Tình thế khó xử trong trận đại chiến tuyển Mỹ gặp Iran

Lịch sử phức tạp giữa Iran và Mỹ đã khiến những cuộc gặp gỡ thể thao đơn giản giữa hai quốc gia trở thành điểm nóng ngoại giao.

“Tôi không rành về chính trị quốc tế. Tôi là một huấn luyện viên bóng đá”, huấn luyện viên Gregg Berhalter nói hôm 28/11, giữa những câu hỏi chính trị bủa vây.

24 giờ trước trận đấu quyết định ở bảng B với Iran, huấn luyện viên trưởng của Mỹ đã hứng chịu hàng loạt câu hỏi thù địch từ truyền thông Iran. Mọi thứ được đưa vào chất vấn, từ phân biệt chủng tộc, đến sự hiện diện của hạm đội Mỹ ở vùng Vịnh.

Đó là một trải nghiệm mà ông chưa bao giờ có trước đây và rất hiếm huấn luyện viên gặp phải.

Tuy nhiên, điều này không hẳn là hoàn toàn không thể đoán trước. Lịch sử phức tạp giữa Iran và Mỹ đã khiến những cuộc gặp gỡ thể thao đơn giản giữa hai quốc gia trở thành điểm nóng ngoại giao.

Đội bóng hai quốc gia cũng gặp phải tình huống khó xử như vậy khi đối đầu với nhau lần đầu tại World Cup 1998 diễn ra tại Pháp. Giờ đây, điều đó lặp lại một lần nữa, theo Guardian.

Huấn luyện viên Gregg Berhalter của đội tuyển Mỹ trong buổi họp báo hôm 28/11, một ngày trước trận gặp Iran vào tối 29/11 giờ Qatar. Ảnh: Reuters.

Chính trị trong bóng đá

Một vấn đề nổi cộm của Iran đã được chú ý ngay cả trong World Cup là phong trào biểu tình đã kéo dài hơn 2 tháng nay tại đất nước Hồi giáo.

Làn sóng biểu tình đòi quyền phụ nữ - hiện lan rộng khắp Iran - bắt nguồn từ cái chết của Mahsa Amini, một cô gái 22 tuổi bị bắt vì không đội khăn trùm đầu đúng cách.

Hơn 450 người đã thiệt mạng và hơn 18.000 người bị bắt giữ kể từ đó, theo nhóm vận động Các nhà hoạt động Nhân quyền.

Các cuộc biểu tình thậm chí đã theo chân các nam cầu thủ Iran đến Qatar, nơi họ từ chối hát quốc ca trước trận đấu với Anh để thể hiện sự đồng lòng của mình đối với phụ nữ tại quê nhà. Cổ động viên Iran ủng hộ phong trào cũng đã mang các biểu ngữ và áo phông có tên Amini vào các sân vận động, thường bị an ninh Qatar - một đồng minh của nhà nước Iran - tịch thu.

Chính phủ Mỹ đã công khai đứng về phía những người biểu tình. Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng Amini “đáng lẽ nên được sống hôm nay”, và kêu gọi giới chức trách Iran chấm dứt các hành động gây bất bình với phụ nữ và cho phép biểu tình ôn hòa.

Tuy nhiên, đội tuyển Mỹ đã đứng ngoài cuộc, cho đến tối 26/11, Liên đoàn Bóng đá Mỹ đã thay đổi banner trên các tài khoản mạng xã hội của mình, hiển thị bảng xếp hạng ở Bảng B với lá cờ Iran không có biểu tượng của nước Cộng hòa Hồi giáo, điều khiến nước này nổi trận lôi đình và yêu cầu FIFA khai trừ Mỹ khỏi giải đấu toàn cầu.

Đội tuyển Mỹ khẳng định họ không biết gì về sự việc, và đến hôm 28/11, huấn luyện viên Berhalter đã xin lỗi về điều đó.

Cầu thủ Iran không hát quốc ca tại trận đấu với Anh hôm 21/11. Ảnh: Reuters.

“Mẹ của mọi trận đấu”

Mỹ và Anh từng có lịch sử can dự vào Iran trong thế kỷ XX và gắn liền với việc theo đuổi dầu mỏ. Cùng với người Anh, Mỹ đã kích động một cuộc đảo chính phế truất nhà lãnh đạo Iran Mohammad Mosaddegh vào năm 1953.

Sau đó, họ áp đặt lại quyền cai trị của hoàng gia dưới thời Vua Mohammad Reza và ủng hộ chế độ của ông, duy trì quyền kiểm soát dầu mỏ đồng thời chuyển sang bắt tay với đối thủ khu vực là Saudi Arabia.

Sau Cách mạng Hồi giáo 1978-1979, giới lãnh đạo tôn giáo trở thành kẻ thù của các đời tổng thống Mỹ liên tiếp, và Mỹ đã cung cấp tài chính cho Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein trong suốt 8 năm của cuộc chiến tranh Iran - Iraq. Gần đây hơn, những nỗ lực thiết lập lại quan hệ giữa Mỹ và Iran đã bị cựu Tổng thống Donald Trump đảo ngược trong nhiệm kỳ của ông.

Đó là nguyên nhân mà huấn luyện viên Berhalter phải đối mặt với loạt câu hỏi công kích khi bước chân tới Qatar lần này, nhưng ông có kinh nghiệm về bóng đá vượt lên trên căng thẳng của 2 quốc gia.

Trận đấu đó ở Lyon năm 1998 được coi là “mẹ của mọi trận đấu”. Một sự hiện diện an ninh chưa từng có đã được thiết lập để hạn chế nguy cơ bạo lực trong sân vận động. Các cầu thủ Iran được yêu cầu không được tiếp cận đối thủ người Mỹ để bắt tay, theo quy định của FIFA. Căng thẳng tăng cao.

Nhưng bất ngờ, người ta đã có thể chứng kiến một màn thỏa hiệp thơ mộng lịch sử. Tuyển Iran tặng hoa cho người Mỹ, bầu không khí tại sân vận động sôi động nhưng không kích động. Iran không chỉ thắng 2-1 mà còn giành được sự tôn trọng và một trận tái đấu được sắp xếp vào năm sau trên đất Mỹ.

Cầu thủ Iran tặng hoa cho cầu thủ Mỹ trong trận đấu tại World Cup 1998. Ảnh: AFP.

Bản thân trận đấu đã trở thành một thành tựu ngoại giao. “Trong 90 phút, chúng tôi đã làm được nhiều hơn những gì các chính trị gia đã làm trong 20 năm”, tiền vệ người Mỹ Jeff Agoos khi đó nói.

Ông Berhalter đã xem trận đấu ngày hôm đó ở Lyon, “trận đấu đầu tiên và duy nhất” của ông với tư cách là một bình luận viên trên truyền hình, ông tiết lộ trong cuộc họp báo của mình. Ông trả lời hàng loạt câu hỏi của Iran với sự khiêm tốn và trung thực, đội trưởng Tyler Adams của ông cũng vậy.

Tuy nhiên, bài học mà Berhalter rút ra từ trận đấu năm 1998 không phải về địa chính trị mà là thể thao. Ông đã nhìn thấy ở đội tuyển Iran một phẩm chất mà ông mong muốn ở các cầu thủ của mình tại sân vận động Al Thumama trong trận đấu sắp tới.

“Trận đấu đó khắc sâu trong tâm trí tôi, nó cháy bỏng trong tâm trí tôi. Có một đội thực sự muốn giành chiến thắng trong trận đấu ngày hôm đó và một đội thì không. Để chúng tôi có cơ hội tiến sâu ở World Cup này, chúng tôi sẽ phải chơi giống như họ đã làm”, vị huấn luyện viên nói.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-the-kho-xu-trong-tran-dai-chien-tuyen-my-gap-iran-post1380193.html