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vân Trung ương đánh giá cao vai trò của Hội SVC Việt Nam trong gần 30 năm xây dựng và trưởng thành nhân Đại hội lần VI của Hội ngày 2/06/2017

Quyết Tuấn |

Nguồn VnEconomy: http://vanhien.vn/news/tinh%20th%E1%BA%A7n%20%E2%80%9Csinh%20th%C3%A1i%E2%80%9D%20trong%20sinh%20v%E1%BA%ADt%20c%E1%BA%A3nh-59712