Tinh thần tự chủ đại học

Chủ trương về tự chủ đại học (ĐH), trách nhiệm giải trình và thiết chế hội đồng trường (HĐT) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết nghị trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017. Sau đó, được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34 - có hiệu lực từ 1-7-2019), rồi được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bằng Nghị định 99 (có hiệu lực từ 15-2-2020). Và mới đây, đã được Chính phủ thể chế hóa.

Điều này cho thấy, tự chủ ĐH luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xem đó như là nền tảng để cơ sở giáo dục ĐH chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản, huy động và sử dụng các nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế thiết chế HĐT vẫn còn quá mờ nhạt, nảy sinh nhiều bất cập. Sau khi triển khai Nghị định 99, nhiều trường ĐH đã thành lập HĐT như: Kinh tế TPHCM, Y Dược TPHCM, Sư phạm TPHCM, Mở TPHCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, Luật TPHCM… Thế nhưng, đã xuất hiện không ít những lùm xùm xung quanh việc thành lập HĐT, bầu hiệu trưởng mới, đặc biệt là các phản ứng tiêu cực của tập thể cán bộ giảng viên.

Thực tế, khi triển khai Nghị định 99, HĐT trở thành cơ quan quyền lực cao nhất của trường. Cùng với đó, theo chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH phải nhanh chóng thành lập HĐT. Lúc này, chức chủ tịch HĐT trở thành đích ngắm của nhiều hiệu trưởng sắp hết nhiệm kỳ... Từ đây, nhiều trường xé rào, gây nên những hệ lụy, điển hình như câu chuyện của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Khoản 2, Điều 46, Nghị định 115/2020 của Chính phủ về Quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã quy định rõ 5 bước thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ. Trong đó, bước 2 quy định, “tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: mỗi thành viên giới thiệu 1 người cho một chức vụ; người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn 2 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu ở các bước tiếp theo”...

Trong kế hoạch về việc thực hiện quy trình nhân sự đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhiệm kỳ 2021-2025 ban hành ngày 29-3-2021, quy trình bầu chọn có 7 bước. Trong đó, bước 2 quy định giống như bước 2, Khoản 2, Điều 46, Nghị định 115. Tuy nhiên, ngày 12-4, tại bước 2 trong quy trình bầu nhân sự của trường, phó hiệu trưởng L.H.G. đạt 26/41 thư giới thiệu (63,41%), trưởng khoa cơ khí chế tạo máy N.T.T. đạt 15/41 thư giới thiệu (36,59%). Như vậy, ông N.T.T. đã không đạt trên 50% nên theo quy định sẽ không được chọn. Tuy nhiên, thực tế ông N.T.T. vẫn được chọn tiếp tục các bước tiếp theo và thậm chí sau đó ông N.T.T. còn được chọn làm hiệu trưởng để Bộ GD-ĐT xem xét công nhận. Sau khi biết kết quả bầu nhân sự, nhiều người bức xúc, hoài nghi và gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan khi cho rằng việc bầu chọn đã vi phạm ở bước 2...

Có thể nói, trong câu chuyện tự chủ, nhất là tự chủ ĐH, ý kiến tập thể và tính dân chủ của hàng trăm, hàng ngàn cán bộ giảng viên, viên chức vẫn đóng vai trò quyết định và cần được tôn trọng... Nếu lạm dụng quyền tự chủ, triệt tiêu tính dân chủ, ý kiến tập thể thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong khi chúng ta đang chờ Chính phủ và Quốc hội nỗ lực điều chỉnh các luật khác để đồng bộ, thống nhất cho mục tiêu tự chủ ĐH thì bản thân người đứng đầu các cơ sở giáo dục ĐH phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Mọi ý tưởng phá rào, lợi dụng tự chủ để triệt tiêu ý kiến tập thể nhằm đạt mục tiêu, lợi ích cá nhân chắc chắn sẽ dẫn đến đổ vỡ.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tinh-than-tu-chu-dai-hoc-726987.html