Tinh thần tương thân tương ái: Sức mạnh trong 'cuộc chiến' chống COVID-19

Những hình ảnh đẹp, những hành động nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong 'cuộc chiến' chống COVID-19 những ngày qua đã giúp nhân dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Qua đó làm tăng sức mạnh và tạo động lực to lớn để đất nước vượt qua khó khăn, hiểm họa, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn.

PGS. TS. Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS. TS. Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS. TS. Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định điều này khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về công cuộc “đánh giặc COVID” hiện nay.

Thưa ông, trong những thời khắc lịch sử, cha ông ta thắng giặc là nhờ huy động sự vào cuộc của toàn dân. Vậy theo ông tinh thần tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi của nhân dân ta đã được phát huy như thế nào qua những thời điểm đặc biệt của lịch sử?

PGS. TS. Lê Văn Cường: Truyền thống nhân nghĩa, tương thân tương ái của nhân dân Việt Nam đã được hun đúc, đắp bồi qua nhiều thế hệ. Ở giai đoạn lịch sử nào cũng có những biểu hiện cụ thể, thắm thiết tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Có thể thấy vài năm gần đây, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức, từ hạn mặn, rồi lũ chồng lũ, bão chồng bão và mới nhất là hơn 1 năm nay, dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Nhưng càng khó khăn gian khổ thì tình thương yêu đồng bào, đồng chí, trách nhiệm với cộng đồng vẫn luôn thường trực trong tình cảm xã hội, trong dòng máu con người Việt Nam.

Khi việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được triển khai kịp thời, thiết thực, hiệu quả, có tầm bao quát, công khai, minh bạch, thì tinh thần tương thân tương ái ấy sẽ càng sôi nổi, lan tỏa.

Tinh thần ấy giữa “cơn bão đại dịch” được thể hiện sâu sắc hơn bao giờ hết qua chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào ta đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài trở về Tổ quốc. Trong khi nhiều nước đối phó với đại dịch bằng cách đóng cửa thì đất nước giang rộng vòng tay đón chào những người con xa xứ giữa lúc đang phải căng mình chống chọi với dịch bệnh.

Trên dưới đồng lòng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ cùng các địa phương đã và đang làm hết sức mình vì sức khỏe và tính mạng của người dân và sự ổn định trật tự xã hội.

Phát huy chân lý “Nước lấy dân làm gốc”, nhân dân đã đồng lòng cùng Chính phủ, chia sẻ gánh nặng, thực hiện các yêu cầu cơ bản góp sức chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Đó chính là cái gốc để ổn định xã hội và phát triển đất nước, là đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển, đưa nước ta hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có thể thấy truyền thống tốt đẹp ấy chỉ cần có điều kiện khơi dậy là tinh thần nhân văn đó lại bùng lên như ngọn lửa ấm áp, quy tụ lòng người và tạo nên sức mạnh dân tộc Việt.

Ông có cho rằng trong đợt dịch bệnh lần này, một lần nữa tinh thần đại đoàn kết dân tộc lại được phát huy mạnh mẽ, làm nên sức mạnh của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 không?

PGS. TS. Lê Văn Cường: Trong dịch COVID-19 hơn 1 năm qua, tinh thần đại đoàn kết dân tộc lại được phát huy mạnh mẽ. Những quyết sách quyết liệt với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” đã được toàn dân hưởng ứng. Vì vậy, Chính phủ không đơn độc trong cuộc chiến này. Nhân dân ta đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng Chính phủ bằng sự ủng hộ mạnh mẽ cả tinh thần lẫn vật chất ở những khu cách ly, ở nơi phát hiện ca nhiễm, bằng sự nghiêm chỉnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi: “Mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch COVID-19”.

Nhiều cơ sở, trường học tự sản xuất khẩu trang, chế nước rửa tay phát miễn phí. Nhiều khách sạn ở nhiều địa phương tự nguyện làm cơ sở cách ly. Những sinh viên trường y, những bác sĩ đã về hưu nay lại xung phong ra tuyến đầu chống dịch cũng như tinh thần tình nguyện của các chiến sĩ xung phong tăng cường lên biên giới làm nhiệm vụ... Rồi còn bao nhiêu chiến sĩ quân đội, công an đang căng sức trên tuyến đầu chống dịch…

Những việc làm nói trên theo Thủ tướng “không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều xuất phát từ trái tim”.

Sự đồng tâm, đồng sức đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng hơn bao giờ hết và đó là động lực, là sức mạnh giúp đất nước ta nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Những việc làm ấy đã lấn lướt, nhấn chìm những hành vi gian dối, vô trách nhiệm trong khai báo y tế khi đi từ vùng dịch trở về; khiến cho những tiếng nói ác ý, bịa đặt thông tin dịch bệnh… trở nên lạc lõng.

Trong “cuộc chiến không tiếng súng” lần này, ông đánh giá thế nào về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”?

PGS. TS. Lê Văn Cường: Công tác phòng chống dịch của Việt Nam có hiệu quả là nhờsự nhất quán về chủ trương của các cấp lãnh đạo. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… đã có chỉ đạo thần tốc, quyết liệt và hỗ trợ các địa phương kịp thời ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện trên thế giới hồi cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Các chỉ đạo phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước được nhân dân đồng tình, ủng hộ dù biết rõ khó khăn có thể gặp phải.

Những chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19 với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo nên tinh thần tương thân, tương ái rộng lớn. Địa phương chưa có dịch hỗ trợ địa phương có dịch, địa phương hết dịch chung sức với những địa phương khác nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép đã dề ra.

Có sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng.

Khó có thể ghi chép hết được những thành tựu và trí tuệ của ngành y tế, quân đội, công an, các cấp, các ngành, các tôn giáo và các địa phương trong cả nước đã cùng chung tay sát cánh với Chính phủ chống dịch.

Và cũng chính tinh thần tương thân tương ái, trong khi nguồn lực còn hạn chế nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn chia sẻ với bạn bè quốc tế trong phòng chống dịch nên chúng ta cũng tranh thủ được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, của các nước khác.

Trong điều kiện hiện nay, mỗi người dân cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong phòng chống dịch và tiếp tục phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Khi một đất nước mà từ người lãnh đạo đứng đầu đến mọi tầng lớp nhân dân đều đồng lòng quyết tâm thì “sức đề kháng” của mỗi cá nhân sẽ được nhân rộng, lan tỏa tạo thành sức mạnh thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi và đất nước ta sẽ vững bước đi lên theo mục tiêu đã chọn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/tinh-than-tuong-than-tuong-ai-suc-manh-trong-cuoc-chien-chong-covid19/432435.vgp